Dòng sự kiện:
Quần thể Di tích Huế hướng tới tiêu chí mới của UNESCO
20/03/2018 11:52:58
Hội thảo quốc tế quan trong đang diễn ra ở TP Huế nhằm đạt những kết quả để bổ sung vào hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Huế với tiêu chí mới là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới.

Sáng ngày 20/3, tại TP Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng, Đại học Waseda (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quản lý và sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, hệ thống sinh thái lịch sử tại các lăng tẩm Hoàng gia triều Nguyễn và khu vực sông Hương”.

Hội thảo diễn ra tại Khách sạn Sài Gòn Morin (TP Huế).

Hội thảo quốc tế này nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu của hai bên về những giá trị, đặc điểm và tiềm năng của cảnh quan văn hóa và môi trường lịch sử – sinh thái tại khu vực lăng tẩm Hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương. Đồng thời, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa các chuyên gia với các nhà quản lý, các học giả, các nhà nghiên cứu về quan điểm bảo vệ vùng đệm cảnh quan văn hóa nhằm mục đích bảo vệ tính toàn vẹn, duy trì và phát triển bền vững các giá trị văn hóa - lịch sử, cảnh quan, môi trường của các lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương, nhằm xây dựng phương án thích hợp bảo tồn cảnh quan di sản cho khu vực...

Ngoài ra, kết quả của hội thảo sẽ được xem xét bổ sung vào hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Huế với tiêu chí mới là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới.

Được biết, đây là nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên – Huế nói chung trong việc xây dựng hồ sơ tái đề cử nhằm vinh danh một lần nữa Quần thể Di tích Huế là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới theo khuyến nghị của UNESCO và Bộ VH-TT&DL trong những năm gần đây.

Toàn cảnh lăng Minh Mạng nhìn từ trên cao với màu xanh bao phủ của nhiều cây cổ thụ (Ảnh: Quang Huy)

“Cảnh quan thiên nhiên luôn được xem là thành tố quan trọng trong cơ cấu không gian kiến trúc nói chung và trong không gian một di sản vật thể nói riêng. Đối với Quần thể di tích Cố đô Huế – khu di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam, thì yếu tố cảnh quan thiên nhiên lại càng có ý nghĩa quan trọng. Bảo tồn hệ thống di tích thời Nguyễn mang tính bền vững chỉ khi cảnh quan môi trường thiên nhiên được quản lý, khai thác một cách hợp lý và được bảo vệ một cách triệt để dựa trên pháp luật Việt Nam và các Công ước di sản thế giới”, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhấn mạnh tại tham luận buổi hội thảo.

Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến