Dòng sự kiện:
Quy định mới về tỷ lệ sở hữu nước ngoài
07/12/2020 10:03:11
Theo quy định Luật Chứng khoán mới dự kiến áp dụng từ năm 2021, tỷ lệ sở hữu nước ngoài được tính trên vốn điều lệ của công ty, thay vì tính trên vốn cổ phần có quyền biểu quyết như trong Nghị định 60 hiện nay.

Với quy định này, khả năng phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết cho nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp đã kín room coi như đã đóng.

Đây là nội dung được trao đổi, đối thoại giữa các doanh nghiệp niêm yết và cơ quan quản lý tại Hội nghị niêm yết do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tổ chức ngày 4/12 trong khuôn khổ Hội nghị và Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2020.

Nhiều thắc mắc từ phía doanh nghiệp niêm yết tập trung ở các vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài, mua cổ phiếu quỹ, phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá… trước thời điểm 1/1/2021 dự kiến áp dụng Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán mới.

Bà Bùi Thị Huệ, Vụ phó Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, điểm khác biệt giữa Nghị định 60 và dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán mới là tính tỷ lệ sở hữu nước ngoài dựa vào vốn điều lệ - là quy định đồng bộ với điều ước quốc tế và pháp luật về đầu tư. Trên thực tế, chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài vẫn là dựa trên vốn điều lệ và nay đưa nó về đúng bản chất.

Đại diện UBCK và HOSE trao đổi và trả lời thắc mắc của doanh nghiệp niêm yết. Ảnh: Lê Toàn

Điểm khác biệt nữa là doanh nghiệp được quyết định tỷ lệ sở hữu thấp hơn mức cam kết quốc tế, hoặc thấp hơn các quy định pháp luật có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Nghị định hướng dẫn có quy định về thời điểm chốt để tính tỷ lệ sở hữu nước ngoài, đó là chốt 1 năm 1 lần, bám theo danh sách chốt tham dự ĐHCĐ thường niên.

Có nhiều ý kiến cho rằng, tăng lên tỷ lệ room nhất định, vượt qua mức đó thì mới áp là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo bà Huệ, đặc thù TTCK vừa mang tính chất đầu tư gián tiếp, vừa có thể chuyển thành trực tiếp thông qua việc mua bán sáp nhập khi mua cổ phần trên thị trường, nên quy định mới này là dung hòa với các pháp luật khác, phù hợp với Luật Đầu tư. Ngoài ra, quy định mới cũng trao trách nhiệm của doanh nghiệp khi thực hiện thông báo thì doanh nghiệp rà soát tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với từng ngành nghề, trong đó xác định theo mức thấp nhất của ngành có quy định về sở hữu nước ngoài.

Trả lời thắc mắc của doanh nghiệp về việc tính tỷ lệ sở hữu nước ngoài tính trên vốn điều lệ có bao gồm có bao gồm cả cổ phiếu ưu đãi hay không, bà Huệ cho biết, Luật Doanh nghiệp có quy định vốn điều lệ kết hợp từ nhiều loại vốn từ vốn cổ phần có quyền biểu quyết, vốn cổ phần ưu đãi…, nên doanh nghiệp muốn phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài thì phải tính trên vốn điều lệ, tức bao gồm tất cả các loại vốn trên.

Chính vì lẽ đó, khả năng phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết cho nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp hết room ngoại coi như đã đóng, vì phát hành ưu đãi hay không ưu đãi vẫn được tính vào tỷ lệ sở hữu nước ngoài. HOSE và UBCK hiện đang phối hợp để xây dựng một sản phẩm khác là chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) không bị tính tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Doanh nghiệp thắc mắc, giả sử công ty A đang sở hữu 15% công ty B, nếu nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50% của A, thì phần A sở hữu trong B có bị xem là sở hữu nhà đầu tư nước ngoài và có tính vào room của B hay không? Trường hợp B đang có 40% sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, nay phát sinh 15% sở hữu của A bị chuyển thành sở hữu nước ngoài, tổng 55%, giả sử room B bị giới hạn 50% thì xử lý ra sao?

Bà Huệ cho biết, nếu doanh nghiệp B có giới hạn sở hữu nước ngoài 50% thì nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần của B phải giảm về đúng mức tỷ lệ 50%.

Ngoài vấn đề về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, các doanh nghiệp còn thắc mắc về việc mua cổ phiếu quỹ thì phải giảm vốn điều lệ, trường hợp mua lại cổ phiếu ESOP nhân viên thì giảm vốn ra sao? Các quy định mới liên quan đến quản trị công ty có bắt buộc doanh nghiệp công bố bằng tiếng anh hay chưa để doanh nghiệp còn chuẩn bị? Đối tượng người nội bộ và người có liên quan theo quy định Luật Chứng khoán mới được mở rộng rất nhiều, cụ thể như thế nào? Công ty đại chúng trong Luật Chứng khoán nâng tiêu chuẩn vốn từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, vậy công ty đại chúng có vốn từ 10 - 30 tỷ đồng thì sau 1/1/2021 được xử lý như thế nào?

Giải thích thêm các thắc mắc trên, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán Chứng khoán UBCK cho biết, quy định mua cổ phiếu quỹ phải giảm vốn điều lệ được quy định trong Luật Chứng khoán, nên Nghị định không thể thay đổi, nhưng có điều khoản chuyển tiếp có quy định các cổ phiếu mua lại trước thời điểm Luật Chứng khoán có hiệu lực thì Công ty vẫn được giữ và bán cổ phiếu đó. Lưu ý, trước khi bán cổ phiếu quỹ, thì không được mua tiếp tục cổ phiếu quỹ vào.

Còn vấn đề về tư cách công ty đại chúng, từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng, trong dự thảo có quy định xử lý riêng từng trường hợp cụ thể.

Về vấn đề phát hành dưới mệnh giá, ông Hải cho biết, dự thảo nghị định có hướng dẫn 2 phần, chào bán ra công chúng và chào bán riêng lẻ dưới mệnh giá. Điều kiện chung vẫn là có thặng dư bù đắp phần thiếu hụt dưới mệnh giá và dự thảo có nói rõ, có thêm điều kiện căn cứ theo giá thị trường.

Liên quan vấn đề công bố thông tin bằng tiếng Anh, ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, UBCK cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư, nhiều lần xin ý kiến thành viên thị trường và nhiều ý kiến cho rằng, phải có thông tin bằng tiếng Anh. Dĩ nhiên không phải tất cả, chỉ doanh nghiệp nào đáp ứng được, tiêu chí có đặt ra là vốn 500 tỷ đồng trở lên.

Tuy nhiên, vòng cuối cùng, nội dung công bố thông tin bằng tiếng Anh được quyết định sẽ để dành cho văn bản khác, chẳng hạn như quy chế của Sở, quy chế niêm yết… khi ta lựa chọn cổ phiếu trong rổ VN30 chẳng hạn. Khuyến nghị Sở giao dịch có thể đưa ra các tiêu chí công bố thông tin bằng tiếng Anh, công bố thông tin về ESG… khi lựa chọn bổ chỉ số, có thể lồng ghép thêm các quy định này.

Ông Điền cho biết thêm, thời điểm công bố các thông tin trọng yếu như báo cáo quản trị, báo cáo thường niên, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019... rơi vào giai đoạn giãn cách xã hội nên việc tổng hợp và soạn thảo của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Phần lớn doanh nghiệp xin gia hạn công bố thông tin. Nhưng đó chỉ là câu chuyện của năm nay, còn nhìn chung việc công bố thông tin theo Thông tư 155 do Bộ Tài chính ban hành từ 2015 ngày càng thành thạo hơn.

Với vai trò giám sát nghĩa vụ công bố thông tin, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE cho biết, các doanh nghiệp niêm yết đã có trách nhiệm và đáp ứng tốt hơn việc này. Số lượng doanh nghiệp vi phạm và bị nhắc nhở giảm xuống qua các năm, năm 2018 là 102 trường hợp vi phạm, 185 bị nhắc nhở, thì năm 2019 còn 87 công ty vi phạm, 154 bị nhắc nhở. Từ đầu năm 2020 đến giữa tháng 11, con số này giảm về 77 công ty vi phạm, bị nhắc nhở công khai 129 lần trên website của Hose.

Theo bà Đào, mặc dù doanh nghiệp không chịu phạt khi bị nhắc nhở nhưng cái giá phải trả rất lớn, vì nhà đầu tư sẽ cân nhắc các quyết định đầu tư, hoặc khi đi vay vốn cũng sẽ bị ngân hàng đánh giá kỹ càng, chi tiết hơn.

Tác giả: Nhã An

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến