Dòng sự kiện:
Quỹ ngoại hiến kế gì cho kinh tế Việt Nam 25 năm tới?
07/03/2021 09:02:07
VinaCapital khẳng định sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam nhưng đề xuất Chính phủ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đơn giản thủ tục hành chính, phổ cập tài chính...

Phát biểu tại Đối thoại 2045 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì chiều 6/3, ông Don Lam – Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital khẳng định, bức tranh kinh tế triển vọng là động lực để họ cam kết rót 10 tỷ USD vào Việt Nam trong những năm tới.

Nhưng để thực hiện mục tiêu Việt Nam hùng cường vào năm 2045, vấn đề lớn là làm thế nào để "xây tổ đón đại bàng". Chính phủ và các địa phương cần sớm giải bài toán đảm bảo nguồn nhân lực, tài nguyên, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn rót vốn vào Việt Nam.

Theo ông Don Lam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính khi đầu tư vào một quốc gia khác. Do đó, ông gợi ý một trong hai yếu tố cần chuẩn bị ngay và phải luôn được quan tâm hàng đầu là cải thiện chỉ số thuận lợi kinh doanh.

"Đã có rất nhiều thay đổi tích cực về thủ tục, giúp rút ngắn đáng kể thời gian hoàn thiện hồ sơ và dòng vốn FDI được lưu chuyển nhanh nhưng tôi tin chúng ta có thể tiếp tục làm tốt hơn nữa", ông nói.

Ông Don Lam phát biểu tại Đối thoại 2045 chiều 6/3. Ảnh: Như Thuỷ.

Người đứng đầu VinaCapital cho rằng yếu tố còn lại là tăng cường kết nối hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội giữa các tỉnh thành để hàng hoá lưu thông nhanh, tiết kiệm chi phí.

Ông phân tích, TP HCM là trung tâm thương mại, tài chính, văn hoá lớn nhất khu vực phía Nam và thu hút nguồn vốn nước ngoài cũng như chuyên gia nước ngoài đông đảo nhất. Tuy nhiên, mức độ kết nối giữa thành phố và các tỉnh còn hạn chế vì thời gian di chuyển dao động 2-5 giờ, nếu không kẹt xe. Điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài đắn đo vì phải di chuyển quá lâu, gây mệt mỏi, lãng phí tài nguyên cũng như công sức.

Đồng quan điểm, ông Dominic Scriven cũng cho rằng một trong ba vấn đề cần đốc thúc thực hiện ngay là cơ sở hạ tầng. "Làm sao TP HCM có thể tiếp tục đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế nếu không có sự đầu tư mạnh mẽ", ông nói, đồng thời bổ sung rằng việc làm này không nên ồ ạt và kết thúc trong 1-2 năm mà phải đều đặn và bền bỉ hàng chục năm.

Song song với mục tiêu đảm bảo tăng trưởng GDP, ông Dominic đề xuất Chính phủ quan tâm hơn các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu. Việc phổ cập kiến thức tài chính cho người dân cũng cần thiết để chủ động đối phó sự già hoá dân số trong các năm tới.

Nhìn nhận quá trình đạt mục tiêu vào năm 2045 không đơn giản, nhưng lãnh đạo VinaCapital và Dragon Capital đều khẳng định Việt Nam đang sở hữu nhiều cơ hội lớn.

Cụ thể, sự chuyển dịch của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế hơn Thái Lan và Indonesia trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo dựng tốt hình ảnh "bến đỗ an toàn" và khả năng đảm bảo sản xuất kinh doanh liên tục. Dư địa tăng trưởng tại các địa phương để đáp ứng điều kiện sinh hoạt, chăm sóc y tế của chuyên gia và người lao động cũng rất lớn.

Tác giả: Phương Đông

Theo: Vnexpress
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến