Sabeco “phản pháo” vụ truy thu 408 tỉ đồng của Kiểm toán Nhà nước
16/07/2015 10:00:41
ANTT.VN – Trước kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước lên Bộ Tài chính đề nghị truy thu 408 tỉ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt (Thuế TTĐB) năm 2013 đối với Tổng Công ty Bia – Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vì có hành vi lách luật, chuyển giá thông qua chuỗi công ty con, sáng nay 15/7/2015, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “Về việc thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco”. Đến dự có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Hiệp hội Kế toán Kiểm toán, các chuyên gia kinh tế tài chính, luật sư, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí. Các chuyên gia và giới luật sư đều đánh giá Sabeco không thực hiện sai nghĩa vụ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và cho rằng Kiểm toán Nhà nước công bố kết luận trên là quá vội vàng.

Tin liên quan

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Lỗ hổng lớn trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008
Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, một số hàng hóa xa xỉ như rượu, bia, thuốc lá… bị áp mức thuế 50% để điều tiết tiêu dùng. Thuế được đánh trên “giá do cơ sở sản xuất bán ra”. Tuy nhiên, Sabeco đã thành lập chuỗi các công ty con và bán bia cho các cty con đó trước khi phân phối đến tay người tiêu dùng và kê khai mức thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá bán ra tại nơi sản xuất đầu tiên. Trong khi Kiểm toán Nhà nước cho rằng Sabeco lập ra chuỗi công ty con để “gánh thuế” cho cty mẹ và đề nghị thu thuế TTĐB dựa trên giá bán ra của công ty con, theo đó đề nghị truy thu thuế TTĐB năm 2013 của Sabeco 408 tỉ đồng.
Sabeco “phản pháo” cho rằng bản chất của thuế TTĐB là đánh vào khâu sản xuất chứ không đánh vào khâu thương mại như cách tính của Kiểm toán Nhà nước, nếu đánh vào thương mại thì vô hình trung sẽ bị tình trạng thuế chồng thuế do sản phẩm đã phải chịu các thuế khác trong quá trình vận chuyển, lưu thông trước khi đến tay người tiêu dùng.
Xét trên khía cạnh căn cứ tính thuế, Điểm a, Điều 5 Chương II của Thông tư số 05/2012/TT-BTC Bộ Tài chính ban hành ngày 5/1/2012 về hướng dẫn thi hành Luật thuế TTĐB quy định: “Trường hợp cơ sở sản xuất hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán hàng qua các cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc, thì giá làm căn cứ xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc bán ra chưa có thuế GTGT và thuế bảo vệ môi trường (nếu có)”. Tuy nhiên, Sabeco lý luận rằng “tất cả các đơn vị nêu trên (các công ty con, gọi là công ty thương mại khu vực – PV) đều có pháp nhân độc lập và hạch toán độc lập” chứ không phải là cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc nên không thuộc diện điều chỉnh của Thông tư 05.
Về vấn đề này, tại cuộc họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2014 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2013 ngày 10/7, Kiểm toán Nhà nước đã thừa nhận có sự thiếu chặt chẽ trong Thông tư 05, tuy nhiên cơ quan này vẫn cho rằng cần phải truy thu số tiền 408 tỉ đồng đối với Sabeco.
“Lách luật không phải là vi phạm luật”

Ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương)

Ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) phát biểu tại buổi tọa đàm nói trên cho rằng kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với Sabeco đã gây hoang mang không chỉ đối với Sabeco mà còn với toàn thể cộng đồng doanh nghiệp chịu thuế TTĐB như Sabeco. “Trong nền sản xuất hàng hóa, sản xuất lưu thông là 2 khâu gắn kết… Nếu nói rằng Sabeco lập ra các công ty con để lách thuế là không đúng… Tôi cho rằng cách tính thuế hiện nay của Sabeco và các doanh nghiệp tương tự là tuân thủ đúng quy định của luật thuế, vì nếu các anh này không tuân thủ đúng quy định thì không cách gì mà cơ quan thuế để các anh tồn tại suốt ngần ấy năm”. – “Sửa luật thì chúng ta sẵn sàng sửa, nhưng truy thu thì không nên” - ông Dũng khẳng định.

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương

Với quan điểm khách quan “không bênh bên nào”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho biết mình có mặt tại buổi tọa đàm này bởi vì “đây là một trường hợp điển hình có liên quan đến thể chế kinh tế, thúc đẩy môi trường kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung”.
Ông Cung cho rằng việc một doanh nghiệp thành lập công ty mẹ rồi đến các công ty con, cháu, chắt một mặt để tận dụng các lợi thế về thị trường đồng thời giảm rủi ro trong kinh doanh và là điều hết sức bình thường. Doanh nghiệp tận dụng ưu điểm cũng như kẽ hở của chính sách cũng là điều hết sức tự nhiên vì người thông minh thì người ta biết vận dụng linh hoạt để tạo ra lợi ích cho họ. Trách nhiệm của Nhà nước là tạo ra các văn bản pháp luật chặt chẽ, còn khi văn bản luật có kẽ hở thì phải sửa luật chứ không nên đẩy chi phí rủi ro về phía người dân.
“Nếu người ta sai thì phải chỉ ra sai điểm nào, nếu không chỉ ra được sai điểm nào thì tức là không sai. Lách luật không phải là vi phạm luật”. - ông Cung nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, người có 20 năm kinh nghiệm về tổ chức kinh tế cũng cho rằng: “Lách luật không phải là xấu. Hiện nay văn bản luật quy định về TTTĐB đang chưa rõ ràng ở cách tính thuế ở khâu bán buôn hay khâu bán lẻ… Có một điều tôi chắc chắn là Sabeco không thể tự kê khai thuế cho mình, muốn nộp bao nhiêu thì nộp mà phải được sự chấp thuận của cơ quan thuế”.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – ông Phạm Công Tham cho rằng Sabeco thành lập các công ty thành viên năm 2008 trong khi năm 2012 Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư 05 nên không thể nói là doanh nghiệp lập ra chuỗi công ty con để trốn thuế. Ông Tham cũng đồng ý rằng bản chất của thuế TTĐB là đánh vào khâu sản xuất chứ không đánh vào khâu lưu thông nên Sabeco không sai trong thực hiện nghĩa vụ thuế.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty luật BASICO

Dưới góc độ pháp luật tài chính, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết: “Riêng về thuế TTĐB, từ năm 1990 đến nay đã có 8 đạo luật, 10 nghị định và 20 thông tư chưa nói hàng chục văn bản khác nữa. Hệ thống pháp luật dày đặc như thế, doanh nghiệp không biết đâu mà lần.”. Luật sư Trương Thanh Đức cũng khẳng định Thông tư 05 có kẽ hở và khẳng định “Doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm còn Thuế, Kiểm toán chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”.
“Sabeco có khả năng mất 5% thị phần từ sự cố kiểm toán”

Ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT Sabeco

Chủ tịch HĐQT Sabeco - Ông Phan Đăng Tuất trả lời phỏng vấn của báo chí bên lề buổi tọa đàm, cho biết: “ Sau khi một vài tờ báo đăng tải thông tin Sabeco bị buộc truy thu hơn 408 tỷ đồng do lách thuế, các báo khác cũng đồng loạt đưa tin sai lệch này khiến 10.000 lao động trực tiếp và khoảng 400.000 lao động gián tiếp của Sabeco hết sức hoang mang, lo lắng và bức xúc.”
"Theo tính toán của các công ty tư vấn tài chính, chúng tôi  có thể sẽ mất khoảng 5% thị phần. Và rất may là Sabeco chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, nếu đã niêm yết, rất có thể Sabeco sẽ bị sụt giảm giá trị cổ phần dẫn đến mất thị phần 20-25% là chuyện bình thường", ông Tuất nhấn mạnh.
Khẳng định đơn vị mình là doanh nghiệp Nhà nước, với tinh thần thượng tôn pháp luật nên không có lý do gì để phải trốn thuế, ông Tuất cho biết “ Tất cả các khoản thu chúng tôi đã nộp vào Ngân sách Nhà nước hàng năm. Nếu Bộ Tài chính phê chuẩn kết luận của Kiểm toán Nhà nước, chúng tôi cũng sẽ tuân thủ. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa hình dung thủ tục để có thể thực hiện việc truy thu sẽ phức tạp như thế nào. Vì theo quy định, Sabeco phải báo cáo xin chỉ đạo của Bộ Công thương, sau đó lại xin Bộ Tài chính cho phép được sử dụng các quỹ dự phòng hoặc nguồn lợi nhuận chưa phân phối để nộp ngay lại cho Bộ Tài chính. Nguồn lợi nhuận này 90% là của Nhà nước thì lấy của Nhà nước nộp lại cho Nhà nước không vấn đề gì, nhưng 10% còn lại này là của các cổ đông nên chúng tôi không tự quyết được mà phải hỏi ý kiến các cổ đông”.
Bài và ảnh: Hoàng Yến
 
 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến