Lâu nay, ai cũng nghĩ ngành đường sắt khó khăn, mà ít người biết ngân sách hằng năm chi cho ngành này trên 1 nghìn tỷ đồng (có năm 1.600 tỷ đồng), năm sau cao hơn năm trước. Có người nói, tiền Nhà nước bỏ ra như vậy nhưng năng lực vận tải đường sắt chỉ ở mức vừa phải. Nhất là trong bối cảnh đường sắt phải cạnh tranh với đường bộ, hàng không. Thậm chí, đã có lúc lãnh đạo Bộ GTVT còn lo “hàng không vét khách đường sắt”. Một kiểu tư duy không chịu thay đổi để cạnh tranh. Trong khi đó, có không ít dự án làm xong, lãng phí tiền của một cách lãng xẹt. Ví như Dự án Hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội-Vinh (giai đoạn 2) sử dụng khoản vay 40,3 triệu Euro của Pháp có tổng mức đầu tư hơn 1.082 tỷ đồng. Dự án này trùng với một dự án khác khiến phải dỡ bỏ để lấy mặt bằng, dù (dự án khác) mới đưa vào sử dụng 1 năm.
Tuy nói ngành đường sắt nghèo, lạc hậu, nhưng có hàng nghìn ha đất trải dài từ Bắc vào Nam, trong đó có nhiều mảnh đất đắc địa được các đại gia bất động sản nhòm ngó (có nơi đã được chuyển nhượng). VNR có 6 nghìn ha khắp cả nước đang được miễn tiền thuê đất do được tính vào đất phục vụ cho mục đích công. Đây cũng là một lợi thế của ngành này.
Bốn sai phạm
Cách đây không lâu, Thanh tra Chính phủ đã kết luận 4 vấn đề sai phạm của ngành đường sắt. Cụ thể VNR đã thiếu trách nhiệm trong quyết định, quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng đường sắt gây lãng phí, kém hiệu quả. Trong đó, 3 dự án mua sắm máy móc thiết bị với tổng giá trị 408 tỷ đồng triển khai trong giai đoạn từ năm 2003 tới 2009.
VNR đã phê duyệt giá mua sắm không đúng thẩm quyền, sai căn cứ, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí ngân sách. Đặc biệt, dự án mua ray bảo trì, sửa chữa đường sắt bằng nguồn vốn vay của Áo với giá cao bất thường so với giá ray có tính năng tương tự (cùng thời điểm mua sắm). Đây cũng là điểm có nhiều nét tương đồng với vụ vay hơn 6,4 triêu Euro từ Áo (giải ngân trực tiếp mua 2 máy đảm bảo an toàn chạy tàu) không có sự giám sát của Bộ Tài chính (báo Tiền Phong vừa nêu).
VNR góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại các lô đất vàng có khách sạn (80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu, Hà Nội) trái quy định. Theo Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện thủ tục góp vốn của VNR trái với quy định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt giai đoạn 2012 -2015. Thanh tra Chính phủ cho rằng, VNR đã: Xem thường lợi ích nhà nước, của doanh nghiệp; Lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản có giá trị lớn không qua đấu giá, đấu thầu. Báo Tiền Phong nhiều năm trước đã có hàng loạt bài viết liên quan đến 2 lô đất này. Tối 31/5, thông tin mới nhất từ VNR cho biết, ngành này đã báo cáo Thủ tướng và chờ chỉ đạo.
Thanh tra Chính phủ cũng kết luận VNR buông lỏng và vi phạm quy định quản lý vốn, tài sản dẫn đến lãng phí tiền vốn, cơ sở vật chất, đất đai được giao; hoạt động kinh doanh trì trệ, kém hiệu quả; một số nội dung về quản lý tài chính, tài sản còn để xảy ra khuyết điểm, vi phạm.
Ngành đường sắt là nơi nhận được khá nhiều vốn vay nước ngoài. Bao nhiêu năm loay hoay đổi mới, dấu ấn nổi bật có lẽ là việc không cho xả phân, nước tiểu trực tiếp xuống đường. Tuy nhiên, thực tế, hiện có nhiều thiết bị tự hoại hỏng hóc, nhếch nhác.
Vụ 6 lãnh đạo ngành đường sắt nhận lót tay 11 tỷ đồng của nhà thầu JTC Nhật Bản đã được xử lý với bản án từ 6 đến 12 năm tù.
Sự việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Việt Nam liên quan tới việc vay vốn ODA. Một thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải từng phải sang Nhật Bản tìm hiểu vấn đề này.
Theo Tiền Phong