Chiều 28/2, chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý, trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt cần phải lắng nghe, tôn trọng ý kiến từ cơ sở và không máy móc.
19 đơn vị cấp huyện đề xuất không sắp xếp do đặc thù
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến nay đã có 56/56 tỉnh, thành phố có huyện, xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 đã gửi phương án tổng thể. Bộ Nội vụ cũng đã cho ý kiến vào việc triển khai phương án thực hiện tổng thể của 56 địa phương.
Theo bà Trà, tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50, sau sắp xếp dự kiến giảm 14 đơn vị. Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện có tăng so với phương án báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong khi đó, tổng số xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị, sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị. Số lượng dự kiến sắp xếp này tăng so với đề án báo cáo Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một số địa phương có số lượng cấp huyện, xã thuộc diện phải sắp xếp như Hà Nội, TPHCM, Nghệ An, Hải Phòng (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, đang có những khó khăn, hạn chế, vướng mắc. Trong đó, số lượng huyện, xã đề xuất không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là khá lớn (riêng cấp huyện có 19 đơn vị). Bà Trà đề nghị, với các yếu tố đặc thù, địa phương cần báo cáo cụ thể, bám sát tinh thần Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải trình. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện không còn nhiều, nên bà Trà lưu ý các địa phương cần nỗ lực hoàn thành trước tháng 10/2024 để chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp. Cùng với đó, các tỉnh, thành có số lượng cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhiều như Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Hải Phòng cần phải đảm bảo chủ động giải quyết các vấn đề liên quan.
Về những vướng mắc, khó khăn phát sinh do sắp xếp, bà Trà đề nghị bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật; rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công ở các đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi giấy tờ do có thay đổi từ việc sắp xếp...
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên họp. Ảnh: PV
Tham gia góp ý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho rằng, cần phải rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, khi phê duyệt đề án xong nhưng chưa có phương án sắp xếp, nên chưa triển khai được phương án sắp xếp tài sản. “Bây giờ cùng với xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính thì phải xây dựng phương án sắp xếp tài sản. Cùng với đó phải tạm dừng phê duyệt đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở, công trình với các huyện, xã có phương án sắp xếp”, ông Hưng nói, đồng thời cho biết, Bộ Tài chính dự kiến hỗ trợ 20 tỷ đồng/huyện và 500 triệu đồng/xã sáp nhập.
Liên quan đến việc bố trí nguồn lực, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, với số liệu báo cáo của Bộ Nội vụ, căn cứ theo Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì sẽ bố trí khoảng 600 tỷ đồng để hỗ trợ một lần.
Tôn trọng ý kiến từ cơ sở
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, hiện nay đã làm được khoảng 60% công việc, nhưng 40% công việc còn lại rất khó khăn, trong khi thời gian còn lại không nhiều, chỉ khoảng 6 tháng, nên đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm lớn. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề ra 5 nguyên tắc triển khai thực hiện. Trong đó, vấn đề thủ tục phải làm sao rút gọn nhất có thể; cái gì có thể cho nợ được thì cho nợ, với điều kiện đáp ứng được yêu cầu cụ thể; cái nào “kẹt lắm”, chưa làm ngay được mới phải chuyển qua giai đoạn sau...
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến nguyên tắc phải tôn trọng ý kiến từ cơ sở. Do vậy, quá trình triển khai không nên máy móc, vì sướng hay khổ đều do cơ sở chịu và việc triển khai như thế nào là ở dưới địa phương làm. “Việc triển khai thực hiện, vận động cán bộ, công chức dôi dư nghỉ việc sớm, rồi chuyển nơi làm việc là của địa phương… Do vậy, cần phải tôn trọng anh em cơ sở, nếu không chúng ta sẽ thất bại”, ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh, đồng thời lưu ý đến việc truyền thông phải thật tốt qua báo chí và các nền tảng mạng xã hội khác để tạo sự lan tỏa, đồng thuận trong nhân dân.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, khi sắp xếp lại địa giới hành chính có thay đổi về tên gọi. Một số thông tin của công dân sẽ thay đổi nên phải chạy lại hệ thống dữ liệu dân cư và có sự phối hợp của công dân, Bộ Tư pháp để chạy lại toàn bộ hệ thống. Theo đại diện Bộ Công an, việc này có một chút khó khăn nhưng thực hiện được. Về quy định không yêu cầu công dân phải đổi giấy tờ căn cước công dân nhưng để thuận tiện cho giao dịch, đại diện Bộ Công an khuyến cáo công dân nên đổi căn cước công dân theo địa danh mới. Lệ phí theo quy định thì người dân sẽ được miễn. |
Tác giả: Thành Nam
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy