Dòng sự kiện:
Sẽ quản lý chặt Grab như taxi truyền thống?
26/10/2018 05:32:50
Tổ công tác của Chính phủ cho rằng, Grab, Uber chính là loại hình taxi. Đối tượng này phải chịu sự quản lý như taxi, không thể gọi bằng cụm từ 'xe hợp đồng điện tử' để lách luật, trốn thuế, né được nhiều chi phí...

Thường trực Tổ công tác của Chính phủ vừa công bố kết quả rà soát, kiểm tra Hồ sơ của Bộ GTVT trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong kết quả này, đó là Tổ công tác cho rằng, căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ, loại hình xe công nghệ như Grab, Uber chính là loại hình taxi. Đối tượng này phải chịu sự quản lý như taxi, không thể gọi bằng cụm từ “xe hợp đồng điện tử” để lách luật, trốn thuế, né được nhiều chi phí và hưởng ưu đãi hơn so với taxi truyền thống.

Vì vậy, Tổ công tác kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải bằng ứng dụng phần mềm như Grab, Uber.

Ảnh minh hoạ

Hợp đồng điện tử chỉ là phương thức, cách thức giao kết hợp đồng, kết nối gọi taxi, không phải là loại hình vận tải (như tuyến cố định, taxi...). Thực tế, nhiều hãng taxi truyền thống đều đã sử dụng phần mềm tương tự như Grab, Uber trong việc kết nối, đặt xe, tính cước... Như vậy, nếu theo như dự thảo nghị định, các hãng taxi này không được gọi là loại hình taxi, mà thuộc “hợp đồng điện tử”.Cơ quan này lý giải, sự khác nhau hiện nay giữa Grab, Uber với taxi truyền thống là Grab, Uber ứng dụng phần mềm thay thế phương pháp điều hành truyền thống, đổi mới công tác quản lý... nên giá cước rẻ hơn taxi truyền thống. Tuy nhiên, đây là hiệu quả kinh doanh làm tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, không phải vì như vậy mà gọi là loại hình “hợp đồng điện tử” để không chịu sự quả như lý như taxi.

Tổ công tác yêu cầu Bộ GTVT cần có các quy định chặt chẽ để Uber, Grab chịu sự quản lý như taxi truyền thống. Đồng thời, không thể gọi đó là loại hình “Hợp đồng điện tử” làm phát sinh thêm loại hình vận tải mới, không có trong quy định của Luật Giao thông đường bộ, báo VnExpress đưa tin.

Sau khi tiếp thu ý kiến của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và nhiều cơ quan, đơn vị khác, Bộ GTVT đã gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện lại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP.

Theo đó, đối với quy định về quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) - vấn đề vẫn đang gây rất nhiều tranh cãi , Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở hiện trạng hiện nay về hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng vận điện tử (cước chuyến đi được tính theo phần mềm đặt xe kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng) so với hoạt động của xe taxi có nhiều điểm tương đồng và cần có quy định chung để quản lý như nhau nhằm đảm bảo sự công bằng, công khai minh bạch và chịu quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh như nhau.

Với lý do này, Bộ GTVT đồng thuận với ý kiến đề xuất quản lý của các cơ quan.

Với quan điểm này, việc quản lý xe dưới 9 chỗ hoạt động vận tải hành khách có ứng dụng phần mềm sẽ được quản lý như xe taxi (phương án này sẽ bỏ quy định xe taxi điện tử) và bổ sung làm rõ khái niệm về kinh doanh xe taxi: “Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách, có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước chuyến đi được tính theo đồng hồ tính tiền hoặc tính theo phần mềm đặt xe kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng”; điều chỉnh quy định: “Hợp đồng vận tải điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định này, pháp luật về dân sự và giao dịch điện tử”.

Nếu theo phương án này, thì toàn bộ các xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng vận điện tử (cước chuyến đi được tính theo phần mềm đặt xe kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng) đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì phải quy định lộ trình (trước ngày 1/7/2019) thực hiện cấp đổi phù hiệu xe taxi và thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của xe taxi theo quy định tại Nghị định này (theo quy định này thì xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ không được thực hiện hợp đồng vận tải điện tử).

Trong trường hợp quy định này được thông qua, toàn bộ các xe đang kết nối phần mềm kết nối điện tử như Grab, sẽ phải gắn phù hiệu “XE TAXI” gắn trên kính xe; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định; đồng thời phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe.

Trước đó, tại buổi làm việc của Tổ công tác Chính phủ ngày 16/10, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tỏ ý không hài lòng về dự thảo sửa đổi Nghị định 86. "Dự thảo Nghị định này không những không gỡ khó mà đưa ra thủ tục phức tạp hơn quy định cũ", ông nhận xét.

Trong khi đó, đề cập tới điều kiện kinh doanh taxi, ông Nguyễn Công Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, đang có quan điểm cố tình đánh tráo khái niệm khi nói ôtô chở khách hoạt động kiểu Uber, Grab không phải là taxi mà là xe hợp đồng điện tử.

“Có ý kiến bao biện rằng nếu coi Uber, Grab là taxi sẽ kìm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ, rất vô lý. Quy định taxi truyền thống hay taxi công nghệ thì đều là taxi sẽ đúng bản chất, bảo đảm dễ quản lý và bình đẳng các nghĩa vụ, trách nhiệm. Còn anh nào ứng dụng công nghệ tiên tiến thì anh đó sẽ có lợi nhuận cao hơn”, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô lập luận.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến