Sếp EVN nói gì khi báo lỗ gần 1 nghìn tỷ?
10/11/2016 19:38:56
Mới đây EVN đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng năm 2016 với doanh thu đạt gần 131.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Song chi phí tài chính tăng mạnh hơn 15.500 tỷ đồng đã khiến EVN bất ngờ báo lỗ 716 tỷ đồng, lỗ của công mẹ gần 930 tỷ đồng.

Tin liên quan

Tính đến 30/6/2016, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu hợp nhất của EVN đạt lần lượt là 663.000 tỷ và 187.700 tỷ đồng. Nợ phải trả của EVN tăng lên 475.000 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính lên tới 395.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm tập đoàn đã phải chi tổng cộng 6.900 tỷ đồng trả lãi. Năm 2015, EVN cũng phải chi hơn 12.000 tỷ đồng trả lãi vay.

Sau những thông tin thua lỗ nghìn tỷ trong 6 tháng đầu năm, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lên tiếng giải đáp các thắc mắc liên quan đến nguy cơ tăng giá điện.

EVN cho rằng sẽ lãi 2.000-3.000 tỷ đồng trong năm nay.

Báo cáo tài chính của EVN ghi nhận lỗ hợp nhất gần 700 tỷ đồng, công ty mẹ lỗ 930 tỷ đồng trong khi doanh thu vẫn tăng. Tại sao EVN lại lỗ như vậy, thưa ông?

Theo quy định của Chính phủ, EVN đã thực hiện công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của công ty mẹ EVN, báo cáo tài chính hợp nhất. Báo cáo hợp nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bao gồm Công ty mẹ EVN và 9 tổng công ty bao gồm 3 Tổng công ty phát điện, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và 5 tổng công ty điện lực miền cho thấy lỗ hơn 700 tỷ đồng.

Có hai nguyên nhân chính dẫn EVN bị lỗ. Thứ nhất, là do 6 tháng đầu năm là mùa khô, EVN phải phát tăng và mua tăng các nguồn điện chạy dầu cũng như than, khí. Thủy điện phát sản lượng thấp nên chi phí giá thành sản xuất điện 6 tháng đầu năm tăng lên.

Thứ hai là chênh lệch tỷ giá 6 tháng đầu năm phát sinh hơn 6.000 tỷ đồng làm cho lỗ tổng hợp báo cáo tài chính hợp nhất của EVN bị lỗ hơn 700 tỷ. Khoản lỗ này tập trung chủ yếu ở các tổng công ty phát điện. Khi giá điện theo quy định của Thông tư 56 chỉ được điều chỉnh theo tỷ giá khi cuối năm quyết toán thì Bộ Công Thương sẽ xem xét và điều chỉnh, cho nên lỗ này tập trung chủ yếu ở các tổng công ty phát điện.

Ước tính trong 9 tháng đầu năm nay, Công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lãi hơn 1.000 tỷ đồng, hợp nhất của tập đoàn sẽ cao hơn con số đó, cho thấy tình hình tài chính 9 tháng khả quan hơn.

Nguyên nhân dẫn tới kết quả trên là do quý 3 sản lượng thủy điện tốt nên đã giảm phát dầu cũng như giảm mua điện các nhà máy có giá bán điện cao. EVN cũng tự sản xuất điện từ các nhà máy Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu cao hơn so với dự kiến, cho nên 9 tháng đầu năm chúng tôi đã có lãi khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Tính đến tháng 30/6/2016, số vay nợ tài chính của EVN là 375.000 tỷ đồng. Nợ vay có áp lực thế nào đến kinh doanh cuả tập đoàn?

Từ đầu năm đến nay, lỗ tỷ giá tăng lên khoảng hơn 6.000 tỷ đồng. Theo quy định của Bộ Tài chính sẽ hạch toán vào trong chi phí sản xuất kinh doanh của kỳ hạch toán, tức là theo báo cáo quý thì toàn bộ chênh lệch lỗ đó phải đưa vào trong chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Việc thua lỗ có áp lực đòi hỏi tăng giá điện của EVN không, thưa ông?

Lỗ 6 tháng đầu năm là lỗ hạch toán của nửa năm. Khi báo cáo quyết toán tài chính năm 2016 chúng tôi ước tính năm 2016 Công ty mẹ EVN sẽ lãi từ 650 - 700 tỷ đồng và toàn bộ Tập đoàn sẽ lãi khoảng từ 2.000-3.000 tỷ đồng.

Tôi cho rằng tài chính của EVN không ảnh hưởng gì, đến nay các chỉ số tài chính của EVN đang rất tốt và chúng tôi đã tái cơ cấu lại các khoản vay cũng như thoái vốn toàn bộ theo quyết định 1782 của Thủ tướng Chính phủ.

EVN đã hoàn thành thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán. Chúng tôi đã thu về hơn 2.000 tỷ đồng và dùng số tiền đó đầu tư vào các dự án điện, vì vậy báo cáo tài chính của EVN hiện nay tương đối tốt.

Theo Vneconomy  

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến