"Siết” chất lượng tuyển sinh, đào tạo
Tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các chuyên gia giáo dục tại các cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc đã cùng đóng góp ý kiến thảo luận để hướng đến một hệ thống giáo dục đại học thực chất.
Điều 12, Điều 13 quy định về Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học; Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học cũng nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia. Theo GS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Hà Nội, đối với công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, phải đảm bảo mức chuẩn, bởi nếu hạ chuẩn, vô hình trung sẽ làm giảm chất lượng đào tạo đại học. Trong khi chất lượng đào tạo được coi là một trong những “thước đo” khẳng định giá trị của cơ sở giáo dục đại học, nên cần được chú trọng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, theo quy định, năng lực tự chủ thấp mà thực hiện quyền cao hơn thì phải được siết chặt. Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo sửa đổi bổ sung trình Chính phủ ban hành Nghị định 138 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Vị tư lệnh ngành cũng khẳng định: “Đồng thời, Bộ đang thực hiện rà soát xây dựng các văn bản khác, đặc biệt 4 văn bản quy chế đào tạo theo tinh thần Luật 34, Nghị định 99 là quy chế tuyển sinh, quy chế quản lý đại học, quy chế tuyển sinh thạc sĩ, quy chế tuyển sinh tiến sĩ để tạo ra hành lang pháp lý mạch lạc bớt quy định mang tính hành chính, riêng lẻ từng vấn đề.
Luật số 34 mở rộng quyền tự chủ của các trường rất cao, trong đó gắn chặt trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm giải trình ở đây gồm các nội dung như thực hiện các chuẩn quy định. Trong đó, quy định rất rõ các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện chuẩn giảng viên, các quy định chuẩn chương trình được kiểm định, các điều kiện đảm bảo chương trình đào tạo. Những chuẩn này phải được thực hiện công khai minh bạch qua cơ sở dữ liệu.
Bộ GD&ĐT sẽ có cơ chế khuyến khích những trường làm tốt nhưng cũng kiên quyết răn đe các trường làm không tốt”.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến ngày 6/1.
Theo Bộ trưởng, một cơ sở giáo dục có vị thế cao hay không, phải căn cứ vào sản phẩm đầu ra chứ không phải tiềm năng, bởi, tiềm năng tốt chưa chắc ra được sản phẩm tốt.
“Bên cạnh đó, tăng cường kiểm định và kiểm tra giám sát các cơ sở giáo dục đại học thực hiện kiểm định chất lượng, đảm bảo chất lượng. Qua đó người học sẽ chọn được chính xác trường có chất lượng. Những trường không đảm bảo chất lượng, chất lượng kém chắc chắn thí sinh không lựa chọn, khả năng giải thể cao.
Đối với những cơ sở giáo dục đại học vi phạm, bộ GD&ĐT sẽ phối hợp cùng bộ Công an xử lý nghiêm, để từng bước khắc phục tình trạng một số trường chất lượng kém, chất lượng không đảm bảo nhưng lại thực hiện đào tạo.
Đồng thời, yêu cầu các trường phải xây dựng bộ cơ sở dữ liệu công khai, công khai hồ sơ sinh viên, công khai kết quả tốt nghiệp,... để bộ GD&ĐT và cơ quan khác giám sát. Ví dụ như đối với văn bằng chứng chỉ, việc công khai dữ liệu để người sử dụng lao động, người học,... đều biết. Điều này sẽ khắc phục tình trạng bằng giả, bởi chỉ cần tra cứu trên cơ sở dữ liệu là sẽ tìm thấy ngay”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phân tích thêm.
Tăng cường thanh tra nội bộ, phơi bày góc khuất
Bên cạnh đó, nhiều đại diện quản lý các cơ sở giáo dục đại học vẫn bày tỏ băn khoăn về việc thành lập và hoạt động hội đồng trường, có được thực quyền tự chủ.
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Giá trị cốt lõi để nâng cao chất lượng đào tạo đại học mà giải pháp cuối cùng chính là tự chủ đại học. Mặc dù còn nhiều khía cạnh phải bàn luận vì là vấn đề mới, nhưng tôi vô cùng ủng hộ những thay đổi này. Việc thay đổi quyền lợi, khuyến khích các trường đại học theo định hướng nghiên cứu, giống như một “cú đấm thép”... hy vọng thay đổi căn bản, cốt lõi, tạo sự thay đổi lớn về “chất”, tạo bước đột phá trong giáo dục đại học Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi có một băn khoăn, xin lấy ví dụ, trong hội đồng trường của đại học Tokyo, giáo sư là lực lượng chủ chốt, bởi lẽ, một Hiệu trưởng chưa chắc đã giỏi hơn một giáo sư. Hiện tại, trong quy định thành lập hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục Việt Nam, tôi chưa thấy rõ vai trò của giáo sư”.
GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, đại học Quốc gia Hà Nội hy vọng thay đổi căn bản, cốt lõi, tạo sự thay đổi lớn về “chất”, tạo bước đột phá trong giáo dục đại học Việt Nam.
Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Việc thành lập hội đồng trường ở mỗi nước một khác, chúng ta chọn những người thực sự am hiểu, tiêu chí chọn phải đúng vai trò, đủ năng lực, trách nhiệm, trong đó không loại trừ các giáo sư.
Tinh thần “cốt lõi” của Luật số 34 là trả lại thực quyền cho hội đồng trường. Hội đồng trường là cơ quan đại diện của cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm toàn diện cho trường. Luật số 34 nhấn mạnh đến thiết chế, muốn thực quyền thì tất cả các bên liên quan phải nâng cao nhận thức. Không phải chỉ bộ GD&ĐT thực hiện điều này mà chính các bộ chủ quản, cơ quan chủ quản phải thay đổi nhận thức”.
Đối với những băn khoăn về vai trò giám sát, điều chỉnh hoạt động của các cơ sở giáo dục, Bộ trưởng thông tin thêm: “Khi xây dựng được cơ sở dữ liệu công khai, xã hội sẽ giám sát, bản thân cán bộ viên chức trong cơ sở cũng tự nhìn thấy, nhờ đó, hạn chế góc khuất, chính những góc khuất đó tạo ra tiêu cực...
Thanh tra Bộ là “đầu mối”, tăng cường hơn nữa vai trò trong quá trình quản lý, ở đâu không có thanh tra ở đó không có quản lý; trước đây, công tác thanh tra có “chỗ này, chỗ kia” nên nhiều góc khuất chưa được phơi bày.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, trường đại học nào “ngủ quên trong quá khứ”, dù là có bề dày truyền thống, nhưng nếu không đổi mới mạnh sẽ “mờ” đi so với các trường đại học mới...
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bản thân mỗi cơ sở giáo dục đại học phải tự sắp xếp, điều chỉnh trước khi thanh tra Bộ “vào cuộc”. Cần kiện toàn bộ phận thanh tra pháp chế, tăng cường năng lực cho thanh tra đủ mạnh tại cơ sở để chủ động rà soát khắc phục các vấn đề, như vậy, tính minh bạch, sòng phẳng mới cao, kinh nghiệm phòng hơn chống, hoặc tránh sửa chữa khi có vấn đề... Phải tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ trước khi phối hợp với Bộ, các trường mới có thể phát triển bền vững”.
Cũng theo nhận định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong giai đoạn tới, cơ sở giáo dục đại học nào “bắt nhịp” nhanh, có thể biến thách thức thành cơ hội sẽ thay đổi được thứ hạng. Trường đại học nào “ngủ quên trong quá khứ”, dù là có bề dày truyền thống, nhưng nếu không đổi mới mạnh sẽ “mờ” đi so với các trường đại học mới... Hiện nay, khối tư thục ngày càng phát triển mạnh, hiện diện trong bản đồ giáo dục ngày càng rõ rệt.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy