Dòng sự kiện:
Số ca mắc mới ở Việt Nam liên tục lập 'đỉnh'
01/03/2022 10:00:14
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam sau Tết Nguyên đán đang tiếp tục xu hướng phức tạp với số ca mắc tăng nhanh.

Ngày cuối cùng của tháng 2 cũng là lần đầu tiên Việt Nam vượt mức 90.000 ca mắc Covid-19 được phát hiện trong 24 giờ. Số người nhiễm nCoV trong cộng đồng liên tiếp vượt qua các mốc cao nhất trước đó. Tình hình dịch phức tạp đang ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người.

Mệt mỏi chờ chứng nhận F0

Theo khảo sát mới đây của Zing, một số phường tại Hà Nội đang có quy định yêu cầu người dân mắc Covid-19 phải tới trạm y tế để xét nghiệm và lấy giấy quyết định được điều trị tại nhà. Quy định này tại các địa phương cũng thiếu tính thống nhất.

Cụ thể, chị H.Y. (trú phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội), nhận được yêu cầu hai vợ chồng phải lên trạm y tế để làm xét nghiệm lại và lấy giấy xác nhận cách ly tại nhà sau khi thông báo với nhân viên y tế phường rằng chồng mình đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nhờ xét nghiệm nhanh tại nhà.

Cơ quan này cũng yêu cầu tất cả người dân phải dùng kit xét nghiệm nhanh của trạm với giá 130.000 đồng/kit. Trong quá trình xét nghiệm tại trạm y tế, chị và chồng phải đứng xếp hàng cùng nhiều người khác cũng là F0, F1.

Người dân phường Hoàng Liệt xếp hàng chờ xét nghiệm tại trạm y tế phường sáng 26/2, sau đó trường hợp mắc Covid-19 phải sang UBND phường lấy quyết định cách ly tại nhà. Ảnh: Mỹ Hà.

Cùng ở quận Đống Đa, Thanh Thủy (25 tuổi, trú phường Hàng Bột) lại được y tế phường tạo điều kiện tốt hơn trong việc cấp giấy chứng nhận mắc Covid-19.

Theo đó, Thủy chỉ cần quay hoặc chụp lại kết quả xét nghiệm dương tính và gửi cho nhân viên y tế phường qua Zalo. Nhân viên y tế chủ động mang giấy yêu cầu cách ly đến cho F0 hoặc người nhà ký là xong thủ tục.

Khảo sát của PV cho thấy hầu hết trạm y tế phường của Hà Nội đang áp dụng hình thức cho F0 khai báo online bằng cách chụp ảnh hoặc quay quá trình xét nghiệm rồi gửi video qua Zalo. Có nơi chỉ yêu cầu người dân nhắn tin ghi thông tin và xác nhận đã mắc Covid-19. Sau đó, nhân viên y tế sẽ cập nhật danh sách và mang giấy đến cho người dân ký cam kết cách ly, điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, một số nơi ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa... vẫn yêu cầu người dân phải ra trạm y tế để xét nghiệm rồi lấy giấy xác nhận.

Trước đó, trong công điện tối 24/2, UBND Hà Nội yêu cầu các địa phương phối hợp với Sở Y tế tăng cường tập huấn, bổ sung thêm lực lượng, hướng dẫn và ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý và chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.

Các phường, xã, thị trấn cần củng cố hỗ trợ chăm sóc, quản lý F0 tại nhà trên cơ sở các thông tin về xét nghiệm, mức độ biểu hiện bệnh của người nhiễm; thành lập các nhóm Zalo, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, thường xuyên liên hệ, cập nhật, trao đổi tại các khu dân cư, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận nhanh nhất với hệ thống y tế bằng nhiều hình thức.

Nhiều địa phương tạm dừng cho học sinh đến trường

ỞBắc Giang, chiều 28/2, ông Bạch Đăng Trường, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Lạng Giang, cho hay do tình hình dịch phức tạp, UBND huyện vừa cho phép học sinh khối 7 và khối 8 chuyển sang học trực tuyến từ ngày 28/2.

Trước đó, từ 23/2, trẻ mầm non nghỉ học, học sinh lớp 1-6 phải học online. Học sinh lớp 9 đang đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, ông Trường cho hay nếu tình hình dịch phức tạp hơn, chuyển sang vùng đỏ, các trường sẽ cho các em tạm dừng đến lớp.

Tại Hà Nội, sau hơn 2 tuần trở lại trường, từ ngày 28/2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị xã chuyển sang học trực tuyến. Học sinh tiểu học và lớp 6 ở các quận nội thành vẫn học online từ đầu năm học tới nay.

Một học sinh tiểu học tại Hà Nội trong ngày trở lại trường. Ảnh: Thạch Thảo.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND huyện Côn Đảo cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông tạm dừng đến trường học trực tiếp, chuyển sang trực tuyến từ ngày 22/2 để phòng, chống dịch Covid-19.

Ở Hưng Yên, trẻ mầm non tạm nghỉ học, học sinh từ lớp 1 và lớp 6 chuyển sang học online từ ngày 21/2 đến khi có thông báo mới.

Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cũng vừa có văn bản chỉ đạo tiếp tục cho học sinh tiểu học tạm dừng đến trường, học trực tuyến từ ngày 28/2 đến khi có thông báo mới.

Với cấp mầm non, trẻ nghỉ học từ ngày 28/2. Tuy nhiên, nếu gia đình trẻ nào do điều kiện không có người chăm sóc, trông coi trẻ ở nhà, có nguyện vọng đưa trẻ đến trường, cơ sở giáo dục vẫn bố trí đón trẻ, tổ chức các hoạt động giáo dục đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, một loạt địa phương khác cũng có những động thái tương tự là Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Phước, Cao Bằng, Buôn Ma Thuột, Điện Biên, Pleiku, Hà Giang, Hà Nam, Hòa Bình, Đà Lạt, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Đồng Hới, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc,...

Hà Nội sắp đạt đỉnh dịch

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhận định diễn biến dịch của thành phố đang phức tạp với số ca mắc có ngày lên đến hơn 10.000 ca, trong đó 95% số ca nhiễm điều trị tại nhà. Đến nay, 74 xã, phường thị trấn đã chuyển mức độ dịch sang cấp 3 (vùng cam).

Ông Chu Ngọc Anh cho biết thành phố đang khẩn trương giải trình tự gene để đánh giá mức độ của chủng Omicron. Việc này còn phải chờ kết quả từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhưng thực tế, biến chủng mới này có thể đang xuất hiện trong cộng đồng song hành với chủng Delta.

Lo ngại chủng Omicron có thể đã chiếm đa số bởi tốc độ lây lan dịch Covid-19 hiện rất nhanh, lãnh đạo Hà Nội cho biết một số chuyên gia nhận định số ca mắc ở Hà Nội tiếp tục tăng cao và khả năng đạt đỉnh trong nửa tháng nữa, tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch.

“Thành phố đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp đưa ra các giải pháp công nghệ, kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức người dân”, ông Chu Ngọc Anh nói.

Trong thời gian qua, Hà Nội là địa phương có tình hình dịch Covid-19 nóng nhất cả nước khi liên tiếp dẫn đầu về số người nhiễm SARS-CoV-2.

Đứng trước tình hình đó, trong ngày 28/2, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn khẩn về việc phân bổ hơn 400.000 viên thuốc Molnupiravir trong điều trị Covid-19 gửi 22 trung tâm y tế của các quận, huyện trên địa bàn thành phố cùng 5 bệnh viện gồm BV Tâm thần Hà Nội, BV Thanh Nhàn, BV Phổi Hà Nội, BV Đa khoa Đống Đa và BV Đa khoa Hà Đông.

Xếp sau Hà Nội, Quảng Ninh cũng đang trở thành địa phương có số ca mắc Covid-19 mới nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Trong ngày 28/2, địa phương này có tới hơn 9.000 người dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, Quảng Ninh còn đăng ký bổ sung thêm gần 30.000 F0 sau khi rà soát.

Theo Báo Quảng Ninh, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình dịch tại địa phương này có diễn biến phức tạp. Số ca mắc tăng cao được nhận định bởi Quảng Ninh là địa phương có tới trên 1/3 người dân di chuyển về các tỉnh, thành phố trong cả nước dịp nghỉ Tết.

Trong bối cảnh đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đã tổ chức tầm soát xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng. Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện xét nghiệm được trên 682.000 mẫu, bằng 50% dân số toàn tỉnh.

Quảng Ninh là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất cả nước về tiêm vaccine phòng Covid-19 khi tỷ lệ bao phủ 2 mũi cơ bản cho người 12-17 tuổi đạt trên 98%; tiêm mũi tăng cường cho người 18 tuổi trở lên đạt trên 93%.

Dù số ca mắc mới tăng cao, Quảng Ninh có tới trên 97% F0 ở thể nhẹ, không triệu chứng, chủ yếu cách ly, tự điều trị tại nhà.

Tỷ lệ ca diễn biến nặng chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng số ca mắc mới; con số này với nhóm ca tử vong khoảng 0,04%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình của cả nước cũng như khu vực và trên thế giới.

Đến nay, các phương án phòng, chống dịch Covid-19 hoàn toàn trong kế hoạch với tình huống trên 10.000 ca/ngày. Các địa phương chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, duy trì các hoạt động kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Ngoài ra, một số địa phương thuộc khu vực Bắc Trung Bộ và miền Bắc cũng ghi nhận mức tăng ca nhiễm cao trong thời gian qua như Nghệ An, Bắc Ninh, Hưng Yên, Lào Cai,...

Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, cả nước chỉ còn 13 địa phương có mức bao phủ đủ liều cơ bản cho người trên 18 tuổi dưới 18% gồm: Cao Bằng (99,15%), Lạng Sơn (99,48%), Hà Giang (91,43%), Quảng Bình (91,8%), Trà Vinh (92,07%), Sơn La (97,86%), Hưng Yên (92,76%), Quảng Nam (92,58%), Tiền Giang (95,68%), Hải Phòng (98,46%), Thái Bình (96,58%), Bình Dương (87,89%), Thanh Hóa (81,74%).

Tác giả: Quốc Toàn

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến