Đáng chú ý, những chỉ số ghi nhận tháng 2 cho thấy nền kinh tế trong nước đang có dấu hiệu hồi phục nhanh bất chấp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Cụ thể, tính riêng tháng 2, Tổng cục Thống kê ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn đã giảm 80% so với tháng liền trước và thấp hơn 21% cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể cũng ghi nhận giảm lần lượt 54% và 32%.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý, đây là những tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Kinh tế đang phục hồi nhanh
Về số liệu cụ thể, tháng 2 cả nước ghi nhận 8.038 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 179.700 tỷ đồng và số lao động đăng ký 56.900 người. Vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng là 22,4 tỷ đồng, tăng 45% so với tháng trước và cao hơn 112% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, cả nước còn ghi nhận 4.604 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng, tuy giảm 29% so với tháng trước nhưng đã tăng 27% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, cơ quan quản lý ghi nhận 3.593 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 2.606 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, đều giảm mạnh so với tháng 1/2021 và cùng kỳ tháng 2/2020.
Các doanh nghiệp trong nước đang giảm chịu thiệt hại từ dịch Covid-19. Ảnh: P.N.
Tính chung 2 tháng đầu năm, cả nước có 18.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 334.800 tỷ và tổng số lao động là 172.800 người, tăng 4% về số doanh nghiệp, 52% về vốn đăng ký và gần 10% về số lao động.
Nếu tính cả 385.600 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 6.500 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm nay đã là 720.400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có hơn 11.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 2 tháng lên 29.200 đơn vị.
Gần 5,5 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam sau 2 tháng
Trong hoạt động đầu tư, Tổng cục Thống kê đánh giá tháng 2 vừa qua trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cùng đợt bùng phát dịch Covid-19 tại một số địa phương nên tiến độ thực hiện các dự án, công trình bị chậm lại.
Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 17.700 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng, số vốn đầu tư này đạt 40.900 tỷ, tăng 11% và tương đương 9% kế hoạch năm.
Tính đến 20/2, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (FDI) bao gồm đăng ký mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần đạt 5,46 tỷ USD, giảm gần 16%.
Trong đó, cơ quan quản lý ghi nhận 126 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký 3,31 tỷ USD, giảm 75% về số dự án và 34% về số vốn đăng ký. Cùng thời gian này cũng ghi nhận 115 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 1,61 tỷ USD, tăng 152%; 445 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp 543,1 triệu USD, giảm 34%.
Riêng số vốn FDI thực hiện 2 tháng đầu năm ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đầu tư ra nước ngoài thông qua 5 dự án được cấp mới, tổng vốn 21,6 triệu USD.
CPI tháng 2 tăng cao nhất 8 năm
Trong tháng 2 vừa qua, cơ quan thống kê ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tới 1,52% so với tháng 1, mức tăng cao nhất trong 8 năm gần đây (tính riêng số liệu tháng 2 hàng năm). So với tháng 12/2020, chỉ số CPI đến cuối tháng 2/2021 cũng đã tăng 1,58%.
Nguyên nhân chính dẫn tới mức tăng trên là do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kết thúc hỗ trợ giảm giá điện trong tháng, cùng với giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán 2021.
Tuy vậy, so với cùng kỳ, CPI tháng 2 năm nay chỉ tăng 0,7%, thấp nhất kể từ năm 2016. Bình quân 2 tháng đầu năm, chỉ số CPI đã giảm 0,14% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,64%.
Trên thị trường vàng, cơ quan thống kê ghi nhận giá vàng trong nước biến động ngược chiều thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 2/2021 tăng 0,25% so với tháng trước và cao hơn 2,42% so với tháng 12/2020. Nếu so với cùng kỳ năm trước, chỉ số này vẫn cao hơn 25,1%.
Chỉ số giá USD tháng 2 ghi nhận giảm 0,17% so với tháng trước và giảm 0,33% so với tháng 12/2020; thấp hơn 0,76% so với cùng kỳ.
Cũng trong tháng 2 vừa qua, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, ở mảng sản xuất công nghiệp, tháng 2 lại ghi nhận giảm so với tháng trước và cùng kỳ do số ngày làm việc ít hơn và ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuy vậy, nhờ chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 tăng khá so với cùng kỳ mà tính chung 2 tháng, chỉ số này vẫn tăng 7,4%.
Trái ngược với hoạt động thương mại, vận tải và du lịch trong nước giảm, tháng 2 vừa qua ghi nhận hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm ước đạt 95,81 tỷ USD, tăng 25%. Số này bao gồm xuất khẩu 48,55 tỷ USD, tăng 23% và nhập khẩu 47,26 tỷ USD, tăng 26%.
Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy