Dòng sự kiện:
SSI: Hơn 60.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường từ đầu tháng 11
23/11/2021 06:18:35
Đây là số liệu SSI Research ghi nhận từ việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ của các ngân hàng thương mại, qua đó bơm ròng lượng lớn tiền Đồng ra thị trường.

Ghi nhận trong báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 15-19/11, số liệu được Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research cho biết thanh khoản hệ thống ngân hàng tuần vừa qua đã được hỗ trợ lượng lớn tiền Đồng từ việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn và giao ngay.

Trong khi đó, kênh trung hòa truyền thống là nghiệp vụ thị trường mở (OMO) vẫn không phát sinh giao dịch mới.

Theo tính toán của SSI Research, chỉ riêng 3 tuần đầu tháng 11, cơ quan quản lý tiền tệ đã bơm ròng ra thị trường hơn 60.000 tỷ đồng thông qua hoạt động mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại. Đây cũng là nguyên nhân chính giúp thanh khoản các ngân hàng dồi dào hơn và mặt bằng lãi suất cho vay liên ngân hàng giảm.

Kết tuần vừa qua, lãi suất cho vay liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ở mức 0,65%/năm, giảm 0,04 điểm % so với tuần trước và kỳ hạn 1 tuần đóng cửa ở 0,75%/năm, giảm 0,03 điểm %.

Theo số liệu mới cập nhật từ NHNN, tăng trưởng huy động đã giảm rõ rệt kể từ tháng 4 năm nay trong bối cảnh tiền gửi của dân cư giảm mạnh.

SSI Research ước tính NHNN đã bơm ròng 60.000 tỷ đồng vào hệ thống các ngân hàng thương mại qua kênh mua ngoại tệ từ đầu tháng 11 đến nay. Ảnh: Nam Khánh.

Cụ thể, tổng lượng tiền gửi trong nền kinh tế đến cuối tháng 9 đã đạt trên 10,5 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn so với mức 12,6% cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do mức tăng trưởng sụt giảm mạnh từ tiền gửi khu vực dân cư.

Theo đó, tăng trưởng huy động khu vực này chỉ tăng trung bình 4% trong một năm qua, thấp hơn nhiều so với mức 7,5% trong giai đoạn trước đó khi lãi suất tiền gửi giảm về mức thấp trong lịch sử.

Theo SSI Research, trong 2 tháng cuối năm, tăng trưởng tiền gửi sẽ không có nhiều yếu tố đột biến khi cân nhắc tới yếu tố mùa vụ, lãi suất huy động vẫn sẽ dao động quanh mức thấp hiện nay.

Ngoài ra, các chuyên gia tại đây cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020-2021 ở mức thấp có thể ảnh hưởng tới mức tích lũy của người dân. Do đó, khó có thể kỳ vọng mức độ tăng trưởng tiền gửi của người dân quay lại thời điểm trước dịch nhanh chóng.

Về chính sách tiền tệ cuối năm, NHNN mới đây đã khẳng định sẽ tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng. SSI Research cho rằng cơ quan quản lý tiền tệ sẽ sớm nới hạn mức tín dụng với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt.

Khi đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện tại. Trong đó, lãi suất huy động sẽ dao động trong khoảng 3-4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6-12 tháng và 4,2-6,5%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng.

Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ dao động từ 5 đến 7%/năm với khoản vay ngắn hạn và 9-11%/năm với khoản vay trên 12 tháng.

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá liên ngân hàng vẫn duy trì ổn định quanh mức mua của Sở giao dịch NHNN, tại 22.645 đồng/USD.

Tỷ giá niêm yết ở các ngân hàng thương mại cũng có diễn biến tương tự và kết tuần ở mức 22.525 - 22.755 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 10 đồng so với cuối tuần trước.

Tỷ giá trên thị trường tự do, giá giao dịch USD kết tuần ở 23.370 - 23.410 đồng/USD, tăng 90 đồng chiều mua và 60 đồng chiều bán.

Theo SSI Research, dù cán cân thương mại nửa đầu tháng 11 đã quay lại nhập siêu nhẹ (370 triệu USD), xu hướng này sẽ đảo ngược trong nửa sau của tháng và đà xuất siêu tiếp tục được duy trì trong 2 tháng còn lại của năm.

Ngoài ra, kiều hối thường tăng mạnh về cuối năm và giúp nguồn cung - cầu ngoại tệ trên thị trường cân bằng hơn. Tỷ giá USD/VND nhờ đó có thể duy trì trạng thái ổn định hoặc giảm nhẹ.

Tác giả: Quang Thắng

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến