Tăng 250.000 – 400.000/ tháng lương tối thiểu
03/09/2015 16:41:42
ANTT.VN – Sau 3 phiên thương lượng đầy căng thẳng, trưa nay 3/9, đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng đã đi đến bế tắc, buộc phải quyết định bằng bỏ phiếu. Và 12,4% là con số cuối cùng được chốt.

Tin liên quan

Lương tối thiểu của người lao động hiện nay không đủ đáp ứng mức sống tối thiểu (ảnh minh họa)

Vẫn không đạt được sự đồng thuận bằng thương lượng
Sáng 3/9, tại Hà Nội, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã tổ chức phiên họp thứ 3, cũng là phiên họp cuối cùng, để chốt phương án đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 5/8, hai bên đã họp phiên thứ nhất song không đạt được sự đồng thuận. Tổng LĐLĐVN (đại diện cho tiếng nói của người lao động) căn cứ vào khảo sát mức sống tối thiểu của người lao động, đã đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng 350.000 - 550.000 đồng tùy từng vùng (bình quân tăng 16,8% so với 2015).
Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) đề xuất mức tăng thấp hơn nhiều: từ 150.000 - 220.000 đồng tùy từng vùng (bình quân là 7,2% so với năm 2015).  Lý do đại diện chủ sử dụng LĐ đưa ra là nếu áp dụng mức tăng 16,8%, các DN sẽ không chịu nổi do chi phí sử dụng lao động bị đội lên rất cao.
Sau khi hội ý, VCCI nâng mức đề xuất tăng lên 10%, tuy nhiên, Tổng LĐLĐVN, một lần nữa, không đồng ý với mức tăng này. Chính vì vậy, VCCI đã quyết định dừng phiên họp lần 1 để bàn bạc tiếp.
Tại phiên họp thứ hai diễn ra ngày 25/8, hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung và lần này, Tổng LĐLĐVN quyết định dùng quyền dừng phiên họp của mình để kết thúc tranh cãi và hẹn bàn bạc tiếp lần 3.
Theo quy chế của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, mỗi bên chỉ được phép dừng phiên họp 1 lần. Tại phiên họp lần thứ 3 hôm nay, nếu các bên vẫn không thống nhất được phương án tăng lương tối thiểu vùng thì Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ quyết định phương án để trình Chính phủ.
Trước đó, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ chiều 1/9. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên trả lời báo chí đã khẳng định: Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016. Do đó cuộc họp hôm nay chắc chắn phải ra được con số cuối cùng.
Tuy nhiên, sau hơn 4 tiếng tranh luận căng thẳng, mỗi bên chỉ nhượng bộ một chút. Đến 11.30, sau 2 lần thảo luận, phía Tổng LĐLĐVN đồng ý hạ mức 16,8% xuống còn 14,4%; phía VCCI chỉ đồng ý tăng từ mức 10% lên 11,4%.
Cuối cùng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính đề nghị Chủ tịch Hội đồng lương Quốc gia  chọn phương án bỏ phiếu. Kết quả, 14/15 người bỏ phiếu tán thành mức tăng 12,4%, tương ứng tăng 250.000 đến 400.000 đồng tùy từng vùng.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch hội đồng tiền lương quốc gia cho biết đây là lần đầu tiên trong 3 năm, hội đồng có mức đồng thuận cao như vậy.
Doanh nghiệp than khó – “Người lao động tạm chấp nhận”?

Rất nhiều phóng viên báo đài chờ bên ngoài trụ sở Bộ LĐTBXH trưa nay để chờ kết quả phiên hop

Thế nhưng, đằng sau tỉ lệ có vẻ là đồng thuận cao như vậy, cả phía đại diện người lao động lẫn đại diện chủ sử dụng lao động đều tỏ ra không hài lòng với kết quả này.
Trao đổi với báo chí, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết chưa thoải mái và hài lòng với kết quả này. Tuy nhiên “Chúng tôi nghĩ người lao động cũng sẽ tạm chấp nhận” - ông Chính nói.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cũng không hài lòng với kết quả bỏ phiếu bởi doanh nghiệp (DN) sẽ khó khăn và cho biết sẽ đề nghị cơ quan thẩm quyền giãn lộ trình đóng BHXH theo Luật BHXH để giảm bớt khó khăn cho DN.
Một số vấn đề khác cũng chưa đạt được sự đồng thuận tại phiên họp. Ví dụ như VCCI cho rằng tăng lương tối thiểu cần gắn với tăng năng suất lao động. Trong khi ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phản đối và đưa ra lập luận: lương tối thiểu chỉ đảm bảo
mức sống tối thiểu “người ta chưa đủ sống thì nói gì đến năng suất lao động”. Ông Chính cũng khẳng định: người lao động của ta chủ yếu làm công việc gia công, có tính chất trùng lắp, không có cơ hội sáng tạo để tăng năng suất lao động. Việc tăng năng suất lao động phụ thuộc chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đào tạo do chủ sử dụng lao động quyết định.
Theo lộ trình, đề xuất tăng lương tối thiểu sẽ được trình Chính Phủ để thống nhất trong phiên học thường kỳ tháng 9 của Chính phủ và công bố vào tháng 10, chính thức áp dụng từ 1/1/2016
Hoàng Yến
 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến