Tin liên quan
Chờ đợi bùng nổ
Hàng loạt mã chứng khoán có vốn hóa lớn như: CII, FPT, GMD, HCM, MBB, REE, TDH, VNM... đã hết, hoặc chỉ còn dư địa rất nhỏ cho NĐT nước ngoài tăng sở hữu. Các mã chứng khoán có quy mô vốn hóa nhỏ hơn một chút như: EVE, JVC, SII, TCM…, hay các DN thuộc nhóm ngành dược cũng ở trong tình trạng tương tự. Khối ngoại sẵn sàng mua và NĐT trong nước thì dường như cũng sẵn sàng bán, nhưng cung cầu lại bị ngăn cách bởi 1 rào cản: giới hạn tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài.
Trao đổi với ĐTCK, giám đốc đầu tư một công ty quản lý nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cho biết, với những mã cổ phiếu cơ bản tốt, tốc độ tăng trưởng cao như VNM, FPT… thì NĐT ngoại sẵn sàng trả giá cao hơn hẳn thị giá để được sở hữu, nhưng vẫn rất khó giao dịch vì không nhiều người bán. Thậm chí, trong câu chuyện về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại CII cách đây ít năm, thị trường còn đồn đoán rằng, bản chất của việc lập ra công ty con góp vốn bằng cổ phiếu CII là để… NĐT nước ngoài được tăng sở hữu tại đây.
Chính vì thế, một vấn đề khiến cả NĐT trong nước lẫn nước ngoài quan tâm là: khi nào Chính phủ sẽ nới tỷ lệ sở hữu tại các DN cho khối ngoại? Thậm chí, một câu hỏi được các NĐT quan tâm không kém là: nếu mở “room”, NĐT nên mua mã nào để có thể kiếm lời nhiều nhất? Bởi, nếu mở “room”, TTCK có thể sẽ tăng mạnh do tăng cầu đột biến từ khối ngoại. Khi đó, thị trường có cơ hội bứt phá mạnh không chỉ do tăng giá từ chính các mã được nhóm này mua vào, mà có thể từ hiệu ứng lan tỏa, khi nguồn tiền trên thị trường gia tăng.
Cả thị trường đều mong ngóng: khi nào Chính phủ đồng ý mở “room”?
Gia tăng phụ thuộc NĐT nước ngoài?
Thị trường tăng điểm dường như là điều không phải bàn cãi nếu NĐT ngoại được gia tăng sở hữu trên thị trường. Điều này có thể thấy qua các lần tăng điểm trong quá khứ, mỗi khi xuất hiện một thông tin, hoặc một căn cứ nhất định khiến NĐT kỳ vọng về việc Chính phủ ban hành chính thức quyết định này. Tuy nhiên, một câu hỏi mà có vẻ ít NĐT đặt ra là, sau bùng nổ tăng giá nhờ mở “room”, thị trường sẽ đi về đâu?
Ảnh minh hoạ.
Làm một động tác nhỏ là tìm kiếm trên Google cụm từ “thị trường giảm mạnh do NĐT nước ngoài bán ròng”, chỉ trong 0,62 giây, Google đã cho ra khoảng 2,1 triệu kết quả. Ở chiều ngược lại, có khoảng gần 1 triệu đáp án. Khắp các bản tin, báo cáo phân tích, nhận định ngày của CTCK, bình luận và dự báo về trạng thái mua/bán của khối ngoại luôn luôn xuất hiện.
Thống kê chỉ riêng trong khoảng thời gian từ đầu năm 2015 đến nay (theo dữ liệu hết ngày 22/4/2015), thị trường liên tục chứng kiến những phiên tăng, giảm lớn theo diễn biến mua, bán mạnh của NĐT nước ngoài (xem biểu đồ). Đặc biệt, trong tháng 3, cùng với việc các quỹ đầu tư chỉ số bị rút vốn mạnh, chỉ số VN-Index cũng liên tục sụt giảm. Điều này cho thấy, mức độ ảnh hưởng của giao dịch khối ngoại lên diễn biến chung TTCK, dù xét theo giá trị, giao dịch của NĐT nước ngoài chỉ chiếm khoảng 5 - 10% giá trị giao dịch toàn thị trường.
Diễn biến giao dịch trên TTCK các năm qua cho thấy, mức độ ảnh hưởng của khối ngoại đang ngày một lớn hơn, nhất là khi thị trường có sự tham gia của các quỹ đầu tư chỉ số (ETF), với quy mô tài sản tăng mạnh thời gian qua. Việc NĐT bỏ ngày một nhiều tiền hơn vào các quỹ ETF một phần cho thấy mức độ hấp dẫn của TTCK Việt Nam, nhưng cũng kéo theo những rủi ro về khả năng rút vốn ồ ạt của khối ngoại, tác động tiêu cực lên TTCK. Những dự báo hoặc kết quả kinh doanh của DN tăng hay giảm dường như không quan trọng bằng việc quỹ đầu tư chỉ số mua vào hay bán ra.
Vậy nếu mở “room”, với sự tham gia sâu rộng hơn vào thị trường của NĐT nước ngoài, điều gì sẽ xảy ra với TTCK Việt Nam? Câu trả lời có lẽ là gia tăng sự lệ thuộc. Một kịch bản được nhiều chuyên gia đồng ý là: giai đoạn đầu, khi các NĐT nước ngoài tận dụng cơ hội mở “room” để mua các mã chứng khoán mục tiêu, thị trường có thể sẽ có hiệu ứng tăng điểm mạnh. Nhưng sau đó, có thể sẽ là chuỗi ngày dài phụ thuộc.
Lối ra nào cho TTCK?
Mở room là câu chuyện nên và tất yếu của TTCK Việt Nam, bởi ngoài việc tuân thủ các cam kết quốc tế, đây chính là cánh cửa mở ra cho DN trong việc tăng huy động vốn nước ngoài. Nhưng câu hỏi là, làm cách nào để giảm bớt sự lệ thuộc vào giao dịch khối ngoại trên TTCK?
Nhìn chi tiết hơn vào giao dịch của các NĐT nước ngoài thời gian gần đây cho thấy, ở những DN có cơ bản tốt, đã ở trong tình trạng kín room như: VNM, DHG, FPT, REE…, giao dịch khối ngoại lại khá trầm lắng. Trong khi đó, đây mới chính là nhóm DN có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ việc nới room, do NĐT nước ngoài có thể gia tăng sở hữu.
Ngược lại, ở các DN có mức độ hiệu quả thấp hơn, nhưng có ảnh hưởng lớn đến chỉ số thị trường (VN-Index) như: GAS, CTG, BID, PVD, VIC…, thời gian gần đây được khối ngoại giao dịch rất mạnh.
Với các mã này, giao dịch khối ngoại tạm chia làm 2 nhóm: 1 nhóm đầu tư giá trị và 2 là nhóm đầu tư dựa theo mức độ vốn hóa.
Ngành dầu khí thời gian gần đây có nhiều biến động lớn, ảnh hưởng mạnh đến hiệu quả kinh doanh của ngành, dẫn tới việc khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu thuộc nhóm này, khiến VN-Index bị tác động mạnh. Các NĐT chỉ đổi sang xu hướng mua ròng khi giá các mã này đã giảm tới xấp xỉ 50% so với thời kỳ đỉnh cao, như PVD, GAS…
Với các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, ngoại trừ VCB, MBB, các cổ phiếu khác, đặc biệt là BID, CTG được NĐT ngoại giao dịch mạnh một phần do đánh giá khả quan ngành ngân hàng, nhưng mặt khác, đến từ quyết định niêm yết toàn bộ số cổ phiếu thuộc sở hữu nhà nước, dẫn đến tác động của nhóm này lên VN-Index sẽ trở nên rất lớn. Đây chính là lý do các quỹ đầu tư chỉ số có… “đất diễn” cho những giao dịch có tác động mạnh tới TTCK, dù quy mô sở hữu của khối này không lớn.
Như vậy, câu chuyện chi tiết không hẳn nằm ở việc NĐT nước ngoài sở hữu bao nhiêu tại DN, mà chính là câu chuyện của chính thị trường trong nước.
Nếu không có chuyện một mình cổ phiếu GAS có thể… cứu cả thị trường (mà tới đây có thể là CTG, BID), thì có lẽ mức độ tác động của NĐT nước ngoài lên TTCK Việt Nam sẽ không lớn như vậy.
Điều này, tiếc rằng đã xảy ra khi các ông lớn như GAS, CTG, BID… niêm yết toàn bộ số cổ phiếu của cổ đông Nhà nước. Vì thế, có một cách khá đơn giản để khắc phục tình trạng này, có lẽ là hối niêm yết các “ông lớn” khác, những DN có vốn điều lệ lớn như Sabeco, Habeco, Viglacera… Khi đó, giao dịch khối ngoại tại các nhóm này sẽ bớt tác động lên chỉ số chung của thị trường.
Hướng thứ 2 để khắc phục tình trạng này, có lẽ là nâng cao chất lượng NĐT trong nước. Khi nhận thức và năng lực tài chính các NĐT trong nước lớn hơn, với nhiều NĐT tổ chức hơn, thì việc NĐT nước ngoài mua/bán ròng mỗi phiên sẽ không phải là vấn đề đáng lo ngại, trừ trường hợp rút vốn ồ ạt.
Và lời giải nữa sẽ giúp DN tăng huy đông vốn nước ngoài nhưng thị trường vẫn không lo bị giao dịch khối ngoại chi phối, đến từ chính các DN niêm yết, đó là tìm đối tác chiến lược. Vẫn biết rằng, đây là điều nhiều DN mong muốn và không dễ triển khai, nhưng các NĐT chiến lược nước ngoài sẽ là lời giải tốt cho bài toán tăng huy động vốn nước ngoài và hạn chế bớt tác động của các NĐT tài chính ngoại.
Nên đọc
Theo Đầu Tư Chứng Khoán
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy