Dòng sự kiện:
Tập đoàn Đại Châu: Nghi ngờ về sự minh bạch trong việc sử dụng dòng vốn?
24/09/2018 08:30:23
Tập đoàn Đại Châu đã từng huy động vốn, tăng vốn điều lệ để thực hiện dự án Phú Thượng DCS Tower. Thế nhưng, dường như nguồn tiền này đang bị sử dụng thiếu minh bạch?!

Huy động vốn thực hiện dự án để cho lãnh đạo vay?

Dự án DCS Tower còn có tên là dự án công trình hỗn hợp văn phòng và nhà ở căn hộ tại phường Phú Thượng do Công ty cổ phần Phú Thượng, công ty liên kết của DCS (DCS sở hữu 50% vốn điều lệ Công ty Phú Thượng) làm chủ đầu tư. Trước đó, năm 2010, DCS sở hữu 50% cổ phần của Công ty Phú Thượng thông qua việc nhận chuyển nhượng với giá trị tương ứng 50 tỷ đồng.

Để có tiền triển khai dự án này, đầu năm 2011, DCS phát hành hơn 17,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cán bộ công nhân viên để tăng vốn từ 163,75 tỷ đồng lên 335 tỷ đồng (thời gian chốt danh sách cổ đông 28/12/2010).

Lúc đó, DCS cho biết, nguồn vốn thu được từ đợt phát hành này sẽ bổ sung vốn lưu động 71 tỷ đồng và góp vốn đầu tư vào dự án công trình tổ hợp toà nhà văn phòng làm việc và nhà ở để bán.

Với việc nắm 50% vốn điều lệ Công ty Phú Thượng, năm 2010, DCS đã chi ra 15,987 tỷ đồng tạm ứng chi vào Dự án DCS Tower. Đến cuối năm 2011, khoản tạm ứng đầu tư vào Dự án DCS Tower tăng thêm 117,1 tỷ đồng, lên 132,34 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo quy định hạch toán thời điểm đó, khoản tạm ứng này được hạch toán dưới dạng tài sản ngắn hạn, không nêu rõ tạm ứng làm gì và dưới hình thức nào. Các khoản này chỉ được giải thích rõ trong bản thuyết minh tài chính năm 2012 với nội dung: "Là các khoản tạm ứng để thực hiện Dự án công trình hỗn hợp văn phòng và nhà ở căn hộ tại phường Phú Thượng" và tăng lên thành 152,82 tỷ đồng. Sau đó, trong báo cáo tài chính năm 2013, khoản tạm ứng này giảm xuống 146,5 tỷ đồng.

Ngày 3/12/2014, DCS tiếp tục phát hành thêm 22 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ hơn 383,1 tỷ đồng lên hơn 603,1 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền 220 tỷ đồng thu được, theo phương án phát hành, được sử dụng để đầu tư khởi công xây dựng dự án Phú Thượng với tổng giá trị đầu tư 597,2 tỷ đồng.

Trong báo cáo kiểm toán hợp nhất 2014, Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt lưu ý, đến ngày 31/12/2014, toàn bộ số tiền này đã được sử dụng vào dự án Công trình hỗn hợp văn phòng và nhà ở, căn hộ để bán tại tổ 2 cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. Trong đó, tạm ứng cho một số cán bộ chủ chốt của Công ty là 100 tỷ đồng; ứng trước 50% cho Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Đại Châu theo hợp đồng giao nhận thầu số 0111/2014/HĐGNT ngày 29/11/2014, số tiền là 90 tỷ đồng; ứng trước 50% cho Chi nhánh Công ty TNHH Dương Thái Quang tại Hà Nội theo hợp đồng số 0112/2014/HĐGNT ngày 2/12/2014, số tiền là 30 tỷ đồng. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014 cũng cho thấy, tính đến thời điểm cuối năm, DCS đã đổ vào Dự án DCS Tower tới 353,3 tỷ đồng.

Một điểm lạ là, dù Công ty rót rất nhiều tiền vào Dự án DCS Tower, nhưng dự án này không hề được triển khai. Cụ thể, trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2015, Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt lưu ý, đến thời điểm 31/12/2015, dự án trên chưa được triển khai, chỉ mới có khoản tiền ứng cho Chi nhánh Công ty TNHH Dương Thái Quang tại Hà Nội đã được thu lại bằng tiền gửi ngân hàng.

Đến 2016, theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2016, khoản tạm ứng 220 tỷ đồng tiếp tục được thu hồi một phần. Cụ thể, theo lưu ý của Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt, trong 90 tỷ đồng tạm ứng cho Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Đại Châu, đã thu lại được 50 tỷ đồng trong năm 2016 và thu hồi nốt 40 tỷ đồng trong tháng 1/2017. Còn khoản tạm ứng 100 tỷ đồng cho một số cán bộ chủ chốt của Công ty, mới chỉ thu lại được gần 48,5 tỷ đồng trong năm 2016 và ngày 20/3/2017 thu hồi thêm được 3,8 tỷ đồng (còn thiếu khoảng gần 48 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2017, dự án này đã được DCS chuyển nhượng từ ngày 7/4/2017 cho 2 đơn vị là Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng và Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý Bất động sản G5 (G5 Invest) thông qua việc thoái toàn bộ cổ phần nắm giữ tại Công ty Phú Thượng, tổng giá trị hơn 58,1 tỷ đồng.

Cụ thể, DCS chuyên nhượng 450.000 cổ phần cho Lạc Hồng với giá 52,3 tỷ đồng, chuyển nhượng 50.000 cổ phần còn lại cho G5 Invest với giá trị chuyển nhượng hơn 5,8 tỷ đồng. Giá chuyển nhượng này theo ghi nhận từ báo cáo tài chính bán niên 2017, bao gồm cả dư nợ hơn 16 tỷ đồng gốc và 1,752 tỷ đồng lãi mà Công ty cổ phần Đầu tư Phú Thượng vay trước đó từ DCS.

Cũng theo lưu ý của kiểm toán, toàn bộ số tiền thu được từ chuyển nhượng dự án và thu hồi tạm ứng, Công ty này lại thực hiện cho các cá nhân vay ngắn hạn với lãi suất cho vay dao động từ 7-10%/năm, số dư các khoản vay lên đến 251,43 tỷ đồng.

Ngoài ra, các khoản tạm ứng khác phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chưa được thu hồi tại ngày 30/6/2017 lên đến 183,2 tỷ đồng, trong đó tạm ứng cho thành viên HĐQT, Ban kiểm soát là 117,5 tỷ đồng, các đối tượng khác là 65,6 tỷ đồng.

Tổng số tiền cho vay các cá nhân và các khoản tạm ứng chưa thu hồi này (434,63 tỷ đồng), chiếm tới 64,7% tổng nguồn vốn của DCS tính tới ngày 30/6/2017. Điều này, khiến cổ đông và thị trường không khỏi nghi ngờ về sự minh bạch trong việc sử dụng dòng vốn của DCS. 

Lãi đi lùi sau kiểm toán

Trong BCTC soát xét bán niên 2018 của DCS đã ghi nhận lãi ròng đạt 1.3 tỷ đồng, giảm 69% so với báo cáo tự lập của Công ty. Doanh thu của DCS 6 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 32 tỷ đồng, không thay đổi so với báo cáo tự lập nhưng giá vốn hàng bán thì tăng lên hơn 36 tỷ đồng. Điều này khiến DCS lỗ gộp hơn 4.2 tỷ đồng, trong khi trước soát xét chỉ lỗ gộp 1.9 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp sau soát xét tăng thêm 1 tỷ đồng, ở mức 3.6 tỷ cũng góp phần làm lãi ròng DCS nửa đầu năm 2018 chỉ còn 1.3 tỷ đồng, giảm 69% so với trước soát xét.

Cũng tại báo cáo soát xét, kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến ngoại trừ trên cơ sở DCS chưa đưa ra được BCTC giữa niên độ 2018 của CTCP Xuân Minh SĐ Thanh Hoa (Công ty liên kết) để làm cơ sở trích lập giảm giá khoản đầu tư dài hạn (nếu có).

Theo BCTC, đến 30/06/2018, số dư phải thu tiền tạm ứng thực hiện dự án Phú Thượng chưa được thu hồi là 106 tỷ đồng. Trong đó tạm ứng cho TVHĐQT và BKS là 40 tỷ, đối tượng khác là 65 tỷ đồng.

Đối với các khoản đã thu hồi, DCS cho các tổ chức và cá nhân vay. bằng các thủ tục soát xét, kiểm toán cho rằng không đánh giá được mức độ ảnh hưởng của vấn đề này tại BCTC.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DCS đang ở một mức giá thê thảm, quanh vùng 1.100 đồng/cp với thanh khoản yếu. Trước đó, DCS đã bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 6/4/2018 do lợi nhuận sau thuế năm 2017 trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Công ty là số âm.

Mai An

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến