Dòng sự kiện:
Tập đoàn NextTech của Shark Bình có gì
30/08/2022 08:38:16
Với quy mô vốn điều lệ 500 tỷ đồng, hoạt động của Tập đoàn NextTech chủ yếu thiên về đầu tư tài chính với các khoản vốn rót vào nhóm doanh nghiệp fintech và thương mại điện tử.

Được thành lập cách đây 10 năm nhưng Tập đoàn NextTech mới chỉ được thị trường chú ý trong khoảng một năm gần đây khi ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch tập đoàn, tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam với vai trò nhà đầu tư.

Là doanh nghiệp trung tâm trong hệ sinh thái công nghệ của ông Bình, NextTech cũng chính là doanh nghiệp tâm huyết gắn liền với tên tuổi của vị đại gia này cùng vợ là bà Đào Lan Hương (ông Bình cho biết đã ly hôn).

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech. Ảnh: Mạnh Quân/Dantri.com.vn.

Shark Bình và bà Đào Lan Hương giữ vai trò gì ở NextTech?

Theo tìm hiểu, tiền thân của Tập đoàn NextTech là Công ty CP Giải pháp phần mềm Hòa Bình (Peacesoft), doanh nghiệp do ông Nguyễn Hòa Bình thành lập từ khi còn là sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2001.

Công ty ban đầu có vốn chỉ 2 triệu đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực gia công phần mềm. Đến năm 2003, Peacesoft gọi vốn thành công từ quỹ IDG Venture. Công ty sau đó đã mở rộng hoạt động kinh doanh với sàn thương mại điện tử Chodientu.vn, một trong những sàn thương mại điện tử đầu tiên tại Việt Nam.

Đến tháng 2/2013, ông Bình đã tái cấu trúc hoạt động của Peacesoft cùng các công ty thành viên để thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Tương lai (nay được đổi tên là Công ty CP Tập đoàn NextTech).

Công ty này có trụ sở chính tại tầng 3, tòa nhà VTC Online, số 18, đường Tam Trinh, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trong đó, ông Bình giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Thành viên và nắm 70% vốn điều lệ.

Ở giai đoạn đầu mới thành lập này, bà Đào Lan Hương cũng tham gia góp 30% vốn công ty và giữ vai trò Phó chủ tịch.

Tuy nhiên, đến năm 2017, bà Hương đã rời vị trí phó chủ tịch và đến tháng 9/2018 bà cùng NextTech và một số cá nhân khác thành lập Công ty CP Công nghệ & Sáng tạo trẻ Teky Holdings với vốn điều lệ 20 tỷ đồng.

Đến tháng 5/2020, thay đổi đăng ký kinh doanh của NextTech cho biết bà Hương đã thoái sạch vốn khỏi doanh nghiệp này. Thay vào đó, ông Nguyễn Huy Hoàng trở thành cổ đông mới nắm giữ 30% vốn công ty, trong khi đó, ông Bình vẫn duy trì tỷ lệ góp vốn 70%. Đáng chú ý, ông Nguyễn Huy Hoàng là cá nhân có cùng địa chỉ thường trú với ông Bình.

Đến tháng 12/2020, cơ cấu cổ đông của NextTech một lần nữa thay đổi khi công ty tăng mạnh vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 500 tỷ. Trong đó, ông Bình vẫn giữ 70% vốn, tương đương 350 tỷ đồng. Danh sách cổ đông tập đoàn này xuất hiện thêm ông Đào Minh Phú nắm 20% và Nguyễn Huy Hoàng giảm tỷ lệ sở hữu xuống 10%.

Về phía Công ty Teky Holdings, với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, doanh nghiệp này do bà Hương nắm 53,6% vốn, các cổ đông sáng lập khác là ông Lê Quang Tuấn (18,3%); ông Kiều Mạnh Tiến (12,2%); Tập đoàn NextTech (11,9%) và ông Phạm Công Luận cùng ông Nguyễn Minh Hiệu mỗi người nắm 2%. Đến cuối năm 2019, công ty này tăng vốn lên 20,6 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2019, bà Đào Lan Hương cùng 3 cổ đông là ông Lê Quang Tuấn, Kiều Mạnh Tiến và NextTech đã dùng 91.617 cổ phần tại Teky Holdings, tương đương hơn 4,44% vốn doanh nghiệp để đăng ký giao dịch bảo đảm với bên nhận là quỹ đầu tư Strategic Year Holdings Limited (địa chỉ tại quần đảo Virgin thuộc Anh). Đây có thể là phần vốn góp được các cổ đông Teky Holdings dùng để làm tài sản đảm bảo cho khoản nhận đầu tư từ quỹ ngoại này.

NextTech kinh doanh thế nào?

Trở lại với NextTech của ông Nguyễn Hòa Bình, dù có quy mô vốn điều lệ lên tới 500 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh của tập đoàn này lại thiên về vai trò đầu tư tài chính, khi doanh thu và lãi thuần công ty mẹ năm 2021 chỉ đạt lần lượt 30,5 tỷ và 81,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, quy mô vốn chủ sở hữu của tập đoàn đến cuối năm 2021 cũng chỉ vào khoảng 50 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc NextTech đã phải gánh lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng khiến quy mô vốn chủ sở hữu thấp hơn cả vốn điều lệ.

Trong danh mục đầu tư, NextTech đang rót vốn vào hơn 20 doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính, truyền thông.

Những doanh nghiệp đáng chú ý do NextTech xây dựng và rót vốn phải kể tới nhóm fintech với cổng thanh toán Ngân Lượng; ví điện tử Vimo; nền tảng thanh toán AlePay; mPOS; Nextpay hay Tienngay.vn…

Ở lĩnh vực thương mại điện tử, NextTech cũng rót vốn vào nhiều nền tảng như Misell; Bot bán hàng; Pushsale; Cuccu; Coolmate… Ngoài ra, tập đoàn này còn đầu tư vào lĩnh vực e-logistic với thương hiệu Boxme; HeyU; FastGo và lĩnh vực truyền thông với Topcv; Schola; Tick.com…

Trong nhóm doanh nghiệp kể trên, Công ty CP Ngân Lượng (vận hành cổng thanh toán nganluong.vn) là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất.

Trong giai đoạn 2016-2018, doanh thu của cổng thanh toán này liên tục tăng trưởng cao, đạt đỉnh gần 1.900 tỷ đồng vào năm 2018, tăng 20% so với năm trước. Cùng năm, doanh nghiệp này thu về gần 32 tỷ đồng lãi thuần.

Đến năm 2019, doanh thu của Ngân Lượng sụt giảm còn 424 tỷ đồng, tuy nhiên, lãi thuần công ty lại tăng vọt lên gần 110 tỷ.

Tính trong cả giai đoạn 2016-2019, Ngân Lượng đã ghi nhận tổng cộng gần 4.600 tỷ đồng doanh thu thuần và 166 tỷ đồng lãi thuần.

Tương tự, Công ty CP Công nghệ Vi mô là đơn vị vận hành ví điện tử Vimo, trung gian thanh toán đầu tiên cho phép khách Trung Quốc sử dụng ví điện tử WeChat Pay thanh toán tại Việt Nam.

Trong giai đoạn 2016-2019, công ty này ghi nhận tổng cộng gần 730 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng lỗ thuần hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2019, công ty ghi nhận gần 343 tỷ đồng doanh thu và lỗ thuần gần 8 tỷ đồng.

Một thương hiệu đáng chú ý khác liên quan NextTech và ông Nguyễn Hòa Bình là FastGo, ứng dụng đặt xe tương tự như Grab và Gojek.

Theo giới thiệu, FastGo được thành lập vào tháng 6/2018 với vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Hai cổ đông góp vốn là ông Nguyễn Hòa Bình và ông Nguyễn Hữu Tuất. Đến tháng 8/2018, cơ cấu cổ đông thay đổi với 7 cá nhân tham gia nhưng vốn điều lệ chỉ tăng lên hơn 2,4 tỷ đồng, trong đó, riêng ông Bình vẫn góp 1 tỷ đồng và nắm 41,6% vốn.

Theo đăng ký thay đổi hồi tháng 3/2020, vốn điều lệ của FastGo được điều chỉnh lên gần 29 tỷ đồng.

Công ty này từng đặt mục tiêu năm 2020 sẽ có mặt tại 11 quốc gia Đông Nam Á, doanh thu kỳ vọng đạt 2 tỷ USD và phục vụ hơn 4 triệu khách hàng, sở hữu 450.000 đối tác tài xế.

Tuy nhiên đến nay, ứng dụng gọi xe này mới hoạt động tại 3 thị trường là Việt Nam; Myanmar và Singapore. Hoạt động kinh doanh của FastGo tại chính sân nhà Việt Nam cũng nhạt nhòa hơn nhiều so với các đối thủ ngoại.

Trên Google Store, FastGo hiện chỉ có hơn 500.000 lượt tải ứng dụng, tương đương 1/4 so với Be và chỉ bằng 1/200 so với số lượt tải của Gojek và Grab.

Thực tế, ngoại trừ Ngân Lượng nằm trong nhóm 10 cổng thanh toán lớn nhất Việt Nam, các thương hiệu khác trong lĩnh vực fintech và thương mại điện tử của NextTech đầu tư và rót vốn chỉ thuộc nhóm quy mô nhỏ tại thị trường Việt Nam.

Tác giả: Quang Thắng 

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến