Dòng sự kiện:
Tàu Nghiên cứu biển Đông: Tiến sĩ trên bờ, cử nhân ra biển
14/04/2015 14:06:14
ANTT.VN - Những khoản chi khổng lồ để duy trì đội tàu, phục vụ cho công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu biển vẫn được lấy đều đặn từ ngân sách mỗi năm, song “Khoa học trưởng” có học vị Tiến sĩ lại không có hoặc ở trên bờ; con tàu hàng trăm tỷ mang trên mình sứ mệnh quốc gia lại được phó thác cho "cử nhân" điều hành lênh đênh trên biển...

Tin liên quan

Tàu NCB đang neo tại cảng

Cử nhân khí tượng “lãnh” chức danh “rộng hơn Khoa học trưởng”

Như ANTT.VN đã đề cập trong các kỳ trước, ngoài việc “Khoa học trưởng” không có mặt trực tiếp trên tàu NCB trong suốt hành trình “Điều tra, khảo sát bằng tàu Nghiên cứu biển năm 2013 tại vùng biển phía Nam và Tây Nam Bộ”, tại buổi làm việc với phóng viên, Giám đốc Trung tâm Hải văn Trần Hồng Lam cũng thừa nhận danh sách cán bộ tham gia khảo sát biển năm 2014 tại vùng biển khu vực Trung Bộ cũng không hể có chức danh “Khoa học trưởng”.

Thay vào đó, theo ông Lam: “Chuyến 2014 không có Khoa học trưởng, nhưng chúng tôi đã cử một Đoàn trưởng. Mà Đoàn trưởng mang tính chất rộng hơn Khoa học trưởng chỉ ở trên tàu NCB”.

“Đoàn trưởng” mà ông Lam nói ở đây, theo tìm hiểu của phóng viên ANTT.VN chính là ông Nguyễn Thanh Bình – Quan trắc viên chính, Phòng Điều tra Khảo sát và Quan trắc biển.

Cử nhân Ngữ văn, Chính trị, Cao đẳng Quản trị Kinh doanh đi trực radar biển còn Cử nhân khí tượng làm "Đoàn trưởng" phụ trách đoàn khoa học, điều tra, nghiên cứu biển Đông.

Thông tin trong Danh sách viên chức luân chuyển, điều động ban hành kèm theo Quyết định số 07/QĐ-HV ngày 14 tháng 01 năm 2015 của Trung tâm Hải văn cho thấy trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Quan trắc viên chính Nguyễn Thanh Bình là Cử nhân khí tượng.

Như vậy, đối chiếu với quy định “Khoa học trưởng: trình độ phải là Tiến sĩ, chuyên ngành thuộc lĩnh vực biển và hải đảo hoặc tương đương”  (Điểm a, Tiểu mục 7.2.2.2, Thông tư Thông tư số 22/2010/TT-BTNMT ngày 26 tháng 10 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì rõ ràng vị “Đoàn trưởng mang tính chất rộng hơn Khoa học trưởng”, như cách nói của Giám đốc Trung tâm Hải văn, vẫn hoàn toàn chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ để đảm nhiệm chức danh “Khoa học trưởng” (chứ chưa nói đến chức danh “mang tính chất rộng hơn” (?)).

Bên cạnh đó, Điểm d, Tiểu mục 7.2.1.2 (nhiệm vụ của cơ quan thực hiện), Mục 7.2 (Nhiệm vụ của các đơn vị khi thực hiện khảo sát điều tra) của Thông tư cũng quy định cơ quan thực hiện có nhiệm vụ: “Cử khoa học trưởng để theo dõi công tác chuẩn bị máy, thiết bị, lập đề cương khảo sát và điều hành trực tiếp chuyến khảo sát”.

Khoa học trưởng điều hành chung về chuyên môn, phối hợp cùng các tổ trưởng chỉ đạo công tác chuẩn bị máy, thiết bị, vật tư, nội dung đo đạc” (Tiểu mục 7.2.2.1). Không chỉ có vậy, “Trong quá trình khảo sát điều tra, Thuyền trưởng và Khoa học trưởng phải liên lạc thường xuyên và báo cáo với Cơ quan chủ quản các kết quả đã thực hiện và triển khai các công việc tiếp theo; xin ý kiến chỉ đạo và giải quyết khi có các tình huống bất thường xảy ra” (Điểm d, tiểu mục 7.2.6).

Những nội dung liên quan đến chức danh “Khoa học trưởng” trong các chuyến khảo sát điều tra tổng hợp tài nguyên và môi trường biển bằng tàu biển đã được quy định rất chi tiết, tường minh tại Thông tư 22/2010/TT-BTNMT, trong khi đó, “Đoàn trưởng” – chức danh mà theo cách nói của Giám đốc Trần Hồng Lam là “mang tính chất rộng hơn Khoa học trưởng” lại chẳng thấy văn bản đề cập đến.

Ông Nguyễn Thanh Bình: "Khoa học trưởng" hay "Đoàn trưởng" (?). Ảnh: VTV2

Liên quan đến chuyến điều tra, khảo sát bằng tàu NCB năm 2014 của Trung tâm Hải văn, mới đây, chuyên mục đi.VTV, Kênh khoa giáo VTV2, Đài truyền hình Việt Nam đã phát sóng phóng sự “Đi VTV: Tàu nghiên cứu biển: Ra khơi – Tập 1”. Đáng chú ý, theo thông tin chú thích trong phóng sự thì ông Nguyễn Thanh Bình lại đảm nhiệm chức danh “Khoa học trưởng, Tàu Nghiên cứu biển” (?), trái với phát ngôn là "đoàn trưởng" như cách nói của Giám đốc Nguyễn Hồng Lam. Theo thừa nhận của Giám đốc Trung tâm Hải văn, chuyến khảo sát không có chức danh “Khoa học trưởng” và chức danh chính thức của ông Bình trong chuyến đi trên lại là “Đoàn trưởng”.

Tiến sĩ… ở nhà

Đáng nói hơn, tại Trung tâm Hải văn, ngoài Tiến sĩ Trần Hồng Lam, còn có 3 nhân sự khác cũng có trình độ Tiến sĩ, chuyên ngành thuộc lĩnh vực biển và hải đảo hoặc tương đương, đáp ứng đầy đủ yêu cầu để đảm nhận chức danh “Khoa học trưởng” như quy định của Thông tư 22, đó là các ông: Hoàng Trung Thành – PGĐ phụ trách Vật lý – Động lực biển; Lê Văn Công – PGĐ phụ trách Dự báo tư liệu Hải văn và Nguyễn Anh Hoành – Trưởng phòng Sinh thái biển.

Nhưng, trong khi cử nhân khí tượng Nguyễn Thanh Bình phải “gánh” trọng trách “Đoàn trưởng”, phụ trách các nhà khoa học, lên tàu NCB, xa khơi nghiên cứu biển tại khu vực Trung Bộ thì theo xác minh của ANTT.VN, những Tiến sĩ trên lại chẳng một ai có mặt trên tàu.

Được biết, chi phí cho mỗi chuyến khảo sát biển lên đến cả chục tỷ đồng, chi thường xuyên của tàu Nghiên cứu biển cũng dao động từ 7 – 8 tỷ mỗi năm. Thêm vào đó, định kỳ 2,5 năm một lần, tàu NCB sẽ lại phải lên đà sửa chữa, chi phí cũng tốn cả chục tỷ đồng.

Những khoản chi khổng lồ để duy trì đội tàu, để phục vụ cho công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu biển được vẫn được lấy đều đặn từ ngân sách mỗi năm, song “Khoa học trưởng”  lại không có hoặc ở trên bờ; con tàu hàng trăm tỷ mang trên mình sứ mệnh quốc gia cứ lênh đênh trên biển với một “Đoàn trưởng” – Cử nhân…

Quỳnh Hương – Thủy Tiên  

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến