Dòng sự kiện:
Techcombank là ngân hàng đang 'ôm' rất nhiều trái phiếu doanh nghiệp
26/08/2019 17:01:57
Bên cạnh trái phiếu Chính phủ cùng một số loại hình khác do các TCTD và tổ chức kinh tế (TCKT) phát hành, trái phiếu doanh nghiệp là một trong 2 loại chứng khoán nợ phổ biến được ngân hàng đầu tư, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi các ngân hàng thương mại (NHTM) về việc rà soát và kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vì tiềm ẩn rủi ro. 

Một vài ngân hàng có số dư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh; đầu tư nhiều vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản trong khi thị trường chưa phục hồi vững chắc.

Do đó, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu các nhà băng rà soát hoạt động này, đặc biệt là việc đầu tư hoặc tăng quy mô vốn cho các tổ chức phát hành trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Các ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu nhằm cơ cấu lại khoản nợ của doanh nghiệp phát hành, đồng thời phải có biện pháp giám sát sau cho vay, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Theo số liệu của Ủy ban chứng khoán và các thành viên thị trường, trong nửa đầu năm đã có khoảng 3 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, trong đó ngân hàng và bất động sản là hai chủ thể chính. Cuộc đua phát hành trái phiếu được đẩy nhanh không chỉ gia tăng về quy mô, mà mức lãi suất cũng lên cao đột biến.

Trong khi phát hành trái phiếu của các nhà băng chỉ dao động quanh 7-8%, thì trái phiếu những doanh nghiệp bất động sản chào lãi suất 11-13%, cá biệt có những đợt phát hành gần 14,5%. Phần lớn được thực hiện bằng hình thức riêng lẻ, không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo.

Giá trị chứng khoán nợ đầu tư của các ngân hàng (chủ yếu là trái phiếu và một số loại hình khác). (Ảnh theo NDH)

Theo thống kê của Người Đồng Hành với 23 ngân hàng trên thị trường, xét trên chỉ tiêu chứng khoán nợ đầu tư do các TCKT phát hành (gồm doanh nghiệp không bao gồm TCTD, hợp tác xã và một số loại hình khác) tại thời điểm 30/6, 5 đơn vị ghi nhận giá trị trên 10.000 tỷ đồng. 

Techcombank là ngân hàng sở hữu giá trị chứng khoán nợ của TCKT phát hành lớn nhất gần 60.000 tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm trước, chiếm 60% tổng giá trị chứng khoán nợ đầu tư. Trong đó, chứng khoán nợ do TCKT trong nước phát hành sẵn sàng để bán gần 45.500 tỷ đồng và nắm giữ đến ngày đáo hạn hơn 14.500 tỷ đồng.

Techcombank hoạt động trong lĩnh vực bảo lãnh, phát hành đầu tư trái phiếu thông qua công ty con Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) với 81,7% thị phần giao dịch trái phiếu tại HoSE, theo giới thiệu của đơn vị này. TCBS hiện chào bán cho nhà đầu tư nhiều loại trái phiếu doanh nghiệp với kỳ hạn 3 tháng đến 1 năm của nhiều tổ chức, tập đoàn. Bên cạnh các doanh nghiệp lớn đã “quen mặt” trên sàn như Vingroup, Vinhomes... nhiều đơn vị chưa niêm yết cũng được TCBS đầu tư và phân phối trái phiếu. Thông tin về các doanh nghiệp này được công bố giới thiệu đơn giản chỉ với tên và loại trái phiếu, đi kèm lãi suất. 

Xếp thứ 2 trên thị trường cũng là một ngân hàng tư nhân là SHB với 24.000 tỷ đồng chứng khoán nợ đầu tư, phát hành bởi các TCKT. Con số này tăng 10% so với đầu năm, chiếm một nửa trong cơ cấu chứng khoán nợ, chủ yếu dưới dạng chứng khoán nợ sẵn sàng để bán gần 16.500 tỷ đồng.

2 vị trí tiếp theo thuộc về ngân hàng quốc doanh là BIDV và VietinBank. BIDV có 22.600 tỷ đồng chứng khoán nợ từ các TCKT, giảm 6% so với cuối năm trước, chiếm tỷ trọng gần 16%. Trong đó, phân loại sẵn sàng để bán hơn 11.000 tỷ đồng, còn lại là giữ đến ngày đáo hạn.

VietinBank ghi nhận gần 18.900 tỷ đồng chứng khoán nợ đầu tư là trái phiếu do các TCKT trong nước phát hành sẵn sàng để bán, giảm 16% so với cuối 2018, chiếm 20% giá trị chứng khoán nợ đầu tư. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng đầu tư 26.853 tỷ đồng trái phiếu do các TCTD trong nước phát hành và còn hơn 16.000 tỷ đồng chứng khoán đầu tư chưa được phân loại ở mục đầu tư giữ đến ngày đáo hạn.

Xếp thứ 5 trong danh sách sở hữu chứng khoán nợ đầu tư của TCKT là MB, giá trị khoản này tăng 76% trong nửa đầu năm, cao nhất trong số các nhà băng, ở mức hơn 15.000 tỷ đồng. Trong đó, loại sẵn sàng để bán là gần 11.950 tỷ đồng, gấp đôi cuối năm 2018. Trái phiếu đầu tư giữ đến ngày đáo hạn của TCKT tăng nhẹ lên 3.067 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, MB cũng tham gia vào thị trường đầu tư bảo lãnh, phân phối trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng này cung cấp sản phẩm trái phiếu G-Bond từ một số doanh nghiệp như HN Golf, Điện Mặt Trời Trung Nam, Becamex IDC... Bên cạnh đó, Chứng khoán MB, công ty con do MB nắm gần 80% vốn cũng cung cấp sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp A-Bond, Mbond...

Phía cuối danh sách, một số ngân hàng cũng ghi nhận chứng khoán nợ đầu tư do TCKT phát hành gồm VPBank với 8.746 tỷ đồng, Vietcombank hơn 7.061 tỷ đồng, TPBank hơn 6.360 tỷ đồng, HDBank 5.700 tỷ đồng... Khoản này chiếm tỷ trọng dao động 4-17% giá trị khoản chứng khoán nợ đầu tư của các nhà băng này. 

Ngoài ra, 2 ngân hàng không phân loại khoản đầu tư trong danh mục chứng khoán nợ gồm ABBank với giá trị 14.261 tỷ đồng, EximBank hơn 11.373 tỷ đồng... 

Một số ngân hàng khác không ghi nhận đầu tư chứng khoán nợ do TCKT phát hành có thể điểm tới như ACB, Bắc Á, Sacombank, VietBank. 

Theo các chuyên gia, lý do khiến các công ty bất động sản đẩy mạnh kênh trái phiếu "tín chấp" là quy định phát hành được "nới lỏng" hơn trước (phát hành riêng lẻ) và việc siết vốn kênh tín dụng khiến các công ty phải tìm nguồn thay thế. Tuy nhiên, việc "tăng nóng" cũng được nhận định tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi mức độ minh bạch và việc xếp hạng tín nhiệm vẫn chưa rõ ràng.

Một số chuyên gia kinh tế cũng nêu nghi ngại bởi "chi phí vốn đầu vào quá cao đòi hỏi doanh nghiệp phải tạo ra một tỷ suất sinh lời cao hơn", nhưng thực hiện điều này trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay rất khó.

PV (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến