Nỗi niềm ngày Tết
Sáng mùng 1 Tết, nhiều gia đình quanh xóm tôi dậy thật sớm để mở cửa đón xuân, rước lộc vào nhà. Thanh niên trong làng cả đêm qua đi chúc tết hết nhà này sang nhà khác, rạng sáng mới rã cuộc vui để trở về nhà trong những bước chân loạng choạng và chếnh choáng men say.
Tiết trời mùng 1 chiều lòng người quá đỗi, thời tiết ấm hơn, sáng sớm những giọt mưa xuân lất phất rơi nhẹ bên thềm nhà.
Tết là dịp thiêng liêng và cũng là dịp để hoài niệm (Ảnh: Internet)
Tiếng nhạc rộn ràng khắp xóm, những bài hát về mùa xuân, về tình yêu quê hương đất nước được mở rộn rã bởi người ta tin rằng, Tết là niềm vui, sự đủ đầy, no ấm, là những ước vọng tươi đẹp và mới mẻ ở năm mới.
Thế nhưng, lẫn trong những tiếng nhạc tươi vui, tôi vẫn nghe đâu đó vang lên một bài hát về mùa xuân với giai điệu đầ tự sự:
“Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa
Em đứng chờ tôi trước song thưa
Tôi đi qua đầu ngõ
Hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa…”
Ngày hôm nay, hẳn nhiều người cũng đang mang tâm trạng hoài niệm đúng như tinh thần của bài hát “Đón xuân này nhớ xuân xưa” của nhạc sĩ Châu Kì. Có lẽ, trong thời khắc thiêng liêng và quan trọng nhất của năm, lại là lúc người ta hoài niệm và mường tượng nhiều về những vàng son ngày cũ.
Trên những trang mạng xã hội, không chỉ có những lời chúc tụng, những hình ảnh pháo hoa rợp trời, mà còn có những dòng chia sẻ đầy cảm xúc “Tết năm này lại nhớ Tết năm xưa”.
Một cô gái mới lấy chồng xa, ăn cái Tết đầu tiên ở nhà chồng đang bày tỏ nỗi lòng:
“Tết năm nay không còn giống với 23 cái Tết đã qua nữa. Trước đây, mỗi dịp Tết đã có bố mẹ lo mọi thứ, mình chỉ việc sắm sửa, làm đẹp và phụ giúp việc nhà thì nay, mình phải tự đảm đang từ đầu tới cuối. Nhớ lắm cái hình ảnh của mẹ dậy thật sớm đồ xôi, luộc gà, lúi húi chuẩn bị đồ cúng, bố thì ăn mặc chỉnh tề đứng trước bàn thờ gia tiên đọc bài cúng dài lê thê mình chẳng thể nào hiểu nổi.
Nhớ cả cái không khí đầm ấm, vui vẻ khi cả nhà đông đúc quây quần bên nhau ăn bữa cơm đầu năm mới… Năm nay, có lẽ, Tết thì vẫn đủ đầy hương vị, chỉ còn thiếu mỗi một người là tôi thôi”.
“Cái Tết ấm áp nhất, ý nghĩa nhất là có đầy đủ các thành viên trong gia đình đúng không bố? Những ngày này, khắp mọi nơi đều có không khí tết rộn ràng, nhưng lòng con thì trĩu nặng nỗi nhớ bố. Tết năm ngoái, dù trở về từ bệnh viện, bố vẫn cố gắng để cùng còn đón giao thừa, vẫn gói được bánh chưng, vẫn dặn dò các con những lời yêu thương trong ngày đầu năm mới.
Con ước gì, thời gian có thể quay lại những thời khắc đó, để con lại được nghe tiếng cười, giọng nói và cử chỉ ân cần của bố. Vắng hình bóng bố, Tết không còn là Tết nữa bố ơi”, dòng chia sẻ đầy xúc động của bạn Vi Liên (Thanh Hóa) về nỗi nhớ với kỉ niệm Tết với người bố yêu thương.
Tết sẽ không nhạt phai…
Cuộc sống ngày càng hiện đại kéo theo nhiều giá trị văn hóa truyền thống thay đổi, trong đó có Tết nguyên đán. Tết trong văn hóa của người Việt vẫn mang ý nghĩa cốt lõi là sự sum vầy, đoàn viên, hướng về cội nguồn, thế nhưng, nhiều người cảm nhận hương vị của Tết đang ngày một nhạt phai.
Khung cảnh Tết xưa (Ảnh: Internet)
Trước đây, khi nói đến Tết là nghĩ đến được ăn ngon, mặc đẹp và vui chơi. Người ta có thể làm lụng quanh năm, dành dụm chỉ để chờ đến Tết.
Thời buổi kinh tế đất nước còn nghèo, cuộc sống người dân còn nhiều thiếu thốn, khi Tết đến, dù ai sang giàu hay nghèo khó cũng phải cố gắng chạy vạy để ngày 30 Tết có thịt treo trong nhà.
“Người già thì mừng vì được có bát canh, còn trẻ nhỏ thì mừng vì có manh áo mới”, bà tôi vẫn thường ví von như thế mỗi khi nói về niềm vui ngày Tết.
Ngày đó, đời sống giải trí cũng giản đơn hơn bây giờ, không xe cộ rầm rộ, có ti vi, không điện thoại smartphone, càng không internet, vì thế, mỗi dịp Tết đến xuân về, những trò chơi dân gian được ưa chuộng, tập thể quây quần bên nhau, tình làng nghĩa xóm được gắn kết hơn bao giờ.
Bây giờ thì khác xưa rồi, người dân quanh năm đã được ăn no, mặc ấm, và khi cuộc sống ngày càng hiện đại với các thiết bị giải trí tân tiến thì không ai còn ngó ngàng đến những trò chơi dân gian xưa cũ, càng không có ai mong đến Tết để được ăn ngon, mặc đẹp và vui chơi thỏa thích nữa.
Mặc dù, Tết vẫn đủ đầy: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” thì Tết đang mất dần vị thế được “trọng vọng” trước nhịp sống vội vã của thời đại 4.0. Chính vì thế, nhiều người cảm thấy “Tết nay đã còn vui như Tết xưa”.
“Hãy trân trọng những gì ta đang có, đừng để mất rồi mới đi tìm”, một câu nói quen thuộc chúng ta thường nói với nhau như thế. Tết nay vẫn sẽ đầy ý nghĩa với nhiều người biết cách tạo niềm vui, thay vì hoài niệm quá khứ, chúng ta dành Tết và khoảng thời gian quý giá cho gia đình và những người yêu thương. Đôi khi, niềm vui ở trong những điều giản dị mà ta lại mải mê kiếm tìm những điều xa xôi.
Tết xưa và Tết nay dù có nhiều thay đổi nhưng giá trị về gia đình, tình yêu thương và sự gắn kết nghĩa tình thì vẫn luôn còn mãi trong tim mỗi người và đó là điều làm nên ý nghĩa của Tết.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy