Dòng sự kiện:
Thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ
17/05/2018 07:27:43
Với chính sách dĩ bất biến ứng vạn biến, NHNN có thể ứng phó hiệu quả hơn đối với diễn biến thị trường thế giới.

CSTT hỗ trợ tích cực ổn định kinh tế vĩ mô

Điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN đã đạt được những thành công nhất định trong việc thiết lập nền tảng vững chắc của hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, kinh tế tăng trưởng ổn định, các cân đối kinh tế vĩ mô được giữ vững, vị thế Việt Nam dần được nâng cao thời gian qua. Ngày 14/5, Fitch Ratings quyết định nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB”, với triển vọng ổn định. Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đối với điều hành CSTT của NHNN trong ít nhất 3 năm trở lại đây.

Tỷ giá cũng là một trong những điểm rất tích cực trong điều hành CSTT. Tuy thời gian qua, tỷ giá các nước biến động khá mạnh nhưng với cơ chế tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT, tỷ giá đã được duy trì sự ổn định, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Nhờ vậy NHNN liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay lên tới hơn 63 tỷ USD.

“NHNN xử lý rất tốt thể hiện rõ thông qua việc phải đưa lượng tiền mặt ra lưu thông mua ngoại tệ nhưng đã kịp thời sử dụng các công cụ tiền tệ để trung hòa hợp lý cung tiền, góp phần ổn định lạm phát, lãi suất và tỷ giá…” - một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận xét và khẳng định thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, lạm phát được kiểm soát là những yếu tố rất quan trọng giúp neo vững kỳ vọng lạm phát, củng cố niềm tin của nền kinh tế và giới đầu tư vào đồng Việt Nam, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong điều hành CSTT của NHNN, nhưng với diễn biến phức tạp từ kinh tế trong và ngoài nước, một số chuyên gia cũng cho rằng, trong điều hành CSTT cần tập trung kiểm soát lạm phát, cơ cấu tín dụng hợp lý, ưu tiên tín dụng nông nghiệp, công nghiệp hóa. Sự cảnh giác đó thể hiện rõ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2018, Chính phủ đã yêu cầu NHNN điều hành thận trọng, linh hoạt CSTT, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Vụ trưởng Vụ CSTT, NHNN ông Phạm Thanh Hà cũng thừa nhận, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, điều hành CSTT còn nhiều gian nan khi có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến việc ổn định lạm phát theo mục tiêu 4% như: giá hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá dầu mỏ có rủi ro gia tăng; lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý tiếp tục được triển khai; thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh tạo hiệu ứng kích thích chi tiêu do giá tài sản tăng và kỳ vọng lạc quan về triển vọng kinh tế dưới tác động của các hiệp định FTA... Ngoài ra, CSTT thận trọng của các NHTW lớn cộng hưởng với diễn biến phức tạp của đồng USD cũng là các yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng lớn đến hiệu lực và hiệu quả điều hành CSTT trong năm 2018.

Hóa giải thách thức

TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến cáo: NHNN cần phải duy trì ổn định lạm phát cơ bản và phòng ngừa các yếu tố lạm phát chi phí đẩy từ bên trong và bên ngoài. Ở bên ngoài sự gia tăng nhanh của giá dầu nhất là nhiều nhận định khả năng cuộc khủng hoảng tại hai nước ảnh hưởng lớn đến dầu mỏ là Iran và Syria sẽ kéo dài. Còn từ bên trong áp lực không kém. Dòng vốn vào tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ thu hút vốn FDI, FII, cộng hưởng việc bán vốn nhà nước diễn ra thuận lợi… giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối nhưng mặt khác gây áp lực cho NHNN trong việc trung hòa có hiệu quả lượng tiền mặt đưa ra lưu thông để đảm bảo không kích hoạt rủi ro lạm phát.

Để xử lý và hóa giải các áp lực và rủi ro đó, theo ông Hà cần bám sát diễn biến lạm phát để tăng cường sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tài khóa - tiền tệ - quản lý giá để kiểm soát lạm phát 4% theo mục tiêu đặt ra. Từ đó tạo nền tảng vững chắc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến lạm phát và thị trường tiền tệ. Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, thị trường ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, NHNN kiên trì điều hành công cụ CSTT, hỗ trợ TCTD có điều kiện để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt tỉ giá trung tâm trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong, ngoài nước và mục tiêu CSTT, ổn định thị trường ngoại tệ, từ đó tạo điều kiện để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi thị trường thuận lợi.

“Với chính sách dĩ bất biến ứng vạn biến, NHNN có thể ứng phó hiệu quả hơn đối với diễn biến thị trường thế giới. Nhưng thực tế khủng hoảng Iran rất đáng sợ làm giá dầu tăng lên dẫn đến tình trạng lạm phát chi phí đẩy. Trong trường hợp nếu Mỹ thực hiện cấm vận đối với nước này thì giá dầu sẽ tăng rất mạnh, kéo theo chi phí đẩy toàn cầu tăng. Việt Nam là nước nhập khẩu lớn trong tỷ trọng GDP, nên điều này chắc chắn tác động mạnh chi phí kinh doanh của DN, giá thành sản phẩm… Vì vậy, hết sức cảnh giác đối với lạm phát chi phí đẩy”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh thêm.

Theo TBNH

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến