Dòng sự kiện:
Thanh Hóa lập thành trì bảo vệ các khu công nghiệp - xương sống nền kinh tế
11/07/2021 06:21:03
Trước làn sóng COVID-19 mới đang bùng phát trên cả nước, tỉnh Thanh Hóa nhận định, bằng mọi giá phải bảo vệ các khu công nghiệp – 'xương sống' của nền kinh tế.

Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 400 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 96.000 lao động. Với số lượng công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đông, tiềm ẩn rất lớn nguy cơ bùng phát dịch COVID-19.

Rút kinh nghiệm từ các khu công nghiệp ở Bắc Ninh và Bắc Giang, tỉnh Thanh Hóa quyết tâm không để dịch lan vào các khu công nghiệp. Lập thành trì chống dịch, LĐLĐ tỉnh phối hợp với công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đã thành lập "Tổ an toàn COVID-19" ở tất cả các công đoàn cơ sở trực thuộc trong doanh nghiệp, tại khu nhà trọ và xe ô tô chuyên chở công nhân lao động (CNLĐ) trên địa bàn tỉnh.

Công nhân tại khu công nghiệp ở Thanh Hóa khử khuẩn trước khi vào làm việc

Tại Công ty TNHH giày ALERON ở Khu công nghiệp Hoàng Long có gần 11.000 lao động, đã thành lập 10 Tổ an toàn COVID-19. Bà Vũ Thị Mai Loan, Chủ tịch Công đoàn Công ty này, cho biết: Bắt đầu vào công ty, tổ an toàn COVID hỗ trợ công ty giám sát đo thân nhiệt cho người lao động. Trong quá trình làm việc, đôi khi công nhân quên việc phòng, chống dịch thì tổ an toàn COVID thường xuyên quan sát, nhắc nhở và đôn đốc cũng như hỗ trợ họ để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.

"Khi đi vào hoạt động, tổ an toàn COVID của công ty hoạt động hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho công ty trong công tác giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch. Nhờ đó, ý thức của công nhân lao động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày càng được nâng cao", bà Loan nói.

Các tổ an toàn COVID-19 có nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt, giám sát sức khỏe người lao động

Thanh Hóa cũng là địa phương đầu tiên thực hiện mô hình Tổ an toàn COVID ở khu trọ và trên xe đưa đón công nhân. Là thành viên tích cực của Tổ an toàn COVID ở công ty, và ở xóm trọ, chị Vũ Thanh Tâm, công nhân công ty Vicenza chia sẻ:

"Khi dịch bùng phát ở các khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang khiến chúng tôi cũng lo lắng. Tuy nhiên, nhờ các cấp ngành ở Thanh Hóa kiểm soát tốt dịch nên chúng tôi không bị ảnh hưởng về công việc cũng như thu nhập. Khi có chủ trương thành lập Tổ an toàn COVID thì ai cũng nhiệt liệt đồng ý và phối hợp”, chị Tâm nói.

Ông Ngô Thế Anh, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đến thời điểm này các thành viên Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp có 259 tổ an toàn COVID-19 và 1.136 thành viên.


Công đoàn khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp phối hợp công an các phường đến từng xóm trọ đông công nhân vận động thành lập các tổ an toàn COVID

Các tổ có nhiệm vụ nhắc nhở người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc. Giám sát về tình hình sức khỏe hàng với mọi người trong đơn vị, tại khu nhà trọ và trên xe đưa, đón công nhân lao động (ghi nhật ký sức khỏe). Phát hiện nhắc nhở, kiến nghị người có trách nhiệm xử lý các trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch.

Đồng thời, báo cáo kịp thời cho lãnh đạo quản lý, công đoàn cơ sở và bộ phận y tế của đơn vị khi phát hiện các trường hợp CNLĐ có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm kịp thời. Đối với "Tổ an toàn COVID-19" tại khu nhà trọ thì báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

"Việc thành lập và hoạt động hiệu quả của các "Tổ an toàn COVID-19" trở thành "lá chắn" an toàn bảo vệ công nhân, duy trì và đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh", ông khẳng định.

Tăng trưởng ấn tượng trong đại dịch

Nhìn chung tại tỉnh Thanh Hóa, 2 năm qua, nhờ công tác kiểm soát tốt đại dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng cao.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại BamBoo Vina tại huyện Hà Trung, Thanh Hóa cho biết, doanh nghiệp của ông đã tìm được cơ hội phát triển, biến nguy thành cơ hội tăng trưởng trong đại dịch COVID-19. Doanh nghiệp này chuyên sản xuất đồ nội thất, đồ gia dụng từ sản phẩm tre, luồng. Thời điểm chưa có dịch xuất hiện, doanh thu đạt khoảng 4-5 tỷ đồng/năm.

Doanh nghiệp vẫn tăng trưởng bất chấp đại dịch, tạo thu nhập ổn định cho người lao động

"Khi dịch mới bùng phát, chúng tôi đã chuẩn bị các phương án để ứng phó. Trước kia chúng tôi chủ yếu kinh doanh offline thì nay chuyển gần toàn bộ sang hình thức kinh doanh online. Hiện nay công ty đã đăng ký gian hàng trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Thông qua các sàn điện tử, chúng tôi định hướng mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước phương Tây. Hiện nay có nhiều đơn hàng chúng tôi phải tuyển gấp đôi công nhân mới đủ đáp ứng công việc", ông Cường nói, từ sự chuyển đổi trên, doanh nghiệp tăng trưởng mạnh lên tới hơn 200%.

Năm 2020, bất chấp dịch bùng phát, công ty vẫn đạt doanh thu khoảng 20 tỷ đồng, dự kiến 2021 sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Nói về khó khăn giữa đại dịch, ông Cường cho biết, là doanh nghiệp nhỏ anh vẫn khó trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay để sản xuất kinh doanh. Cá nhân ông mong muốn Nhà nước có cơ chế mạnh mẽ và thực chất để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận các gói hỗ trợ vay vốn.

Đối với đại đa số các doanh nghiệp, nhờ chuẩn bị sẵn kịch bản, họ đã tìm được điểm sáng trong khó khăn chung, mang lại bức tranh kinh tế lạc quan cho tỉnh Thanh Hóa. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2021 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 8,66%, cao nhất trong các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 15.878 tỷ đồng, bằng 60% dự toán năm, tăng 5% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước đạt 10.342 tỷ đồng, bằng 63% dự toán, tăng 16,1%. Đến cuối tháng 6, hầu hết các lĩnh vực thu đều đạt trên 50% dự toán và tăng so với cùng kỳ. Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 67.950 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Đây là thành quả của những nỗ lực và các biện pháp hợp lý trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

Năm 2020 với biến cố bất ngờ là sự bùng phát đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, đã ảnh hưởng rất nặng nề đến tăng trưởng kinh tế đất nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh, trong đó bao gồm các gói hỗ trợ về tài khóa, tín dụng, gói hỗ trợ an sinh xã hội…

Nhìn tổng thể về hiệu quả của các chính sách ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ là khác nhau, theo đó có một số chính sách đã phát huy tác dụng tốt, trong khi nhiều chính sách hiệu quả còn rất hạn chế. Một số chính sách hỗ trợ phát huy tác dụng tốt như chính sách tài khóa, nhất là chính sách giảm 15% tiền thuê đất phải nộp năm 2020 theo Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg đã có một diện đối tượng lớn doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được thụ hưởng chính sách; hay các chính sách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Về cơ bản các chính sách hỗ trợ có tác động tích cực, đặc biệt là các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp năm 2020…

Theo Luật sư  Diệp Năng Bình Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, tuy nhiên, để tiếp cận được với việc hỗ trợ này vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, hạn chế. Để cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn với các biện pháp hỗ trợ thì Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động đã hướng đến việc hoàn thiện, đơn giản hơn các thủ tục hành chính. Ví dụ người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc, người sử dụng lao động được vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh với thời gian chỉ 04 ngày.

"Cá nhân tôi nhìn nhận, thời gian qua Đảng và Nhà nước, Chính phủ và các chính quyền địa phương đã làm tốt công tác phòng chống dịch cũng như có những biện pháp hỗ trợ kịp thời đến người dân. Trên cơ sở đánh giá các chính sách ứng phó với dịch COVID-19 vừa qua của Chính phủ, cũng như căn cứ trong bối cảnh nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng tiêu cực, trong khi đó nhu cầu chi tiêu cho công tác phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh lại tăng cao.

Tôi hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp theo. Theo tôi, cần tập trung hỗ trợ người dân và doanh nghiệp những vấn đề thiết thực liên quan thiết thực đến cuộc sống hàng ngày của họ ví dụ người dân được miễn tiền điện, nước, giảm thuế suất thuế GTGT. Riêng đối với các doanh nghiệp thì được miễn giảm các khoản như BHXH, các khoản thuế, các khoản tiền thuê nhà….", Luật sư Bình nói.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến