Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, hậu quả của bão số 4 và mưa lũ đã khiến nhiều địa phương của tỉnh này bị ảnh hưởng nặng nề. Tại TP Thanh Hóa có 10 phường, xã với 2.851 hộ bị ngập lụt, trong đó 1.879 hộ phải di dời do nước lũ dâng cao, vùng ngập lụt nặng nề chủ yếu là xã Thiệu Dương và phường Đông Hải.
Ghi nhận đến ngày 20/8, nước đang dần rút, hầu hết người dân đã từ các nơi sơ tán để trở về nhà dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả mưa lũ để lại. Thế nhưng, cuộc sống hiện tại của người dân vẫn còn phải đối mặt với những nỗi lo khác.
Những ngày mưa và ngập lụt khiến môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm
Trước hết là nguy cơ thiếu nước sạch, tính riêng tại TP Thanh Hóa đã có tới 1.519 giếng nước và công trình cấp nước hộ gia đình, 1.996 công trình vệ sinh hộ gia đình, 601 chuồng gia súc hộ gia đình bị ngập lụt. Điều đó đồng nghĩa với việc các nguồn nước này đang bị nhiễm bẩn.
Tại các địa bàn thấp, trũng bị ngập lụt nghiêm trọng, sau khi nước rút đã để lại bùn, rác thải, xác động vật gây ô nhiễm môi trường... Đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân như: bệnh về đường tiêu hóa, đau mắt, bệnh ngoài da…
Theo số liệu của ngành y tế địa phương, đã có 6 ca bệnh về đường tiêu hóa, 15 ca bệnh về mắt và 36 ca bệnh ngoài da.
Để khắc phục hậu quả và chủ động phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ, ngày 20/8, lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa đã đến xã Thiệu Dương và phường Đông Hải, TP Thanh Hóa, 2 nơi bị ngập lụt nặng nhất để chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường.
Cán bộ Sở Y tế Thanh Hóa kiểm tra nguồn nước tại xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa (Ảnh: Tô Hà)
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa, Trạm Y tế xã Thiệu Dương và phường Đông Hải dự trù hóa chất, trang thiết bị y tế đáp ứng việc vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ, các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác động vật; cử cán bộ bám sát cơ sở cùng với trạm y tế hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế TP phối hợp với các địa phương tiến hành phun thuốc khử trùng nhằm hạn chế dịch bệnh thường gặp dễ bùng phát như: đau mắt đỏ, bệnh về da, tiêu hóa...
Lương Diễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy