Vì sao điểm thi có sự bất nhất giữa 2 lần công bố ?
Kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục mầm non đợt 2 năm 2018 tại huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) có 397 thí sinh tham gia thi, trong đó, chỉ tiêu tuyển dụng là 154 thí sinh. Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng là ông Cầm Bá Xuân, đồng thời cũng là Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân.
Theo phản ánh của các thí sinh tham dự kỳ thi, điểm thi của các thí sinh có sự bất nhất trong 2 bản thông báo kết quả thi do hội đồng thi tuyển của huyện công bố. Theo đó, hàng trăm thí sinh đã có điểm số khác nhau giữa 2 lần công bố này.
Bảng thông báo kết quả điểm thi tuyển viên chức mầm non đợt 2 tại huyện Thường Xuân
Trong đó, có 3 thí sinh điểm thi phỏng vấn cao bất thường ở bản công bố kết quả được thông báo ở lần 2. Điều này làm dấy lên những nghi ngờ trong dư luận về tính minh bạch, công bằng của kỳ thi.
Cụ thể các trường hợp tăng điểm thi phỏng vấn ở lần thông báo thứ 2 gồm: thí sinh Lê Thị Lành (trú xã Luận Thành, huyện Thường Xuân), số báo danh 178. Tại bản thông báo lần 1 ngày 26/7 của huyện, thí sinh này đạt 108 điểm (đã nhân hệ số 2). Tuy nhiên, ở bản thông báo thứ 2 ngày 1/8, điểm của thí sinh này tăng lên 148 điểm (đủ điều kiện tuyển dụng viên chức).
Thí sinh Lê Thị Thu (trú xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân), số báo danh 324, tại bản thông báo kết quả thi phỏng vấn lần 1 vào ngày 26/7 là 110 điểm (đã nhân hệ số 2). Tuy nhiên, trong bản thông báo điểm lần 2 ngày 1/8, điểm số tăng lên thành 150 điểm (đạt điều kiện để được tuyển dụng).
Thí sinh thứ 3 là Cầm Thị Dương (trú xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân), số báo danh 51. Điểm phỏng vấn của thí sinh này ở lần 1 thông báo là 109 điểm (đã nhân hệ số 2), còn ở bản thông báo lần 2 lại tăng lên thành 149 điểm (cũng đủ điều kiện để được tuyển dụng viên chức).
"Lỗi do bộ phận nhập máy"
Trao đổi với PV, ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Thường Xuân cho biết, có trên dưới 100 thí sinh chênh lệch két quả thi giữa 2 lần công bố.
Theo ông Tuấn, nguyên nhân chủ yếu của sự bất nhất này là do các thí sinh đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng khác nhau. Trong khi đó, các trường có cách tính điểm không thống nhất, có trường học niên chế, có trường học tín chỉ.
"Nếu bảng điểm của các trường đại học, cao đẳng tách điểm trung bình học tập, điểm tốt nghiệp thì chúng tôi cộng lại quy đổi thang điểm 100 thì không có gì sai sót. Nhưng có trường chỉ tính trung bình toàn khóa, có cả điểm tốt nghiệp, điểm học tập nên chúng tôi nhân đôi và quy đổi theo thang điểm 100. Tuy nhiên khi ra thông báo kết quả thi thì nhiều thí sinh lại không đồng tình. Họ cho rằng cách tính điểm như thế là không công bằng, yêu cầu xin tách điểm để đảm bảo quyền lợi. Hiện, chúng tôi đang cho rà soát lại toàn bộ, cho các thí sinh về lại trường để tách điểm tính lại để đảm bảo công bằng cho các thí sinh", ông Tuấn cho hay.
Lý giải về việc có 3 thí sinh điểm tăng cao bất thường ở phần thi phỏng vấn, ông Tuấn thông tin, đây là do lỗi khi nhập máy dẫn đến điểm thi của 3 trường hợp có sai sót chứ không phải do sửa điểm. Trong phần thi phỏng vấn, có 2 giám khảo chấm thi, các thí sinh sẽ bốc thăm các câu hỏi. Giám khảo chấm điểm độc lập, điểm của 2 giám khảo này không được chênh nhau quá 10% theo quy định. Sau đó, sẽ cộng điểm lại và chia 2.
"Từ biên bản chấm thi của giám khảo, bộ phận giúp việc khi nhập vào máy thì có sự nhầm lẫn. Ở đây hoàn toàn không có sự khuất tất nào. Khi công bố kết quả thi, có thí sinh đã làm đơn gửi về hội đồng thi đề nghị kiểm tra lại vì họ cho rằng bản thân thi tốt như vậy tại sao điểm lại thấp.
Khi nhận được đơn, Chủ tịch hội đồng thi đã yêu cầu các bộ phận rà soát, đối chiếu lại toàn bộ quy trình thì phát hiện sai sót khi nhập điểm của 3 trường hợp. Chúng tôi nhận khuyết điểm là đã chủ quan ở khâu nhập điểm, từ sự nhầm lẫn này mà tạo nên sự ngờ vực trong dư luận", ông Tuấn phân trần.
Trụ sở UBND huyện Thường Xuân
Sở Nội vụ vào cuộc thanh tra
Ngoài điểm số có sự chênh lệch ở 2 lần ra thông báo, nhiều người còn cho rằng, trong số các thí sinh tham dự kì thi và đạt điểm cao có nhiều người là con cháu của các vị lãnh đạo huyện Thường Xuân.
Ông Lâm Anh Tuấn cho rằng, đây là điều dễ hiểu bởi các lãnh đạo đã ở tuổi cha, tuổi ông, có con cháu đã trưởng thành. Quan trọng không phải là con cháu của ai mà quan trọng là người đó có đủ bằng cấp, trình độ, điều kiện dự thi công bằng hay không. Hơn thế nữa, đây mới chỉ có thông báo điểm thi, vẫn chưa có quyết định tuyển dụng đối tượng nào.
Cũng theo ông Tuấn: "Hiện nay, huyện đang rà soát lại toàn bộ quy trình để đảm bảo chính xác và công bằng cho thí sinh. Sau đó, huyện làm tờ trình xin thẩm định, Sở Nội vụ sẽ thẩm định toàn bộ hồ sơ, bằng cấp, điểm số… xem có chính xác không". Sau đó sẽ trình lên UBND tỉnh đề nghị đồng ý cho huyện Thường Xuân được biên chế viên chức.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh văn phòng UBND huyện Thường Xuân cho biết, trong ngày 21/8, đoàn thanh tra của Sở Nội vụ đã đến huyện Thường Xuân xác minh, kiểm tra lại toàn bộ quy trình tổ chức thi viên chức mầm non của huyện.
"Đoàn thanh tra sẽ làm việc trong 4 ngày, sau đó khi nào có kết quả chính thức chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí", ông Hoàn cho hay.
Theo nghị định 29/2012/NĐ-CP về cách tính điểm thi viên chức quy định: Điều 12. Cách tính điểm 1. Điểm học tập được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn học trong toàn bộ quá trình học tập của người dự xét tuyển ở trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí dự tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1. 2. Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự xét tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1. 3. Trường hợp người dự xét tuyển được đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì điểm học tập đồng thời là điểm tốt nghiệp và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 2. 4. Điểm phỏng vấn hoặc thực hành được tính theo thang điểm 100 và tính hệ số 2. 5. Kết quả xét tuyển là tổng số điểm của điểm học tập, điểm tốt nghiệp, điểm phỏng vấn tính theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 4 Điều này. Trường hợp người dự xét tuyển được đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì kết quả xét tuyển là tổng số điểm được tính tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này. Điều 13. Xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức 1. Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Có điểm học tập, điểm tốt nghiệp và điểm phỏng vấn hoặc thực hành, mỗi loại đạt từ 50 điểm trở lên; b) Có kết quả xét tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm. 2. Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả xét tuyển bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có điểm phỏng vấn hoặc điểm thực hành cao hơn là người trúng tuyển; nếu điểm phỏng vấn hoặc điểm thực hành bằng nhau thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định này. 3. Trường hợp vẫn không xác định được người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên quy định tại Khoản 2 Điều này thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển. 4. Không thực hiện bảo lưu kết quả xét tuyển cho các kỳ xét tuyển lần sau. |
Lương Diễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy