Tin liên quan
Phi cơ Nga tại căn cứ không quân Kant, Kyrgyzstan. Ảnh: RT
Mặc dù can thiệp mạnh mẽ gần đây vào chiến trường Syria hay sáp nhập Crimea đầy quyết liệt hồi năm ngoái, thì sự hiện diện quân sự rõ ràng nhất của Nga lại không nằm ở các lãnh thổ trên, mà là tại Tajikistan.
Moscow hiện duy trì 5.900 binh sĩ ở quốc gia Trung Á trên, và đang lên kế hoạch tăng con số này lên 9.000 vào năm 2020. Tại căn cứ không quân Kant ở Kyrgyzstan, Điện Kremli cũng đang thay mới phi đội máy bay ném bom và trực thăng chiến đấu ở đây.
Chính quyền Putin viện dẫn rằng những động thái “mạnh tay” trên nằm trong kế hoạch ngăn ngừa chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tràn vào Trung Á từ Afghanistan.
Dĩ nhiên là chẳng đơn giản như vậy, nhất là trong bối cảnh Nga đang gặp rất nhiều thách thức từ cả trong lẫn ngoài nước. Giới phân tích quốc tế cho rằng mục đích thật sự trong những bước đi vừa qua của Nga ở Trung Á là để duy trì ảnh hưởng tại đây, vốn đang bị cạnh tranh gay gắt không chỉ từ các quốc gia thù địch phương Tây và Mỹ, mà còn ngay với “đồng minh” Trung Quốc.
Và trong khi Moscow đang cố gắng mở rộng vành đai an ninh càng xa càng tốt, thì nước này lại siết chặt kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới đối với dân nhập cư. Điều khó hiểu nằm ở chỗ các quốc gia có công dân bị kiểm soát chặt chẽ nhất lại là các nước có sự hiện diện của quân đội Nga.
Tháng 1/2015, Nga bắt đầu thắt chặt điều kiện cấp visa đối với dân nhập cư, bên cạnh tăng phí nhập cảnh. Hải quan nước này từ kể từ thời điểm đó đã trục xuất hàng nghìn người nhập cư và liệt hàng trăm nghìn cái tên khác vào danh sách cấm nhập cảnh vào Nga, viện dẫn cáo buộc những người này ở quá thời hạn cấp phép trên visa.
Chưa tính tới vấn đề nhân đạo, thì việc Nga đóng cửa biên giới là một mối nguy rõ ràng về mặt kinh tế đối với các quốc gia Trung Á. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tính trên tỉ lệ GDP, Tajikistan là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào kiều hối trên thế giới. Kyrgyzstan đứng thứ hai, Uzbekistan cũng nằm trong top 10.
Thế bí của Putin
Vậy động cơ thực sự của Điện Kremli là gì? Họ hi vọng sẽ ép buộc được các quốc gia Trung Á gia nhập Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU), vốn được thành lập năm 2014 với 3 quốc gia đồng sáng lập Belarus, Kazakhstan và Nga, chính thức đi vào hoạt động vào ngày 01/01/2015, cùng thời điểm chính sách hạn chế cấp visa mới được áp dụng.
EEU được thành lập sẽ cho phép dòng chảy vốn, hàng hóa hay nhân lực tự do di chuyển trong khối. Công dân của mỗi quốc gia thành viên sẽ được lựa chọn làm việc ở bất cứ nơi nào trong khối mà không cần giấy phép lao động.
Bằng cách thành lập một liên minh kinh tế, Nga rõ ràng đang cố gắng khôi phục ảnh hưởng của mình như dưới thời Liên bang Xô Viết, đồng thời tìm lối thoát khỏi chính sách cấm vận của Mỹ cùng phương Tây.
Và để làm “mồi câu”, Moscow đã đưa khí đốt giá rẻ như một món quà đối với Armenia, hay một gói viện trợ kinh tế 1 tỉ USD đối với Kyrgyzstan - 2 nước lần lượt tham gia EEU vào tháng 1 và tháng 8 năm ngoái.
Ảnh hưởng của Nga tại khu vực Trung Á có gốc rễ từ thời Nga hoàng và sau này là thời Xô Viết. Bởi vậy, không khó hiểu tại sao mối quan hệ giữa Nga và các nước vệ tinh xưa nay khó cân bằng.
Năm 2006, Tổng thống Tajikistan đã nói với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld rằng Tổng thống Nga Putin trước đó đã “hăm dọa” ông ta: “Hoặc bảo vệ lợi ích của Nga tại Tajikistan, hoặc Moscow sẽ tìm người thay thế”.
Thực tế cho thấy đây không chỉ là những lời đe dọa. Năm 2010, Moscow được cho đã đứng sau một chiến dịch “đen”, đẩy cựu Tổng thống Kyrgyzstan Kurmanbek Bakiyev ra đi một cách tức tưởi. Kể từ đó, uy tín và ảnh hưởng của Putin tại Trung Á ngày một lung lay.
Lãnh đạo các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong một cuộc họp ngày 10/7/2015: (T-P) Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev, Tổng tống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov. Ảnh: RIA NOVOSTI
Trong bối cảnh như vậy, người đứng đầu Điện Kremli lại đang không có nhiều công cụ hữu hiệu trong tay khi phải đối mặt với một loạt khó khăn trong nước. Tương tự như Nhật Bản, Nga đang lâm vào một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học tồi tệ với tuổi thọ trung bình và tỉ lệ sinh đều rất thấp, khiến dân số giảm 2,3 triệu người từ năm 2002 tới 2010.
Nhiều chính sách quyết liệt đã được giới chức nước này áp dụng, từ một kế hoạch trị giá hàng tỉ USD năm 2012 nhằm tăng tỉ lệ sinh cũng như việc chấp nhận hàng triệu dân tị nạn Đông Ukraine trong 2 năm 2014-2015 đã giúp thực trạng trên bớt nghiêm trọng phần nào, với dân số tăng hơn 1 triệu người trong 5 năm qua.
Tuy nhiên khi mà những “liều thuốc” trên bắt đầu hết tác dụng, nguy cơ giảm dân số lại một lần nữa khiến các nhà làm chính sách của Moscow đau đầu, khi mà với tốc độ gia tăng ở mức âm như hiện nay, dự báo rằng tới năm 2050, dân số Nga sẽ giảm tới 20%.
Bên cạnh đó, những tham vọng của Putin cũng đang bị thử thách không nhỏ bởi nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng trong nước. Chính sách cấm vận của phương Tây cùng giá dầu lao dốc không hẹn mà gặp, nhấn nền kinh tế Nga chìm trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thời kì hậu Xô Viết. Đồng Rub mất giá không phanh, “bốc hơi” 50% giá trị so với trước khủng hoảng.
Thu nhập của kiều dân các nước Trung Á tại Nga cũng giảm theo. Theo World Bank, kiều hối của Tajikistan đã giảm tới 32% chỉ trong nửa đầu năm 2015 so với cùng kì năm trước.
“Kẻ phá bĩnh” Trung Quốc
Bởi vậy, không quá bất ngờ khi Chính phủ các nước Trung Á đang đẩy mạnh tìm kiếm các đối tác thương mại khác. Trong bối cảnh trên, Trung Quốc xuất hiện không thể đúng lúc hơn với hình tượng của một “mạnh thường quân”.
Mặc dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã và đang chững lại rõ rệt, thì không thể phủ nhận rằng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng phía tây vẫn tăng lên một cách nhanh chóng trong thời gian qua.
Năm 2013, Bắc Kinh bắt đầu thực hiện tham vọng thiết lập Con đường Tơ lụa thứ hai với đại dự án mang tên “Một vành đai, một con đường – One belt, One Road”, nhằm kết nối các nền kinh tế Trung Á tới tận bờ biển phía đông Trung Quốc.
Năm 2014, Trung Quốc vượt qua Nga để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các quốc gia Trung Á, với giá trị giao dịch hai chiều đạt hơn 40 tỉ USD.
Khởi công một đường ống dẫn khí từ Kazakhstan sang Trung Quốc năm 2008. Ảnh: Tân Hoa Xã
Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn hào phóng cho vay ưu đãi hàng tỉ USD đối với các nước trong khu vực, dĩ nhiên đi kèm điều kiện các nước này mở cửa thị trường cho hàng hóa Trung Quốc, đồng thời để các tập đoàn khai khoáng tiếp cận nguồn tài nguyên khổng lồ trong khu vực. Trong một nỗ lực nhằm giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, Bắc Kinh ước tính những đường ống dẫn khí từ Trung Á có thể đáp ứng tới một nửa nhu cầu nội địa trong trung hạn.
Ảnh hưởng của Moscow đi xuống đồng nghĩa với việc các quốc gia Trung Á ngày càng giảm phụ thuộc vào “gã khổng lồ” phương Bắc. Năm 2012, Uzbekistan đơn phương rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), một liên minh quân sự được Moscow lập ra năm 2002 với tham vọng giữ các nước thuộc Liên bang Xô Viết trước đây (SNG) nằm trong tầm ảnh hưởng của mình. Quốc gia Trung Á đồng thời rút luôn giấy phép hoạt động của quân đội Nga ở căn cứ không quân Karshi – Khanabad.
Đối với EEU, tới giờ chỉ mới có Kazakhstan và Kyrgyzstan gia nhập tổ chức kinh tế này, mặc cho áp lực không nhỏ của Nga đối với các quốc gia còn lại. Uzbekistan và Turkmenistan sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng khổng lồ, bởi vậy những “mồi câu” của Moscow khó có thể hấp dẫn hai quốc gia trên. Trong khi đó, Tajikistan trước giờ vẫn tỏ thái độ không mấy mặn mà đối với EEU.
Nói tóm lại, mặc dù không được đề cập dày đặc như Trung Đông, khu vực Trung Á chưa bao giờ bớt đi tầm quan trọng đối với Moscow cũng như Putin. Trong bối cảnh ảnh hưởng của Nga đang dần phai nhạt trong khu vực này, người đàn ông quyền lực nhất thế giới năm 2015 (theo Forbes) sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới nếu muốn đưa Trung Á trở lại vùng không gian truyền thống của mình, trong khi vẫn phải đối mặt với những vấn đề không-có-lời-giải trong nước.
Nghi Điền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy