Dòng sự kiện:
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp liệu có còn sôi động?
27/02/2021 09:03:20
Theo các chuyên gia, về dài hạn, tiềm năng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn rất lớn, tỷ lệ thuận với nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hàng loạt các quy định mới liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ quý 4/2020 và đầu năm 2021 có thể khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp “co lại” trong ngắn hạn.

Tuy vậy, về dài hạn, tiềm năng phát triển thị trường này vẫn còn rất lớn, tỷ lệ thuận với nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp.

Áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong năm 2020, khối lượng phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước tăng 29% so với năm 2019 đạt khoảng 430.000 tỷ đồng; trong đó, phát hành riêng lẻ chiếm 93,4% tổng khối lượng phát hành, tăng 30,4% so với năm 2019; phát hành ra công chúng tăng 33% so với năm 2019.

Tính trong giai đoạn 2017-2020, tốc độ tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt bình quân 48%/năm.

Tuy vậy, sau khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 9/2020, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã giảm tới 17% so với cùng kỳ năm trước.

Bước sang năm 2021, cùng với hiệu lực thi hành của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, phát hành trái phiếu doanh nghiệp áp dụng hàng loạt điểm mới trong Nghị định 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (trong đó có quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng) và Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Các chuyên gia cho rằng, các quy định mới này đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý về phát trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch hơn, làm rõ điều kiện cũng như trách nhiệm các thành viên tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp…

Tuy vậy, thị trường vẫn cần thời gian để “hấp thụ,” thích nghi các quy định mới nên việc điều chỉnh giảm trong ngắn hạn là khó tránh khỏi.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển chậm lại trong thời gian gần đây là bước chuyển của thị trường trước các quy định mới.

Với quy định mới, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ chỉ được phân phối cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp muốn tiếp cận nhà đầu tư cá nhân phải phát hành trái phiếu ra công chúng với các yêu cầu siết chặt hơn về vấn đề công bố thông tin, khối lượng, tần suất phát hành…

Điều này sẽ giúp bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, đảm bảo thị trường phát triển chuyên nghiệp, minh bạch hơn. Do vậy, với cơ cấu phát hành riêng lẻ chiếm đến 93% trong năm 2020 thì các quy định mới có khả năng khiến thị trường có sự điều chỉnh nhất định, song mức độ cụ thể như thế nào vẫn cần thêm thời gian để xác định rõ xu hướng.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cũng cho biết, với hàng loạt các quy định mới, khung pháp lý mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được hoàn thiện, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu.

Do đó, trong thời gian tới thị trường được kỳ vọng sẽ phát triển đồng bộ hơn và có sự dịch chuyển từ phát hành trái phiếu riêng lẻ sang phát hành ra công chúng ở các doanh nghiệp.

Còn nhiều triển vọng trong dài hạn

Trong một báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, với bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định được duy trì, trong đó tăng trưởng kinh tế được dự báo ở mức khả quan, thì nhu cầu huy động vốn là thiết yếu đối với các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Theo VCBS, trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách linh hoạt với định hướng trong việc đẩy mạnh sự chuyển dịch sang cơ cấu tín dụng bền vững, giữ tỷ trọng vừa phải với khu vực cho vay bất động sản.

Bối cảnh lãi suất được kỳ vọng tiếp tục giảm và sau đó duy trì ở mặt bằng thấp là động lực cho doanh nghiệp tái cấu trúc vốn, tận dụng huy động trái phiếu doanh nghiệp.

Thị trường đã chứng kiến số lượng doanh nghiệp cùng số đợt phát hành tăng nhanh trong năm 2020. Đây là cơ sở để kỳ vọng trái phiếu doanh nghiệp là vẫn kênh huy động vốn đựợc nhiều doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn trong thời gian tới.

“Xem xét một cách tổng thể hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ vẫn đựợc các tổ chức phát hành và các tổ chức ưu tiên lựa chọn. Tuy vậy, với việc cần thời gian để thích nghi với các điều kiện pháp lý, khối lượng phát hành sẽ có xu hướng suy giảm so với cùng kỳ ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2021,” các chuyên gia của VCBS nhận định.

Về mặt dài hạn, trong một báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành đầu tháng 2/2021, Công ty cổ phần Fiin Group cho rằng, kênh huy động qua trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ phát triển mạnh và quy mô sẽ sớm tiệm cận với quy mô thị trường cổ phiếu.

Tuy nhiên, riêng trong năm 2021, quy mô phát hành mới sẽ không lớn như năm 2020 do hoạt động phát hành riêng lẻ sẽ giảm đi và hình thức chào bán ra công chúng sẽ tăng lên đáng kể. Lý do nằm ở cả phía cung và phía cầu của thị trường này.

Theo Fiin Group, ở góc độ cung, nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là rất lớn trong khi năng lực đáp ứng vốn trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại vốn dĩ không đủ.

Thêm vào đó, chủ trương chung của các cơ quan quản lý vẫn là ưu tiên kênh vốn trung và dài hạn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp và huy động trên thị trường cổ phiếu.

Thêm vào đó, số liệu chỉ ra rằng, rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chịu tác động của đại dịch COVID-19, làm ảnh hưởng tạm thời đến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Do đó, nhu cầu tái cấu trúc kỳ hạn nguồn vốn nợ vay theo hướng dài hạn hơn để phù hợp với dòng tiền kỳ vọng từ kinh doanh là rất lớn. Điều này đặc biệt cần thiết với các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp và khó có khả năng được ngân hàng gia hạn hay tăng hạn mức tín dụng trong bối cảnh hiện nay.

Ở góc độ cầu, nhu cầu đầu tư và sở hữu trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng lên trong môi trường lãi suất ở mức thấp kỷ lục và được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong vài năm tới đây.

Tuy nhiên, các quy định mới như giới hạn người mua trái phiếu riêng lẻ là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ làm thay đổi đáng kể khả năng hấp thụ nguồn cung trái phiếu đó trong năm 2021.

Quan sát sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những năm gần đây cho thấy có nhiều tín hiệu khả quan và tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời tới.

Vấn đề quan trọng là cần cân đối bên cung và cầu trong quá trình phát triển, nhất là phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp với sự tham gia của các quỹ đầu tư tương hỗ, quỹ hưu trí khu vực tư… Đồng thời, xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp năng động và áp dụng chấm điểm tín dụng để gần hơn với thông lệ quốc tế./.

Tác giả: H.Chung

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến