Dòng sự kiện:
Thống đốc NHNN thừa nhận quá trình xử lý các nhà băng yếu kém có chậm
02/11/2018 10:08:41
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng thừa nhận quá trình xử lý các nhà băng yếu kém có chậm, nguyên nhân là do trong quá trình định giá lại các ngân hàng này, gồm việc đàm phán lần cuối với các nhà đầu tư cần thời gian.

Trong phiên chất vấn sáng nay ngày 1/11 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp tục có câu trả lời chất vất của đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa Vũng Tàu) về vấn về xử lý ngân hàng yếu kém, gắn với xử lý nợ xấu chưa đạt yêu cầu. 

Thống đốc cho biết, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 15/1 và các cơ sở của quy định pháp luật, NHNN đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và Chính phủ, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương, phương án, định hướng xử lý các ngân hàng yếu kém.

Thừa nhận quá trình xử lý các nhà băng yếu kém có chậm, Thống đốc lý giải, nguyên nhân là do trong quá trình định giá lại các ngân hàng này, gồm việc đàm phán lần cuối với các nhà đầu tư cần thời gian.

Trên cơ sở cam kết của nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện báo cáo chi tiết phương án cơ cấu lại ngân hàng yếu kém.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng 

Về xử lý nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, đã làm rất quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực.

Sau hơn một năm sơ kết thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, hiện đã xử lý được 140.000 tỷ đồng nợ xấu tại các ngân hàng, trong đó Công ty quản lý tài sản VAMC xử lý được 95.000 tỷ đồng nợ xấu mua từ các nhà băng.

Tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn nợ xấu năm 2016 là 10,08%; đến cuối năm 2017 là 7,7% và hết tháng 6/2018 đã giảm xuống khoảng 6,7%, nợ xấu nội bảng là 2,09%.

“Kết quả là rất tích cực, nhưng vừa rồi sơ kết quá trình thực hiện Nghị quyết 42 cũng cho thấy một số tồn tại, khó khăn, hạn chế liên quan đến các bộ ngành và một số địa phương”, Thống đốc nói và cho biết đã có báo cáo chi tiết tới Thủ tướng để tới đây phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các địa phương, tòa án nhân dân các cấp... để triển khai quyết liệt hơn nữa.

“Tiến trình xử lý nợ xấu sẽ đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới”, ông Hưng nhấn mạnh.

Về chất vấn của Đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) về Thông tư 19 (Hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc), Thống đốc cho biết do có nhiều nội dung liên quan nên sẽ gửi văn bản trả lời chi tiết. Tuy nhiên, Thống đốc cũng có lời giải thích tổng quát.

Cụ thể, sau khi ban hành Thông tư 19 về thanh toán biên mậu và có một số ý kiến, NHNN đã báo cáo giải trình đầy đủ đến các cơ quan có thẩm quyền. "Chúng tôi khẳng định thông tư 19 được ban hành tuân thủ đầy đủ quy định Hiến pháp của Pháp luật đặc biệt luật NHNN và pháp lệnh ngoại hối", người đứng đầu ngành ngân hàng nhấn mạnh. 

Thống đốc giải thích, Hiến pháp quy định đồng tiền Việt Nam và pháp lệnh ngoại hối cụ thể hóa quy định trên lãnh thổ Việt Nam thì sử dụng VNĐ. Nhưng pháp lệnh ngoại hối cũng có quy định cho phép sử dụng ngoại tệ trong một số giao dịch. 

Trên thực tế, bất kỳ quốc gia nào cũng có mỗi quan hệ kinh tế thương mại với các nước trên thế giới và trong các mối quan hệ kinh tế đó thì hoạt động thanh toán chuyển tiền trong các giao dịch vãng lai, đầu tư thì phải có quy định về đồng tiền thanh toán.  

Và tại điều 26 Pháp lệnh ngoại hối cho phép sử dụng đồng tiền của nước có chung đường biên giới thực hiện theo Điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam đã tham gia ký kết. 

"Chúng ta đã ký kết hiệp định thương mại biên giới với 3 nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia. Chúng ta đã có luật quản lý ngoại thương. Trên cơ sở quy định như vậy, chúng ta ban hành những quy định về cho phép các đồng tiền thanh toán trong giao dịch thương mại đầu tư là hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật", Thống đốc NHNN nhấn mạnh. 

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến