Tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ về tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch COVID-19.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ về tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022
Cùng dự có Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành, Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành địa phương.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 7 và 7 tháng qua có nhiều biến động mà chưa thể dự báo, có những việc chưa có tiền lệ; trên thế giới, cạnh tranh chiến lược diễn biến gay gắt, xung đột Nga - Ukraine sẽ chấm dứt nhưng chưa biết lúc nào; áp lực giá cả như dầu, mặt hàng chiến lược, thiên tai, lũ lụt khốc liệt; trong nước, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở nền kinh tế lớn, khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài còn hạn chế.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đạt kết quả hết sức tích cực: kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, chuỗi cung ứng lao động phục hồi nhanh; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại được thúc đẩy…
Các đại biểu dự phiên họp thường kỳ của Chính phủ
Thủ tướng nêu rõ, những khó khăn, hạn chế như áp lực, nguy cơ lạm phát hiện hữu; giá cả các mặt hàng chiến lược còn biến động; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; một số nội dung trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm. Thủ tướng yêu cầu, phân tích kỹ những kết quả trên, làm rõ nguyên nhân, những điểm chưa được, nhất là nguyên nhân chủ quan để có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tình hình, rút ra bài học kinh nghiệm trong điều hành 7 tháng qua.
Về nhiệm vụ tháng 8 và các tháng tiếp theo, Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; xác định là khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; không được chủ quan, thoả mãn, xác định nhiệm vụ thời gian tới rất nặng nề; do đó cần tập trung phân tích, đánh giá tình hình trong và ngoài nước chính xác để đưa ra các giải pháp phù hợp.
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh 4 ổn định cần tập trung làm tốt, đó là: ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng, các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, nhất là giá cả các mặt hàng chiến lược; ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Làm tốt 3 tăng cường: tăng cường nắm tình hình phản ứng linh hoạt, hiệu quả; tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở, tiêm vaccine; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính. 2 đẩy mạnh: đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phát triển doanh nghiệp và công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công. Tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết. Kiên quyết không điều hành “giật cục”; thực hiện một cách khoa học, chắc chắn, hiệu quả.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, trong bối cảnh, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xung đột Nga - Ucraina; lạm phát nhiều nước tăng cao; rủi ro bất ổn tài chính, tiền tệ; nguy cơ suy thoái tại một số nền kinh tế... tác động mạnh đến nước ta với quy mô kinh tế còn nhỏ, sức chống chịu trước những cú sốc chưa cao. Tuy nhiên, với việc triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung giải quyết hiệu quả các vấn đề quan trọng và xử lý các vấn đề phát sinh, KTXH trong nước tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên các ngành, lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tín dụng tăng 9,42%; lãi suất, tỷ giá duy trì hợp lý. Chỉ số CPI tháng 7 tăng 0,4% so tháng trước, tăng 3,14% so cùng kỳ, bình quân 7 tháng tăng 2,54%. Thu NSNN 7 tháng ước đạt 77,5% dự toán, tăng 18,1%.
Toàn cảnh phiên họp.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, chỉ số IIP tháng 7 tăng 1,6% so tháng trước, tăng 11,2% so cùng kỳ và 7 tháng tăng 8,8%; 61/63 tỉnh, thành phố có chỉ số công nghiệp 7 tháng tăng. Xuất nhập khẩu tháng 7 tăng 6,1%, 7 tháng tăng 14,8%; 7 tháng xuất khẩu 216,35 tỷ USD (tăng 16,1%), nhập khẩu 215,59 tỷ USD (tăng 13,6%), xuất siêu 764 triệu USD. Thương mại, dịch vụ phục hồi mạnh mẽ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tháng 7 đạt 486 nghìn tỷ đồng, tăng 42,6% so cùng kỳ; 7 tháng đạt 3.205 nghìn tỷ đồng, tăng 16% (gấp 1,5 lần cùng kỳ các năm 2018-2019). Khách quốc tế tháng 7 đạt 352,6 nghìn lượt người, tăng 49% so tháng trước; 7 tháng gấp 10 lần cùng kỳ năm 2021.
Số DN đăng ký thành lập mới trong tháng 7 là 13,2 nghìn DN, 7 tháng là 89,4 nghìn DN (tăng 17,9% so cùng kỳ); Giải ngân vốn NSNN tháng 7 đạt 46,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so cùng kỳ; An sinh xã hội được bảo đảm; Quốc phòng an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm./.
Tác giả: Vũ Khuyên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy