Dòng sự kiện:
Thủ tướng: Tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn
03/06/2016 17:00:33
Đánh giá kết quả phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua, Thủ tướng nhìn nhận tình hình vẫn còn nhiều khó khăn: sức ép lạm phát còn lớn, có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô; tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, tăng trưởng của cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều thấp hơn so với cùng kỳ; lĩnh vực văn hóa, xã hội còn có nhiều vấn đề bức xúc.

Tin liên quan

Đây là nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp thường kỳ tháng 5-2016 thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm vào ngày hôm nay tại Hà Nội.

Trước tình hình đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quyết liệt thực hiện nhiệm vụ năm 2016, không thay đổi mục tiêu và đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, làm rõ các hạn chế, khó khăn để đề ra các biện pháp tháo gỡ, khắc phục nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng.

Chính phủ đã bàn về kinh tế xã hội trong cả ngày họp 2-6. Ảnh VPCP.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 1,88% so với tháng 12-2015. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5 tăng 2,28%, bình quân 5 tháng tăng 1,59%. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm tăng 1,78% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi suất huy động tiền đồng tương đối ổn định; lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm.

Tính đến ngày 20-5, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 5,88% so với tháng 12-2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 3,64%); tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 4,52% (cùng kỳ tăng 4,26%).

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 2,4% so với tháng trước; tính chung 5 tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,2%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2015; nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 7,8%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước; duy trì được xuất siêu. Năm tháng qua Việt Nam xuất siêu 1,36 tỉ đô la Mỹ, bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm và đạt nhiều kết quả. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội trong 5 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát 5 tháng đã tăng 1,88%, trong khi sức ép về tăng giá còn rất lớn.

Sản xuất nông nghiệp và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Tiến độ thu ngân sách đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể vẫn còn ở mức cao. Tai nạn giao thông, nhất là số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tính riêng trong tháng 5-2016, vẫn còn cao (số người chết tăng 2,54% so với tháng 5-2015).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nhóm giải pháp như kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô (về kiểm soát tình hình giá cả thị trường, tiền tệ, tín dụng; cân đối thu chi ngân sách nhà nước); khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thêm quan điểm của Thủ tướng là ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho tăng trưởng, phấn đấu đạt 6,7% như Nghị quyết của Quốc hội để đảm bảo cân đối lớn, việc làm, thu ngân sách nhà nước và các vấn đề an sinh xã hội.

Thủ tướng chỉ đạo không tăng giá điện, phí, lệ phí. Việc điều chỉnh tăng phí trong lĩnh vực giáo dục, bảo hiểm y tế phải có lộ trình, không tăng đồng loạt, ông Dũng cho biết.

Thủ tướng chỉ đạo không tăng phí BOT và giữ giá sữa ổn định từ nay đến cuối năm.

Ông Dũng cho biết thêm, Thủ tướng có quan điểm là chỉ giữ những doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước cần nắm giữ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các doanh nghiệp nhà nước lớn để đảm bảo vĩ mô; các doanh nghiệp nhà nước còn lại thì cần đẩy mạnh cổ phần hóa. “Thủ tướng coi đây là nguồn lực để đầu tư cho phát triển”, ông Dũng nói.

Ông cho biết thêm, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng lộ trình, theo đó đề ra kịch bản giảm lãi suất tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

“Thủ tướng chỉ đạo siết chặt kỷ cương của các cơ quan hành chính, nhất là trách nhiệm của các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh trong Nghị quyết 01 của Chính phủ để phát triển kinh tế xã hội, kể cả việc tiếp dân, giải quyết đơn thư tố cáo, vấn đề an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường xả thải...”, ông nói.

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến