Lại một lần nữa câu chuyện thuế tải sản, áp dụng vào thời điểm nào, mức độ ra sao và đối tượng thế nào lại được nêu lên tại Hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam” tổ chức chiều 26/6 tại Hà Nội. Và cũng như nhiều hội thảo trước đó, đây vẫn là câu chuyện thời sự với nhiều ý kiến “chưa đi đến thống nhất”.
Theo kinh nghiệm các nước thì cùng với lộ trình phát triển kinh tế, chính sách thuế tài sản gần như chắc chắn phải được triển khai. Tuy nhiên với hoàn cảnh riêng của Việt Nam thì thuế này cần quy định thế nào, áp dụng phương pháp tính thuế nào, mức thuế ra sao để đạt được mục tiêu chống đầu cơ, để người giàu phải nộp thuế nhiều, người nghèo không bị bào mòn vì thuế.
“Mức thuế phải nộp phụ thuộc vào giá trị tài sản sở hữu và thuế tài sản dựa trên 2 nguyên tắc nền tảng: Lợi ích mà chủ tài sản nhận được và khả năng đóng thuế của chủ tài sản. Thu nhập từ thuế tài sản được dùng để trang trải các dịch vụ, tiện ích công cộng do chính quyền thành phố/đô thị cung cấp”, ông Nicolas Drouin - Bí thư thứ nhất, Ban Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm.
Phương pháp tính thuế ở các nước khá đa dạng. Có thể tính theo số lượng đơn vị tài sản; dựa trên giá trị thị trường của tài sản; hoặc dựa trên giá trị tài sản cho thuê. Tuy nhiên một điểm chung là hầu hết các quốc gia áp dụng thuế suất tương đối, rất ít nước áp dụng theo thuế suất tuyệt đối hoặc áp dụng đồng thời cả hai. Bên cạnh đó, biểu thuế suất thường được thiết với nhiều mức, có sự phân biệt giữa các khu vực/vùng, mục đích sử dụng thực tế và thường theo cách đánh lũy tiến.
Để xác định được giá trị tài sản sở hữu, Tập đoàn Định giá tài sản đô thị sẽ thực hiện phân loại và định giá tài sản ở thời điểm hiện tại cho tất cả các loại tài sản. Cùng với đó, chính quyền thành phố/đô thị sẽ xác định nhu cầu thu ngân sách, xác định mức thuế áp dụng tại đô thị và thực hiện thu thuế tài sản. Ngoài ra, họ cũng có một Ban Kiểm định độc lập để tiếp nhận các kháng nghị từ người nộp thuế tài sản (nếu có) và báo cáo cho Văn phòng Tổng Chưởng lý bang xem xét giải quyết.
Nghiên cứu của Ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (CL&CSTC) thuộc BTC về kinh nghiệm thuế tài sản ở các nước cho thấy, đối tượng chịu thuế chủ yếu của thuế tài sản thường là nhà, đất và tài sản gắn liền với đất với tỷ trọng thu trong tổng thu từ thuế khá lớn (dao động từ khoảng 1% đến trên 7%).
Theo nghiên cứu này, phạm vi thuế tài sản nên áp dụng đối với nhà, đất (thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung thêm thuế đối với nhà), có miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công; sử dụng cho mục đích phúc lợi công cộng… Nên quy định ngưỡng diện tích chịu thuế đối với nhà, đất (tức là phải vượt một ngưỡng nhất định mới phải nộp thuế).
Để xác định giá nhà, đất tính thuế trong ngắn hạn có thể căn cứ theo khung giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định. Tuy nhiên nghiên cứu này cho rằng về trung và dài hạn, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà, đất, trong đó bao gồm cả giá nhà, đất trên thị trường. Về thẩm quyền, nên quy định khung thuế suất, trên cơ sở đó phân cấp cho các địa phương tự quy định mức thuế suất phù hợp.
Trong tương lai khi thuế tài sản được áp dụng sẽ đánh thuế luỹ tiến và người giàu sẽ phải chịu mức thuế cao hơn
Đồng thời, nên có các mức thuế suất phân biệt theo mục đích sử dụng đất nhằm đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo tính ưu tiên đối với từng lĩnh vực trong từng thời kỳ. Một khuyến nghị quan trọng khác là nên đánh thuế lũy tiến nhằm mục đích phân phối lại và đảm bảo công bằng theo chiều dọc.
Dù về cơ bản đồng tình với các khuyến nghị này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty BASICO cho rằng, trước hết cần định danh chính xác là thuế gì. “Nếu là đánh thuế tài sản thì phải tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản (quyền tài sản, vật, giấy tờ có giá, tiền). Còn nếu chỉ đánh thuế nhà đất, thì phải gọi cho đúng là “Thuế BĐS và quyền sử dụng đất”, ông Đức nêu quan điểm. Bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng Ban Chính sách Tài chính công, Viện chiến lược và Chính sách tài chính, cùng quan điểm: “Thuế này nên gọi là thuế BĐS”.
Tuy còn nhiều quan điểm khác nhau về các tính thuế, mức thuế nhưng các ý kiến đều đồng quan điểm thuế này chỉ đánh thuế vào người giàu và các tài sản có giá trị lớn (như có thể miễn thuế với một diện tích tối thiểu), đừng để thuế này đánh thuế lên người không có khả năng nộp thuế.
“Nên đánh thuế ở mức thấp và có biểu thuế lũy tiến, có thể gấp 5-10 lần mức khởi điểm với người có nhiều tài sản. Mức thuế thấp nhất có thể là 0,1% và với người có nhiều tài sản ít nhất là 10% và mức thuế có thể tăng lên 0,3%-0,4% sau 10 năm”, Luật sư Đức góp ý.
Nên căn cứ vào tổng giá trị tài sản để đánh thuế. Dựa trên mức chịu thuế thu nhập thấp nhất là từ 9 triệu đồng hiện nay, ông Đức ước tính mức khởi điểm để chịu thuế tài sản nên ít nhất từ 5 tỷ đồng (theo giá thị trường). Để khả thi và công bằng nên đánh thuế luỹ tiến, theo đó những người giàu có nhiều BĐS thì có thể phải chịu thuế cao hơn tới hàng chục lần.
Và nên công bố lộ trình tăng rõ ràng để tránh việc khi chuyển sang luật mới lập tức thuế tăng lên vài lần thì sẽ tác động lớn đến người dân, thị trường BĐS. Cần tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp và hoàn thiện dự thảo luật và dự báo ít nhất phải đến năm 2020 mới có thể áp dụng thuế này.
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy