Dòng sự kiện:
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cho phép nạn nhân 11/9 kiện Ảrập Xêút
18/05/2016 17:04:19
ANTT.VN – Thượng viện Mỹ hôm thứ Hai thông qua một dự luật, qua đó cho phép các nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân vụ khủng bố 11/9/2001 khởi kiện Chính phủ Ảrập Xêút để đòi bồi thường.

Tin liên quan

JASTA có thể được thông qua mà không cần sự phê chuẩn của tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters

Dự luật mang tên ‘Justice Against Sponsors of Terrorism Act – JASTA’, tạm dịch là luật ‘Chống lại các hành động tài trợ khủng bố vì công lý’, đã được thông qua trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ.

JASTA tiếp tới sẽ được trình trước Hạ viện Mỹ. Nếu được thông qua, nó sẽ tiếp tục phải trình lên Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã không ít lần đe dọa phủ quyết dự luật này.

Nếu dự luật trên trở thành luật chính thức, JASTA có thể xóa bỏ và thay thế Luật miễn tố đối với chính phủ nước ngoài ban hành năm 1976, qua đó cho phép nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân khủng bố đòi bồi thường từ những chính phủ khác.

Trong vụ khủng bố 11/9, JASTA có thể cho phép các nạn nhân nộp đơn kiện chính phủ Ảrập Xêút lên tòa án liên bang ở New York. Tại đó, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn sẽ tìm cách chứng minh Riyadh có liên quan tới các vụ đâm máy bay liên tiếp tại tòa tháp đôi WTC cũng như Lầu năm góc năm 2011.

Phản ứng lại động thái trên của Quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Ảrập Xêút Adel bin Ahmed al-Jubeir khẳng định dự luật trên vi phạm các quy chuẩn quan hệ quốc tế.

“Việc Quốc hội Mỹ đang tìm cách phá bỏ quyền miễn tố đối với các chính phủ nước ngoài đe dọa tới luật pháp quốc tế, khi các vấn đề ngoại giao sau này có thể được điều hành bởi ‘luật rừng’ “, ông Adel phát biểu hôm qua.

Riyadh trước đó đã đe dọa bán sạch 750 tỷ USD nợ Chính phủ Mỹ nếu Washington thông qua dự luật trên.

James Kreindler, luật sư nổi tiếng đại diện cho các nạn nhân 11/9, cũng là luật sư thắng một số tiền lớn cho các nạn nhân trong vụ đánh bom chuyến bay 103 của hãng hàng không Pan Airway năm 1988 cho biết ông hi vọng Hạ viện và TT Obama sẽ sớm thông qua dự luật trên.

“Thật điên rồ nếu TT Obama phủ quyết JASTA, cái có thể giúp hàng nghìn nạn nhân của vụ khủng bố tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ đòi lại công lý”, ông bổ sung.

Trong khi đó, Thượng Nghị sĩ đảng Dân chủ Charles Schumer cho rằng việc đệ trình JASTA đáng ra đã phải được thực hiện từ lâu:

“Việc thông qua JASTA của Thượng viện hôm nay khẳng định một chân lý rằng nạn nhân từ các vụ khủng bố có quyền đối mặt với kẻ thủ ác, cho dù đấy là một quốc gia đi nữa”.

Trong lúc này, Nhà Trắng tiếp tục khẳng định sẽ phủ quyết JASTA.

“Dự luật trên sẽ thay đổi các chuẩn mực quan hệ trên thế giới, vi phạm luật pháp quốc tế”, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest phát biểu trong một cuộc họp báo hôm qua, nhấn mạnh:

“Việc thông qua dự luật này có thể khiến nước Mỹ dễ dàng bị tổn thương trước các tòa án của nước khác”.

Reuters dẫn lời Thượng Nghị sĩ Schumer cho biết ông sẵn sàng bỏ phiếu chống lại TT Obama nếu có một lệnh phủ quyết được đưa ra.

Quá trình thông qua một đạo luật ở Mỹ khá phức tạp. Một khi dự luật được thông qua tại một viện (Thượng viện hoặc Hạ viện), nó sẽ được gửi đến viện còn lại. Tại đó, nó có thể được thông qua, hoặc bị bác bỏ, hoặc bị sửa đổi. Để một dự luật có thể trở thành luật, cả hai viện phải đồng thuận về văn bản của dự luật. Nếu dự luật đã bị sửa đổi, thì một uỷ ban thương thảo sẽ vào cuộc (thành phần bao gồm thành viên của cả hai viện), và cố gắng soạn ra một văn bản chung để trình hai viện; nếu được thông qua, nó sẽ thành luật; còn ngược lại, xem như thất bại.

Sau khi được thông qua tại hai viện, dự luật sẽ được trình tổng thống. Tổng thống có thể chọn ký ban hành để nó trở thành luật; hoặc tổng thống có thể chọn phủ quyết, gửi trả về Quốc hội kèm theo lời phản kháng. Trong trường hợp này, dự luật chỉ có thể trở thành luật nếu cả hai viện biểu quyết với 2/3 số phiếu nhằm vô hiệu hoá sự phủ quyết của tổng thống.

Tuy nhiên tổng thống còn một lựa chọn khác là không làm gì hết, không ký ban hành, cũng không phủ quyết. Trong trường hợp này, Hiến pháp Mỹ có quy định dự luật sẽ tự động trở thành luật sau 10 ngày (không tính ngày chủ nhật). Tuy nhiên, nếu quốc hội chấm dứt kỳ họp trong 10 ngày này, dự luật sẽ không thể trở thành luật. Vì vậy, tổng thống có thể phủ quyết một dự luật được thông qua vào cuối kỳ họp của quốc hội bằng cách lơ nó đi. Thủ thuật chính trị này được gọi là ‘pocket veto’.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến