Dòng sự kiện:
Thủy điện Hồi Xuân có tín hiệu tái khởi động trở lại sau nhiều năm 'đắp chiếu'
29/08/2022 08:57:16
Thủy điện Hồi Xuân – công trình trọng điểm quốc gia đã triển khai từ 15 năm trước, đến nay vẫn chưa về đích vì liên tục chậm tiến độ, gây muôn vàn khó khăn cho người dân và chính quyền huyện Quan Hóa (Thanh Hóa).

"Đứa trẻ 15 năm không chịu lớn"

Thủy điện Hồi Xuân tại huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) có công suất 102MW, là công trình thủy điện lớn thuộc quy hoạch điện lực quốc gia. Dự án được triển khai đầu tư từ năm 2007, do Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) làm chủ đầu tư. Song, dự án phải ngừng thi công do thiếu vốn.

Tháng 6/2014, Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại – Sản xuất – Xây dựng Đông Mê Kông (Công ty Đông Mê Kông) mua lại cổ phần và trở thành cổ đông chính của Công ty Cổ phần xây dựng điện (VNCO) Hồi Xuân nắm giữ 91% cổ phần chi phối.

Thủy điện Hồi Xuân tại huyện Quan Hóa (Thanh Hóa)

Để có vốn tiếp tục thực hiện dự án, chủ đầu tư đã được Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay thương mại 125 triệu USD từ ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ). Nhờ đó, dự án được thi công trở lại năm 2017. Tuy nhiên, vì vẫn thiếu vốn, chủ đầu tư đã dừng thi công từ đầu năm 2019 đến nay.

Việc dự án liên tục chậm tiến độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh của người dân địa phương và gây lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia.

Theo báo cáo của VNCO Hồi Xuân, dự án đã thực hiện được khoảng 93% khối lượng công trình với giá trị thực hiện ước đạt hơn 4,2 nghìn tỷ đồng. Dự án còn thiếu 280 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục và đi vào vận hành nhà máy.

Hiện nay còn một số hạng mục chưa được thi công như công trình đường chống ngập ở các bản Phé, Mý, Bá xã Phú Xuân; bản Chiềng xã Phú Sơn, cầu treo Phú Xuân và cầu treo Chiềng. Ngoài ra, 5 công trình trường học, trạm y tế phải hoàn trả vẫn chưa có tiền chi trả cho UBND huyện Quan Hóa để thi công.

Năm 2010, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với giá bán điện trung bình năm là 657 đồng/kWh. Do dự án thi công kéo dài, điều chỉnh thiết kế và điều kiện thủy văn khiến điện lượng giảm xuống, cùng với yếu tố trượt giá nên tổng mức đầu tư dự án tăng lên (khoảng 1.169 tỷ đồng).

Dự án đang tình trạng đắp chiếu vì thiếu vốn vận hành

Ngoài khoản vay 125 triệu USD từ ngân hàng của Mỹ, để dự án hoàn thiện, doanh nghiệp phải vay thêm vốn từ các tổ chức tín dụng. Song để vay được, điều kiện là phải có phương án giá điện chính ký với EVN để chứng minh tính hiệu quả tài chính, khả năng trả nợ của dự án. Tuy nhiên, với giá điện đã ký năm 2010 thì dự án không đảm bảo khả năng thu hồi vốn.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 8/10/2020, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nêu: Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho dự án thủy điện Hồi Xuân đi vào vận hành phát điện từ tháng 7/2021 và có nguồn thu trả nợ khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép bộ này được ban hành văn bản hướng dẫn EVN và VNCO Hồi Xuân được phép thỏa thuận giá điện hàng năm trong 10 năm đầu tiên không vượt quá 1,7 lần giá điện bình quân đã được phê duyệt.

Tháng 11/2020, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị EVN và VNCO Hồi Xuân thực hiện đàm phán thỏa thuận giá điện từng năm của dự án với điền kiện bảo đảm giá cố định bình quân không thay đổi và tuân thủ theo các nguyên tắc: Tỷ suất chiết khấu tài chính khi tính toán giá từng năm do 2 bên thỏa thuận; Chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ hoàn trả các khoản nợ vay cho đầu tư xây dựng nhà máy theo thời hạn hoàn trả vốn vay.

Nếu việc thỏa thuận giá điện với EVN hoàn tất và vay được vốn để tiếp tục thực hiện dự án, dự kiến Nhà máyThủy điện Hồi Xuân sẽ phát điện vào tháng 7/2021.

Tiến trình này đã kéo dài 2 năm, theo ghi nhận đến tháng 8/2022, dự án vẫn đang trong tình trạng đắp chiếu, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người dân địa phương.

Người dân mỏi mòn chờ đợi

Dự án thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ nhiều năm kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương.

Bà Phạm Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa cho biết, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn do dự án thủy điện chậm tiến độ.

Một số hạng mục nhà máy thủy điện Hồi Xuân cam kết thực hiện vẫn chưa làm được tại khu tái định cư Sa Lắng gồm: taluy âm, taluy dương, đường xuống bến đò, nhà văn hóa. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện xây dựng bản nông thôn mới của Sa Lắng.

Người dân có chung niềm mong mỏi dự án sớm hoàn thành

Vấn đề nghiêm trọng nhất chính là cây cầu treo bắc qua sông Mã, một trong những công trình mà thủy điện cam kết hoàn trả vẫn chưa thành hiện thực. Năm 2018, một trận lũ dữ đã cuốn phăng cây cầu, khiến người dân các bản Phé, Mí, Bá ở bên kia sông không còn đường đi lại. Họ buộc phải đi đò qua sông Mã vô cùng nguy hiểm, nhất là mùa mưa lũ. Trong đó, có hàng trăm học sinh phải đi vào trung tâm xã để học mỗi ngày.

"Nếu thủy điện Hồi Xuân hoàn thành đi vào hoạt động, sẽ giải quyết được nhiều khó khăn cho người dân, đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho địa phương", bà Tuyết nói.

Anh Hà Văn Tuấn, Phó bí thư kiêm ban công tác mặt trận của thôn bức xúc cho hay: “Không có cầu, việc giao thương của chúng tôi vô cùng khó khăn. Bà con chủ yếu sinh sống dựa vào cây luồng, nhưng chặt được cây luồng rồi đưa qua sông rất vất vả. Thương lái mua giá luồng rẻ hơn một nửa so với bên kia sông. Trong khi đó, hàng hóa đưa vào bản thì lại đắt gấp đôi. Mỗi lần qua đò, mất 10 nghìn/người, không có tiền thì không đi sang sông được. Mà mỗi lần qua sông lại nơm nớp sợ, nhất là mùa mưa lũ. Chỉ mong sao thủy điện sớm có phương án để xây cầu cho chúng tôi đỡ khổ”.

Còn ông Hà Văn Hồng (SN 1964) thì cho biết, gia đình đã nhận đền bù nhưng chưa di dời được do chủ đầu tư chưa xây đường chống ngập. Nhiều hộ dân cũng như ông Hồng, “đi không được, ở chẳng xong” do đường giao thông tránh ngập thuỷ điện Hồi Xuân hiện chưa được mở.

Người dân phải đi đò qua sông Mã vì không có cầu

Theo ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá, trước tình trạng chậm tiến độ của dự án, huyện đã nhiều lần có báo cáo lên tỉnh đề xuất có phương án tháo gỡ tháo khăn.

Ông Dũng cho hay, vừa qua, chủ đầu tư đã thỏa thuận giá điện với EVN hoàn tất và vay được vốn. “Dự kiến sắp tới, chủ đầu tư sẽ tiến hành thi công trở lại dự án”, ông Dũng nói, dù vậy vẫn chưa có văn bản thông báo chính thức nào từ thủy điện Hồi Xuân về thời gian cụ thể.

Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cũng cho rằng, bà con rất khó khăn khi bị ảnh hưởng bởi dự án, tuy nhiên, do những công trình thuộc trách nhiệm hoàn trả của thuỷ điện Hồi Xuân nên không thể sử dụng vốn địa phương để đầu tư.

“Trong trường hợp dự án không thể triển khai thì cũng mong muốn tỉnh sử dụng ngân sách hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh cho bà con trước, khi dự án triển khai trở lại thì chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại cho Nhà nước sau”, ông Nguyễn Đức Dũng nêu quan điểm.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến