Dòng sự kiện:
Tiền lương chỉ đạt 60% yêu cầu mức sống tối thiểu
19/11/2014 15:43:29
ANTT.VN - Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ - TB - XH) Phạm Thị Hải Chuyền, ngày 19/11, Quốc hội tập trung vào chủ đề: Nguồn nhân lực, đào tạo, lao động, giải quyết việc làm, hạn chế thất nghiệp, giảm nghèo, lao động nước ngoài ở VN, bảo hiểm xã hội…

Tin liên quan

Mở đầu phiên chất vấn ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Chuyền về “tình hình lương trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hóa có thực hiện theo bộ luật lao động hay không? Nếu chưa thực hiện khi nào sẽ được thực hiện? vì Bộ luật lao động đã có hiệu lực từ ngày 1/5/2013”.

Bộ trưởng Bộ LĐ - TB - XH Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

Trả lời câu hỏi của ĐB Bảo, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ luật sửa đổi năm 2012 có hiệu lực 1/5/2013 và bộ luật này đã được thực hiện trên tất cả các điều của luật, trong đó có lĩnh vực về tiền lương. Riêng với tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước đã có thực hiện và lộ trình thực hiện.

Trong tổng số 242 điều đến nay đã có 17 nghị định của Chính phủ ban hành hướng dẫn và Bộ LĐ - TB - XH đã ban hành một số thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, Bộ đã tham mưu thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia và hội đồng này đã tham mưu tư vấn cho Thủ tướng trong việc xây dựng lương khu vực hàng năm.

Bộ trưởng Chuyền cho hay, Bộ LĐ - TB - XH cũng đã có hướng dẫn về triển khai thực hiện tiền lương của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay còn một nội dung trong các doanh nghiệp về tiền lương chưa giải quyết xong, “trong quy định trách nhiệm xây dựng thang bảng lương, quy định các doanh nghiệp phải tự xây dựng thang bảng lương, Bộ LĐ - TB - XH có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương này, sau khi xây dựng xong thang bảng lương mới, các doanh nghiệp sẽ theo thang bảng lương đó”, Bộ trưởng Chuyền nói.

Hiện nay, lương thực tế chiếm khoảng 60 - 70% thu nhập của người lao động, khi hướng có dẫn thang bảng lương, DN sẽ áp dụng theo thang lương mới của hướng dẫn theo quy định của luật.

Trong đó người lao động sẽ thực hiện đóng bảo hiểm gồm có lương, phụ cấp lương và các khoản thu nhập khác. Tuy nhiên, Bộ trưởng Chuyền cũng trao đổi với Quốc hội là chưa xác định được khoản thu nhập khác để đưa vào phần phải đóng bảo hiểm.

ĐB Nguyễn Đức Hiền yêu cầu Bộ trưởng Bộ LĐ - TB - XH đánh giá thực trạng về ngư dân hiện nay. Theo đó, Bộ trưởng Chuyền nhận định, tổng số lao động cả nước là trên 50 triệu lao động, trong đó lao động ở lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 47% . “Để giải quyết nhân lực trong lĩnh vực này, tháng 11/2009 Chính phủ đã ban hành nghị quyết 1956 hỗ trợ lao động nông thôn có điều kiện để lao động tốt hơn, năng suất hiệu quả tốt hơn trên cơ sở điều kiện sẵn có, trong đó có lao động ở lĩnh vực thủy sản và riêng lĩnh vực thủy sản là một trong những nội dung được hỗ trợ đào tạo để người lao động nâng cao khả năng nghề, làm tốt công tác thủy sản.Vừa rồi Tổng cục dạy nghề thuộc Bộ LĐ - TB - XH đã làm việc với tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi chuyên về vấn đề hỗ trợ cho ngư dân ở khu vực này, đồng thời đã làm việc với các địa phương với tinh thần là chỉ đạo của Thủ tướng phải ưu tiên hỗ trợ”. Bộ trưởng Chuyền cho biết.

Đại biểu Phạm Tất Thắng

Trong phân công triển khai hướng dẫn về dạy nghề và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn người lao động trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp, còn Bộ LĐ – TB - XH sẽ hướng dẫn những ngành sản xuất phi nông nghiệp và một số nghề dịch vụ ở địa phương. Hai bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ LĐ – TB - XH sẽ tiếp tục triển khai chương trình hướng dẫn bà con nông dân để nâng cao tay nghề và làm tốt hơn lĩnh vực đánh bắt thủy sản.

Đặt vấn đề chất vấn về việc chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng để tiến tới năm 2020 nước ta trở thành một nước công nghiệp, ĐB Phạm Tất Thắng hỏi Bộ trưởng Chuyền chiến lược phát triển nguồn nhân lực năm 2011 - 2020 được triển khai thế nào, kết quả và giải pháp trong thời gian tới. Đồng thời, ĐB Thắng cũng yêu cầu Bộ trưởng Chuyền đưa ra một giải pháp căn cơ để việc tăng lương có tác động tích cực cho cuộc sống người lao động mà không nặng về hình thức như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ LĐ - TB – XH khẳng định, việc phát triển nguồn nhân lực đúng là vấn đề quan trọng, một nền kinh tế muốn phát triển được ngoài điều kiện thiết bị đã có, vấn đề nguồn nhân lực là then chốt. Hồi tháng 4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đồng thời đến tháng 7 thì phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.

Trong quy hoạch của Thủ tướng có nêu rất rõ, giai đoạn đến năm 2015  sẽ có 55% lao động phải được qua đào tạo và đến năm 2020 sẽ có 70%, cũng trong chiến lược này Chính phủ có phân công các Bộ ngành triển khai các công việc cụ thể để thực hiện chiến lược thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.

 Trả lời câu hỏi thứ hai của ĐB Thắng, theo Bộ trưởng Chuyền, Bộ LĐ - TB - XH đã làm được một số việc như, tham mưu cho Chính phủ ban hành chiến lược phát triển về dạy nghề, “trong chiến lược có yêu cầu xây dựng chế độ chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào dạy nghề, chũng tôi đã gắn với xây dựng dự luật sửa đổi luật dạy nghề và đưa nội dung này vào dự luật. Bên cạnh đó, chúng tôi đã quy hoạch các trường chất lượng cao, đến nay đã được phê duyệt 40 trường chất lượng cao, trong đó có 10 trường đạt chuẩn quốc tế”. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.

Bộ LĐ – TB - XH là thành viên trong Hội đồng tiền lương quốc gia, được phân chuẩn bị hai đề án về bảo hiểm xã hội và tiền lương trong lĩnh vực người có công. Bộ trưởng Chuyền cho biết, “Bộ cũng đã xây dựng xong hai đề án và gửi cơ quan thường trực là Bộ Nội vụ để tiếp tục hoàn thiện. Hàng năm căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội Bộ cũng sẽ đề xuất với Quốc hội xem xét để điều chỉnh nâng lương, thường là nâng lương cho đương chức gắn với đối tượng người có công”.

Bộ trưởng Bộ LĐ – TB – XH cũng đồng ý với ĐB Thắng một nội dung đó là, “hiện nay tiền lương của chúng ta so với yêu cầu mức sống tối thiểu mới đạt trên 60% và lần nâng lương này mặc dù nhà nước dành 11.000 tỷ đồng nhưng cũng không phải đã là thỏa đáng đáp ứng được với yêu cầu giải quyết được vấn đề về tiền lương”.

Bộ trưởng Chuyền giải thích, bởi trong phương án có lộ trình và cũng muốn tiến đến 2015, 2016 tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu, nhưng do điều kiện kinh tế và khả năng ngân sách, chúng ta phải đi từng bước, tính theo khả năng ngân sách của mình. Qua 2 lần trình, Trung ương cũng đã thảo luận trước mắt phải dãn lộ trình chưa cập được đến lộ trình là tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu.

“ Như các ĐB biết, năm nay do khả năng ngân sách, Hội đồng tiền lương cũng đã nêu nếu nâng lương thì khả năng không có nguồn, hiện nay có điều bất cập đó là Thủ tướng đã phê duyệt mức lương tối thiểu của doanh nghiệp ở khu vực 1 là 3,1 triệu đồng vào 1/1/2015 và như vậy các khu vực 2,3,4 sẽ thấp hơn. Trong đó mức lương tối thiểu của cán bộ công nhân viên chức vẫn là 1,050 triệu đồng. Chính vì vậy mặc dù rất khó khăn nhưng trong quyết định thảo luận về ngân sách, tình hình thu chi ngân sách cũng có quyết định dành ra một khoản là 11.000 tỷ đồng và Quốc hội đồng ý cho phép để giải quyết một phần tiền lương cho lao động thu nhập thấp, đối tượng người có công và người về hưu”. Bộ trưởng Bộ LĐ - TB - XH nói.

Kiều Chinh


 
 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến