Dòng sự kiện:
Tiểu thương ở Huế lao đao vì chợ ế ẩm sau dịch tả lợn châu Phi
20/03/2019 18:07:09
Nhiều tiểu thương cho biết, thịt lợn bán trên sạp đều có dấu kiểm dịch, an toàn nhưng tâm lý lo sợ khiến người dân bắt đầu chuyển sang mua nhiều hơn các thực phẩm thịt khác thịt bò, thịt gà, cá…

Ngày 20/3, sau gần 3 ngày Thừa Thiên - Huế công bố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, PV ANTT đã dạo quanh một số khu chợ trên địa bàn TP Huế ghi nhận tình hình kinh doanh thịt heo tại đây. Nhìn chung, không khí bán buôn có dấu hiệu ế ẩm và khá trầm lắng.

Nhiều sạp bán thịt heo ở các chợ trên địa bàn Huế vắng khách.

Bà Nguyễn Thị Bích, một tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Cống, TP Huế chia sẻ, trước đây khi chưa xuất hiện tình trạng lợn bị dịch tả châu Phi, sạp hàng của bà thường nhập thịt về từ các lò mổ khoảng 1 tạ và bán hết trong buổi sáng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, dù nhập khoảng 20-30kg thịt heo nhưng hết buổi sáng vẫn còn hàng.

Chị Lành, tiểu thương bán thịt lợn ở chợ An Cựu, TP Huế cũng trong hoàn cảnh tương tự than phiền, giá thịt lợn trước đây dao động từ 80 – 90.000 đồng vẫn hết sạch. Nay dù giảm 10.000 đồng/kg nhưng người mua vẫn ít đoái hoài.

Nhiều tiểu thương cho biết, thịt lợn bán trên sạp đều có dấu kiểm dịch, an toàn nhưng tâm lý lo sợ khiến người dân bắt đầu chuyển sang mua nhiều hơn các thực phẩm thịt khác thịt bò, thịt gà, cá…

Cùng cảnh ngộ với các sạp thịt, các hàng quán tiêu thụ sản phẩm từ thịt lợn cũng ế ẩm khách, quán cháo lòng của chị Bé trên đường Nguyễn Lộ Trạch, TP Huế là một ví dụ. Chị Bé cho hay, dù dịch tả lợn châu Phi lây sang người nhưng bản thân bà cũng khốn khổ vì dịch bệnh này do quán hàng vắng khách hẳn.

Lực lượng liên ngành Thừa Thiên - Huế túc trực 24/24 kiểm tra, phun khử trùng tiêu độc tất cả các xe chở lợn qua địa bàn…

Nói về lý do giảm tiêu thụ sản phẩm thịt từ lợn, chị Phan Thị Lan, trú ở đường Dương Văn An, TP Huế cho biết, các sản phẩm từ thịt lợn bán trong chợ có dấu kiểm dịch và dịch tả lợn không lây sang người nhưng tâm lý lo lắng vẫn khiến gia đình bà có cảm giác ăn các món từ thịt lợn không còn ngon miệng. Cũng không loại trừ khả năng người chăn nuôi vì xót tiền mà tuồn thịt lợn bệnh ra ngoài, rồi gian thương vì lợi nhuận mà bất chấp bán buôn sản phẩm thịt lợn bị bệnh cho người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với ANTT, một luật sư là hội viên của Hội Luật gia tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ, theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm 2010 thì pháp luật hiện hành nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Trường hợp tổ chức, cá nhân nào có thực hiện hành vi vi phạm trên đây, thì tùy từng trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân đó có thể bị xử phạt hành chính, hoặc nặng hơn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

Trường hợp xử phạt hành chính

Tại Khoản 5 và Điểm b Khoản 8 Điều 8 Nghị định 90/2017/NĐ-CP có quy định:

"Điều 8. Vi phạm về chống dịch bệnh động vật trên cạn

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh dịch đã được công bố trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm;

b) Mang đi tiêu thụ thân thịt, phụ phẩm, sản phẩm khác của động vật bị giết mổ bắt buộc chưa được xử lý bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y;

c) Chăn nuôi hoặc xuất bán động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi cơ quan thú y có thẩm quyền đã yêu cầu phải giết mổ bắt buộc hoặc tiêu hủy;

d) Không tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp chủ thể có hành vi bán thịt lợn bị mắc bệnh dịch tả châu Phi sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và bị buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Tại Điểm b Khoản 4 và Khoản 5 Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP có quy định:

"Điều 4. Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm

4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự."

Như vậy, căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì chủ thể sử dụng lợn bị dịch tả châu Phi để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ lợn bị dịch tả châu Phi mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Trường hợp phạt đến 100.000.000 đồng nhưng vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm thì bị phạt từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm.

Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự:

Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 119 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) thì người nào bán thịt lợn bị mắc bệnh dịch tả châu Phi mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Tùy vào từng trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ở một diễn biến khác, sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lập thêm nhiều chốt kiểm tra dịch và tổ chức lực lượng túc trực 24/24 giờ.

Một chốt kiểm dịch động vật ở đường Hồ Chí Minh (huyện A Lưới) lực lượng chức năng luôn túc trực.

Theo đó, ngoài 2 chốt tại nơi phát hiện ra ổ dịch đầu tiên ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền đã quyết định thành lập thêm 3 chốt kiểm dịch tại Quốc lộ 49 (xã Điền Hương), tại cầu Hòa viện (xã Phong Bình) và tại cầu Phước Tích (xã Phong Hòa).

Tại các chốt này, luôn có cán bộ thú y ứng trực, xử lý 24/24 giờ các ngày trong tuần (kể cả ngày lễ, Chủ nhật) để nhằm kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật để phòng ngừa, ngăn chặn bệnh dịch lây lan.

Cùng với đó, tại các chốt kiểm dịch động vật ở đường Hồ Chí Minh (huyện A Lưới) và trên QL1A thuộc địa phận xã Phong Thu, huyện Phong Điền (nơi gần ổ dịch vừa mới xuất hiện), tất cả xe chở động vật đi qua đều được lực lượng thú y dừng kiểm tra và phun thuốc khử trùng theo quy trình. Lực lượng thú y, Cảnh sát môi trường và Cảnh sát giao thông tỉnh cũng tăng cường phối hợp giám sát, xử lý nghiêm và kịp thời đối với các phương tiện cố tình không chấp hành việc kiểm dịch.

Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến