Tín dụng “đen” hoành hành vì cho vay tiêu dùng chưa hiệu quả
16/09/2015 07:39:17
ANTT.VN - Có lẽ chưa bao giờ vấn đề tín dụng “đen” và hậu quả của nó lại gây bão dư luận như thời gian gần đây. Trong khi hệ thống tổ chức tín dụng của Việt Nam hiện nay đã khá hoàn thiện từ ngân hàng trung ương đến mạng lưới các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân, các công ty tài chính…, nhưng vẫn không giải quyết được nạn tín dụng “đen” thì chắc chắn có điều gì đó đang không ổn (!)

Tin liên quan

Thiếu dịch vụ, tín dụng “đen” làm mưa làm gió

Một diều dễ nhận thấy là giờ đây, cứ bước chân ra đường là các mẩu quảng cáo rao vặt mời cho vay với cam kết “thủ tục nhanh gọn”, “không cần thế chấp” lại đập vào mắt người dân ở mọi ngóc ngách từ bờ tường đến gốc cây, cột điện… Thậm chí, nó còn được gửi thẳng đến điện thoại di động của mỗi người.

Tín dụng đen giăng bẫy khắp nơi (ảnh: Diệp Chi)

Có thể nói, hoạt động tín dụng “đen” đang bao vây phố phường, bủa vây người dân mọi lúc mọi nơi. Và chỉ cần sập bẫy của chúng, hậu quả sẽ khôn lường. Bởi vì đằng sau những mỹ từ cam kết ở trên, lãi suất cắt cổ từ 3-9 lần, thậm chí 10-20 lần so với lãi suất ngân hàng dễ dàng khiến nhiều người lâm vào cảnh khuynh gia bại sản thậm chí mất nhà, mất mạng vì bị “xã hội đen” xiết nợ, thanh trừng.

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ trong một thời gian ngắn đã diễn ra đến 3 cuộc hội thảo về đề tài tín dụng đen do Hiệp hội Ngân hàng và Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm tổ chức.

Thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Cảnh sát cho biết, từ 2010 đến nay ở nước ta đã xảy ra 6.367 vụ việc liên quan đến tín dụng “đen”, trong đó có 41 vụ giết người, 318 vụ cố ý gây thương tích, 588 vụ cướp tài sản, 1.089 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.707 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Vì sao nhiều người dân lại phải đi vay tín dụng “đen” để rồi gánh chịu những hậu quả nặng nề như vậy?

Đã có rất nhiều hội thảo, tọa đàm, nhiều bài phát biểu xới xáo vấn đề này để chỉ ra các nguyên nhân, trong đó nổi lên nhóm nguyên nhân thuộc về sự yếu kém của tín dụng ngân hàng, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng hiện nay.

Nhìn lại thực trạng tín dụng của Việt Nam để thấy rằng: sau khi tăng trưởng rất mạnh trong giai đoạn 2007 – 2011, đến 2012 bị chững lại, có thời điểm dưới 3%. Hiệu quả tín dụng ngân hàng bị giảm mạnh từ 2012 đến nay, tỉ lệ nợ xấu rất cao có thời điểm lên đến 10%.

Khi nợ xấu tăng cao, chính sách tín dụng bị thắt chặt, nhiều người không có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng nên đã phải tìm đến tín dụng đen để giải quyết nhu cầu tiêu dùng.

Tín dụng tiêu dùng chưa bắt kịp xu thế

Theo TS Nguyễn Thị Kim Thanh (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), “Cho vay tiêu dùng là hoạt động cung cấp các khoản vay cho cá nhân để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho các mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, phân biệt với hoạt động cho vay thương mại nhằm hướng đến mục đích sản xuất, kinh doanh”

Hoạt động cho vay tiêu dùng xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân (mua nhà, mua xe, cho vay qua lương, cho vay qua thẻ tín dụng…) khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu, cho phép họ có thể tiêu dùng trước, chi trả sau dưới nhiều hình thức.

Xã hội càng phát triển thì xu thế này càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, thực trạng cho vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ và chưa tận dụng được hết tiềm năng.

Thống kê cho thấy, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt khoảng 188.000 tỷ đồng, tương đương 5,2% GDP và chiếm khoảng 7% tổng giá trị tiêu dùng cuối cùng vào năm 2013. Con số này là khá khiêm tốn so với các nước trên thế giới.

Tại các nước phát triển, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã chiếm khoảng 7% -20% GDP… 

Cụ thể, tính đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại thị trường Mỹ đã vượt 3.000 tỷ USD (chiếm khoảng 20% GDP), chưa bao gồm dư nợ cho vay thế chấp nhà. Tại thị trường Đức, cho vay tiêu dùng cũng chiếm tới 7,3% GDP; con số này ở Anh là gần 14% GDP; Pháp là khoảng 7% GDP… Ở châu Á, Malaysia cũng đã đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng 24% GDP.

Nhiều người phải tìm đến các công ty tài chính để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng (ảnh minh họa)

Những số liệu này cho thấy, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn là mảnh đất màu mỡ chưa được khai thác hết tiềm năng. Trong khi đó nếu thị trường này phát triển mạnh mẽ, hệ thống tín dụng “đen” chuyên cho vay nặng lãi chắc chắc sẽ không thể làm mưa làm gió. 

Các chuyên gia tài chính cho rằng, vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý cho kênh tài chính tiêu dùng hoạt động, tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh và đáp ứng được khách hàng tốt hơn.Việt Nam có hơn 90 triệu dân, trong số đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn. Dân số Việt Nam được dự báo là sẽ tiếp tục tăng và đạt tới 100 triệu vào năm 2025, đó là con số hết sức thuận lợi cho kênh tài chính tiêu dùng.

Hiện nay, các ngân hàng bị ràng buộc bởi khá nhiều quy định nhằm tránh rủi ro trong tín dụng, nếu điều chỉnh được vấn đề pháp lý thì các ngân hàng sẽ tạo ra nhiều dịch vụ thuận lợi hơn cho khách hàng, hạn chế được tình trạng người dân cần vay tiêu dùng nhưng không vay được ngân hàng, phải tìm đến tín dụng đen.

Diệp Chi

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến