Tin mua được đất làng lụa Hà Đông, nhiều nhà đầu tư sập bẫy
21/10/2014 10:49:59
Nhiều "chủ đầu tư" tay không bắt giặc nhưng vẫn lừa gạt được nhiều khách hàng xuống tiền tỷ để rồi ngậm quả đắng.

Tin liên quan

Do cả tin, mất cảnh giác nên nhiều người dân đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo.

Từ cuối tháng 9 và tháng 10/2104, TAND TP Hà Nội đã mở nhiều phiên tòa xét xử các bị cáo từng là giám đốc công ty tư nhân kinh doanh bất động sản bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Nhìn từ những vụ án này cho thấy, lợi dụng vỏ bọc là giám đốc công ty, các đối tượng đã “vẽ ra” dự án trên giấy rồi kêu gọi góp vốn đầu tư để lừa đảo người dân. Do cả tin, mất cảnh giác nên nhiều người dân đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo. Mong rằng bài học từ những vụ án này sẽ cảnh tỉnh người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh rơi vào cảnh tiền mất, tật mang.

1. Phạm Văn Hải, 43 tuổi, trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Hà Đông đã thông đồng với nhân viên trong công ty để làm giả hồ sơ, lừa bán đất làng nghề Vạn Phúc cho người dân để chiếm đoạt số tiền hơn 9,6 tỷ đồng. Do có nhu cầu mua đất làng nghề tại phường Vạn Phúc, chị Nguyễn Thị Mười, ở Hà Nội, đã nhờ người quen giới thiệu đến gặp Phạm Văn Hải và nhân viên của Hải là Ngô Xuân An tại trụ sở Công ty cổ phần Bất động sản Hà Đông. Tại đây, Hải giới thiệu với chị Mười rằng, công ty đang nắm trong tay nhiều lô đất làng nghề có nhu cầu bán với giá 40 triệu đồng/m2. Chị Mười nghe giới thiệu đã đồng ý mua 225m2 đất với giá thỏa thuận như trên.

Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2011, chị Mười đã 4 lần giao tiền cho An và Phạm Thu Thủy, là cổ đông và cũng là Kế toán của Công ty cổ phần Bất động sản Hà Đông (Thủy là vợ An) với tổng số tiền là 9,6 tỷ đồng. Để có thêm niềm tin nên trước khi giao tiền cho vợ chồng An, chị Mười đều liên hệ trước với Hải và Hải bảo chị Mười: “Nếu tới công ty không gặp tôi thì chị cứ giao tiền cho vợ chồng An, vì vợ chồng An ở tại trụ sở công ty”. Sau khi nhận số tiền trên, Hải đã mời chị Mười đến công ty nhận lại ba loại giấy tờ, gồm: Hợp đồng chuyển nhượng quyền thuê và sử dụng đất; giấy nhận tiền chuyển nhượng thuê đất sản xuất tại điểm công nghiệp dệt lụa Vạn Phúc và giấy ủy quyền có nội dung khẳng định, chị Mười là chủ sở hữu hợp pháp của mảnh đất 225m2 tại làng nghề Vạn Phúc, quận Hà Đông.

Các bị cáo (từ trái qua): Hải, Quang, Hùng và Hiếu.
Bốn tháng sau, do cần tiền sử dụng vào việc khác nên chị Mười đã mang ba loại giấy tờ trên đến gặp Hải và nhờ bán lại lô đất thì Hải nói rằng: “Ba loại giấy tờ đó là giả, chỉ để làm mẫu chứ không bán được”. Sau đó, Hải thoái thác trách nhiệm bằng việc đổ thừa cho An là người làm giả ba loại giấy tờ trên để lừa bán đất, chứ thực tế chẳng có lô đất nào như trong giấy ghi. Biết mình bị lừa, chị Mười nhiều lần đến trụ sở Công ty cổ phần Bất động sản Hà Đông tìm Hải và An để đòi lại số tiền đã đưa, nhưng Hải và An đều thoái thác trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau và không trả lại số tiền đã nhận.
2. Nguyễn Văn Hiếu, 53 tuổi, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội là Phó Giám đốc Công ty Nhật Minh cùng đồng phạm là Nguyễn Thế Hùng, 40 tuổi, trú tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội là Giám đốc Công ty Cầu Vàng đã câu kết để chiếm đoạt số tiền hơn 29 tỷ đồng từ việc góp vốn mua nhà. Kết quả điều tra thể hiện, do “kiếm” được một số văn bản của cơ quan chức năng của TP Hà Nội hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về lập dự án, Hiếu và Hùng đã tự lập dự án nhà chia lô tại khu vực xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội rồi rao bán cho khách hàng. Cuối năm 2010, Hùng tự giới thiệu là chủ đầu tư dự án khu nhà ở tại thôn Hoàng Bốn nằm trên trục nối liền với Khu đô thị mới Tây Hồ, quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm. Để chứng minh Công ty Cầu Vàng là chủ dự án này, Hùng đưa ra hai văn bản, một của Văn phòng UBND TP Hà Nội và một của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội. Thực chất đây chỉ là những văn bản có nội dung hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các trình tự, thủ tục về lập dự án, hướng dẫn theo quy định.

Trong văn bản này cũng nêu rõ: "Nghiêm cấm sử dụng văn bản này để huy động vốn không đúng quy định của pháp luật dưới mọi hình thức". Khi đưa những văn bản này cho khách hàng, Hùng giải thích rằng dự án nhà ở của Công ty Cầu Vàng đã được cơ quan chức năng đồng ý, chỉ đợi văn bản chấp thuận chính thức. Những bản vẽ nhà chia lô do Hùng đưa ra rất hấp dẫn nên nhiều người tin tưởng đồng ý mua với hình thức hợp đồng góp vốn đầu tư kinh doanh. Hùng cam kết với khách hàng đến cuối năm 2011 sẽ bàn giao các lô đất cùng giấy chuyển quyền sử dụng đất cho khách hàng. Đến hạn, Hùng không thực hiện cam kết và có dấu hiệu trốn tránh không trả lại tiền, một số khách hàng đi tìm hiểu mới biết Công ty Cầu Vàng không phải là chủ đầu tư dự án khu nhà ở tại thôn Hoàng Bốn nên đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an.

Quá trình điều tra xác định, từ tháng 8/2010 đến tháng 9/2011, Hiếu và Hùng đã soạn thảo, ký các thỏa thuận góp vốn với khách hàng và đưa các nội dung không đúng sự thật để khách hàng hiểu nhầm là dự án đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt và Công ty Cầu Vàng là chủ đầu tư. Bằng thủ đoạn gian dối, Hiếu và Hùng đã thu tiền để chiếm đoạt của 18 người với tổng số tiền hơn 29 tỷ đồng. Trong đó, Hiếu chiếm đoạt hơn 21 tỷ đồng; Hùng chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng.

3. Bạch Hùng Quang, 42 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư bất động sản Vạn Quang (viết tắt là Công ty Vạn Quang). Với mục đích làm giàu nhanh, Quang tự lập dự án Khu nhà ở thông tầng Vạn Phúc, ở quận Hà Đông rồi tự đưa thông tin Quang là chủ đầu tư dự án để thu tiền của nhiều khách hàng đến mua nhà bằng cách ký "hợp đồng vay vốn mua đất nền". Quang ký hợp đồng với Hợp tác xã Nông nghiệp Vạn Phúc, quận Hà Đông để đầu tư thực hiện Khu trung tâm Thương mại dịch vụ công và bãi đỗ xe tĩnh tại khu đất của hợp tác xã. Do biết Hợp tác xã Nông nghiệp Vạn Xuân có đất xen kẹt tại các khu đô thị, Quang đã nảy sinh ý định làm nhà tại các ô đất này. Mặc dù không có đất tại khu vực nghĩa trang phường Vạn Phúc và chưa có giấy tờ, hồ sơ nào được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về dự án, nhưng Quang đã đưa nhân viên kỹ thuật của Công ty Vạn Quang là Lê Mạnh Hùng ra khu vực cạnh nghĩa trang Vạn Phúc và yêu cầu anh Hùng vẽ thiết kế để "biến" khu đất cạnh nghĩa trang này thành khu nhà ở, đồng thời chia diện tích đất thành nhiều căn hộ, mỗi căn hộ từ 70m2 đến 75m2.

Dựa vào bản đồ do Hùng vẽ, Quang đã tự lập dự án Khu nhà ở thông tầng Vạn Phúc, ghi rõ vị trí, diện tích, thời gian thực hiện để tự quảng bá và đưa thông tin Quang là chủ đầu tư dự án để thu tiền của nhiều khách hàng đến mua nhà bằng cách ký "hợp đồng vay vốn mua đất nền". Chỉ trong thời gian ngắn, Quang đã thu tiền của 12 cá nhân với số tiền gần 23 tỷ đồng, đến nay không có khả năng hoàn trả số tiền trên

Theo CAND.com.vn
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến