Dòng sự kiện:
Tỉnh Thanh Hóa triệu tập 5 sở, ngành họp vụ gỗ dăm không phép
11/05/2016 09:18:42
ANTT.VN – Gần 30 xưởng gỗ dăm trái phép trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã bị “vạch mặt chỉ tên”. Song, xưởng cũ vẫn vô tư hoạt động trong khi nhiều xưởng mới tiếp tục mọc lên như thách thức chính quyền cũng như dư luận.

Tin liên quan

Xưởng gỗ dăm trái phép tiếp tục mọc lên thách thức chính quyền huyện Tĩnh Gia

Trong khi một loạt các nhà máy sản xuất gỗ dăm không phép, trái pháp luật mọc như “nấm” tại huyện Tĩnh Gia và ngay cả trong khu kinh tế Nghi Sơn và nhiều huyện khác của tỉnh Thanh Hóa đã được Sở KH&ĐT Thanh Hóa vạch mặt, chỉ tên chưa được cưỡng chế xử lý và vẫn đang hoạt động công khai, thì hàng loạt xưởng gỗ dăm mới “theo chân” mọc lên đi vào hoạt động. Còn cơ quan hữu trách tại tỉnh Thanh Hóa vẫn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Theo tìm hiểu của PV, tại xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia vẫn tiếp tục “mọc thêm” cơ sở băm dăm không phép như là một sự thách thức pháp luật, thách thức năng lực quản lý của chính quyền địa phương ở đây.

Chiều ngày 10/5 phóng viên đã vào trong khu vực mỏ đá Trường Lâm (xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) của Cty cổ phần 471 và ghi nhận bên trong mỏ đá này có một cơ sở băm dăm không phép vừa xây dựng, lắp đặt dây chuyền xong và đã hoạt động băm dăm. Khi thấy xe chúng tôi vào trong mỏ đá, đến gần khu vực xưởng băm dăm không phép, những người ở xưởng đổ dồn những cái nhìn nảy lửa, đầy đề phòng với chúng tôi.

Chiều cùng ngày, làm việc với phóng viên ông Đỗ Thế Thống- Chủ tịch UBND xã Trường Lâm (Tĩnh Gia) thừa nhận với phóng viên đó là cơ sở băm dăm không phép của ông Trương Thế Chất (người xã Trường Lâm). Theo ông Thống thì cuối tháng 4, UBND xã đã phát hiện sự việc này và thành lập tổ công tác đến kiểm tra, yêu cầu đình chỉ xây dựng và xử phạt hành chính, thẩm quyền xử phạt của xã chỉ đến mức 5 triệu đồng.

“Chúng tôi đang bận chuẩn bị cho công tác bầu cử nên không biết là họ đã hoàn thiện và đi vào sản xuất”- ông Đỗ Thế Thống- Chủ tịch UBND xã Trường Lâm (Tĩnh Gia) nói. Theo ông Thống thì UBND xã đã có báo cáo vụ việc này với UBND huyện Tĩnh Gia. “Tôi đã điện thoại báo cáo vụ việc cho anh Hồ Đình Tùng”- Phó Chủ tịch UBND huyện về việc này”- ông Thống nói.

Trước đó, ông Cao Văn Sự, Phó chủ tịch xã Trường Lâm thừa nhận: “Hiện nay trên địa bàn xã có công ty cổ phần Tân Phú đang xây dựng nhà máy gỗ dăm trái phép. Sau khi phát hiện doanh nghiệp này xây dựng nhà máy gỗ dăm thì xã đã xuống làm việc, lập biên bản yêu cầu ngừng thi công và xử lý hành chính đồng thời báo cáo lên huyện”.

Đã bị đình chỉ thi công, công ty Tân Phú vẫn ngang nhiên dựng xưởng gỗ dăm trái phép ở xã Trường Lâm

“Tuy nhiên, công ty Tân Phú vẫn lén lút thi công, xã đã cử công an ngăn chặn bảo vệ nguyên hiện trường. Đồng thời xã cũng biết thông tin công ty Tân Phú đã chở bàn cân về và xin mua điện từ bên thị xã Hoàng Mai huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An. Trước sự việc này, xã Trường Lâm đã có tờ trình gửi chi nhánh điện huyện Quỳnh Lưu đề nghị phối hợp không bán điện cho doanh nghiệp Tân Phú” – ông Sự cho biết thêm.

Nói thêm về thực trạng sản xuất gỗ dăm trái phép tại xã Trường Lâm, phó chủ tịch xã Cao Văn sự tỏ ra ngán ngẩm và bất lực. Theo ông Sự thì những xưởng đang trong quá trình xây dựng như của công ty Tân Phú thì xã còn có thể ngăn chặn đình chỉ thi công giữ nguyên hiện trạng. Còn các xưởng đã đi vào sản xuất như xưởng Minh Long và Việt Trung thì xã gần như bất lực.

Dù vấn nạn gỗ dăm vẫn đang “hoành hành” gây ra nhiều hệ lụy, song dường như UBND huyện Tĩnh Gia và BQL KKT Nghi Sơn vẫn “bình chân như vại” như không có chuyện gì. Theo ông Đỗ Thế Thống thì đến nay chưa nhận được chỉ đạo của UBND huyện Tĩnh Gia về xử lý xưởng gỗ dăm trái phép này. Ông Thống thông tin rằng cơ sở sản xuất gỗ dăm không phép trên thuê đất của mỏ đá Trường Lâm và một hộ dân tên là Quang để làm xưởng. “Ông Quang là người được UBND xã ký hợp đồng cho thuê đất để phục vụ mục đích sản xuất chăn nuôi, nay cho thuê lại, sử dụng sai mục đích nếu không khắc phục chúng tôi sẽ thu hồi. Chúng tôi có thể đề nghị với mỏ đá Trường Lâm hoặc đơn vị ga tàu hỏa là những đơn vị có thể đã cấp điện để cơ sở này sản xuát dừng việc cấp điện cho hoạt động vi phạm pháp luật này”- Chủ tịch UBND xã Trường Lâm khẳng định.

Trách nhiệm thuộc về UBND huyện Tĩnh Gia

Dư luận đang hết sức quan tâm, chờ đợi sự quyết tâm xử lý triệt để của lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đối với các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động băm dăm trái pháp luật này, đồng thời xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước khi để xẩy ra tình trạng sản xuất gỗ dăm không phép, trái phép tràn lan trên địa bàn gây bức xúc trong dư luận.

Ngày 10/5, trao đổi với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Đức Quyền- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết ngày 11/5 UBND tỉnh sẽ họp bàn về vấn đề xử lý gỗ dăm không phép, trái phép xẩy ra trên địa bàn tỉnh như báo chí đã phản ánh trong thời gian qua. Được biết ông Nguyễn Đức Quyền- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ chủ trì họp cùng lãnh đạo các sở: Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND các huyện, BQL khu kinh tế Nghi Sơn để bàn thảo về thực trạng và phương pháp xử lý các cơ sở sản xuất gỗ dăm không phép, trái phép đã đang gây nhức nhối trên địa bàn tỉnh. Quan điểm là xử lý kiên quyết, dứt điểm theo đúng tinh thần pháp luật, công khai minh bạch đối với vấn đề này

Trả lời câu hỏi về việc trách nhiệm thuộc về ai khi tình trạng các xưởng sản xuất gỗ dăm hoạt động trái pháp luật liên tục được xây dựng và hoạt động trong thời gian dài mà không được xử lý triệt để, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Quyền khẳng định là trách nhiệm trước tiền thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn. Như việc để xẩy ra tình trạng sản xuất gỗ dăm trái phép, không phép trong khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, trách nhiệm trước tiên thuộc UBND huyện Tĩnh Gia là đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Bên trong mỏ đá Trường Lâm (xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia) là một cơ sở sản xuất gỗ dăm không phép vừa được xây dựng và đi vào sản xuất

Cũng liên quan đến vấn đề này, sáng ngày 10/5, làm việc với phóng viên, ông Hoàng Tuấn Anh- Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa là đơn vị được UBND tỉnh Thanh Hóa giao kiểm tra, báo cáo, đề xuất xử lý nạn gỗ dăm không phép, trái phép cho rằng kết quả kiểm tra Sở KH&ĐT đã hoàn tất và sẽ báo cáo đầy đủ lãnh đạo UBND tỉnh vào buổi họp sáng ngày 11/5. Vị Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Thanh Hóa thừa nhận nạn tồn tại các cơ sở sản xuất gỗ dăm không phép, trái phép như hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang để lại nhiều vấn đề nhức nhối, hệ lụy.

Về vấn đề tại sao trong báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở KH&ĐT không đề xuất việc xem xét trách nhiệm đối với UBND huyện Tĩnh Gia, BQL khu kinh tế Nghi Sơn khi để tình trạng băm dăm không phép, trái phép xẩy ra tràn lan trên địa bàn, ông Hoàng Tuấn Anh- Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho rằng đơn vị chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, báo cáo lại UBND tỉnh, xử lý như thế nào lãnh đạo UBND tỉnh sẽ quyết, mọi việc sẽ được đưa ra ở hội thảo về việc này vào sáng 11/5 ở cuộc họp do lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì.

Cũng vấn đề trên, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ngày 10/5 trao đổi với phóng viên và cho rằng việc xử lý, cưỡng chế các cơ sở vi phạm cần được xem xét, xem vi phạm đến đâu, như thế nào để xử lý. Hiện tại chưa có phương án cưỡng chế đối với các cơ sở sản xuất gỗ dăm không phép, hoạt động trái pháp luật. Trước đó, như đã thông tin, khi được hỏi về trách nhiệm, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia gây nghi ngờ trong dư luận khi cho rằng: “Cái đó đi mà hỏi BQL khu kinh tế, huyện chỉ lo cho đời sống nhân dân”.

Liệu cuộc họp ngày 11/5, tỉnh Thanh Hóa có giải quyết dứt điểm vấn nạn gỗ dăm trái phép. Trách nhiệm thuộc về đơn vị nào, và sẽ được xử lý ra sao đang là những câu hỏi được dư luận rất quan tâm và chờ đợi.

Thủy Tiên 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến