Tại buổi làm việc với UBND TPHCM sáng 12/7, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, yêu cầu địa phương làm rõ về những ách tắc đang làm cản trở cho sự phát triển. Trong đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đặt câu hỏi cho việc, vì sao thành phố mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc nhưng vấn đề ùn tắc giao thông, ngập nước vẫn chậm và chưa đạt yêu cầu.
"Có vẻ cách tiếp cận của chúng ta trong giải quyết ùn tắc giao thông còn chưa trúng. Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc về vấn đề này nhưng đến nay, sự chuyển biến còn chậm", ông Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại buổi làm việc với UBND TPHCM (Ảnh: HMC).
Thiệt hại tỷ đô vì kẹt xe
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, qua nghiên cứu của đơn vị và Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, mỗi năm, địa phương này thiệt hại khoảng 6 tỷ USD vì tình trạng ùn tắc giao thông.
Về giải pháp, đơn vị này đã nghiên cứu thực hiện một số đề án nhằm làm giảm phương tiện cá nhân, phát triển phương tiện công cộng. Với 25 nhóm giải pháp đề ra, thành phố hướng tới việc phát huy hiệu quả của các phương tiện vận tải hành khách công cộng vào năm 2025.
"Các dự án đường vành đai 2, 3, 4 đã và đang được triển khai. Khi hoàn thành, các phương tiện đi vào khu vực trung tâm thành phố sẽ được giảm đi, tình trạng ùn tắc sẽ cải thiện", ông Phan Công Bằng nêu giải pháp.
TPHCM mất 6 tỷ USD mỗi năm vì tình trạng kẹt xe (Ảnh: Ip Thiên).
Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cũng nêu hạn chế, hiện tại, quy hoạch phát triển giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía nam mới được đầu tư giai đoạn 1 hoặc đang nghiên cứu. Do đó, việc liên kết giao thông trong vùng còn thiếu và gặp nhiều khó khăn. Tình trạng ùn tắc, kẹt xe thường xuyên diễn ra, đặc biệt dịp lễ, tết.
Ngoài ra, nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của TPHCM và vùng Đông Nam Bộ còn hạn chế. Khu vực chưa có hệ thống vành đai hoàn chỉnh, các tuyến quốc lộ, nút giao quan trọng cũng chưa được đầu tư, mở rộng.
Mặt khác, vận tải đường sắt, đường thủy của vùng cũng chưa được quan tâm đúng mực. Trong đó, luồng tuyến giao thông thủy liên kết vùng không đồng cấp, nhất là về độ sâu.
"Tuyến giao thông thủy huyết mạch từ TPHCM đi các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long phải qua kênh Chợ Gạo, nhưng tuyến kênh này vẫn chưa đảm bảo về chiều rộng cho các phương tiện đi lại với số lượng ngày càng tăng. Hệ thống logistics rất yếu kém, hầu như chưa hình thành", ông Phan Công Bằng nêu vấn đề.
Cần cách tiếp cận khác về vấn đề kẹt xe
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng, vấn đề kẹt xe đang có những tác động lớn tới sự phát triển của địa phương. Để giải quyết được hạn chế này, thành phố đã triển khai đề án tổ chức lại giao thông công cộng, trong đó có nghiên cứu cả hành vi, thói quen, văn hóa giao thông.
"Ví dụ về câu chuyện thực hiện các tuyến metro, thành phố cần có cách tiếp cận khác. Nếu chỉ làm từng tuyến rời rạc, đến năm 2045, hệ thống metro trên địa bàn cũng chưa xong mà xong thì cũng không thể phát huy hiệu quả", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Dưới góc độ phát triển giao thông của cả vùng, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, mạng lưới giao thông thủy, đường sắt và đường bộ cần được tập trung đầu tư đồng bộ.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, nêu giải pháp để phát triển thành phố (Ảnh: HMC).
Ông Phan Văn Mãi dẫn chứng, hiện tại, mạng lưới đường sắt quốc gia có 9 quy hoạch thành phần. Mạng lưới này cần được tiếp cận với góc độ chia làm từng vùng từng lĩnh vực như logistics, trung tâm dân cư, trung tâm công nghiệp.
"Đối với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ, khi các phương tiện cá nhân đang là trở lực, chúng ta cần tổ chức lại phương tiện hành khách vùng bằng cả đường bộ, đường sắt, đường thủy", lãnh đạo UBND TPHCM nêu giải pháp.
Ông Phan Văn Mãi cũng chia sẻ thêm, việc phát triển giao thông còn giúp địa phương có thêm nguồn lực để phát triển. Vấn đề quan trọng hiện nay là quy hoạch sử dụng đất theo hệ thống giao thông, tạo cơ chế, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng đáp ứng được tiến độ, đẩy nhanh việc thực hiện từng dự án.
"Sở TN&MT thành phố đã có sáng kiến về đề án phát triển kinh tế xã hội gắn liền các tuyến đường giao thông", ông Phan Văn Mãi thông tin.
Cụ thể, lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, hiện tại tuyến đường vành đai 3 TPHCM có khoảng 2.000ha đất liền kề, chủ yếu là đất nông nghiệp, ít dân cư. Nếu thu hồi và đấu giá đối với diện tích đất này, địa phương dự kiến thu hồi được hơn 100.000 tỷ đồng.
Tác giả: Q.Huy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy