Dòng sự kiện:
Triển lãm tranh 'Du và dội' của kỳ nhân Ngô Xuân Bính
10/11/2017 06:20:54
Triển lãm tranh của kỳ nhân Ngô Xuân Bính kết hợp với một họa sĩ khác mang tên "Du và dội" cũng có nhiều điều kỳ lạ như chính cuộc đời ông vậy.

Đến với triển lãm tranh “Du và dội” của Ngô Xuân Bính và Lê Văn Thìn tại Bảo tàng Hà Nội, người xem choáng ngợp trước hơn 300 tác phẩm trưng bày với đủ các thể loại: sơn mài, sơn dầu, giấy dó, chất liệu tổng hợp….

Đây là triển lãm tranh có quy mô lớn nhất được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội và cũng là triển lãm lớn nhất của họa sĩ Ngô Xuân Bính tại Việt Nam. Triển lãm tập trung hướng vào ý niệm tinh thần của truyền thống và hiện đại với mong muốn nhận ra thế giới luôn kỳ lạ, rất thương yêu và mới mẻ.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh kỷ niệm cùng các khách mời

Có lẽ sức hút từ cái tên Ngô Xuân Bính, kỳ nhân với cuộc đời như những trang tiểu thuyết đã khiến người ta quên bẵng đi cái tên triển lãm giàu sức gợi “Du và dội” hay quy mô “khủng” của nó. Gọi là giáo sư, viện sỹ vẫn chưa đủ bởi người ta nghe danh Ngô Xuân Bính là võ sư sáng lập môn phái võ Nhất Nam rồi phát triển dòng võ dân tộc này ở châu Âu.

Triển lãm thu hút rất đông người yêu hội họa. Có người tìm đến để thỏa mãn “cơn khát” khi nghe tiếng vang tên tuổi Ngô Xuân Bính vọng về từ châu Âu. Còn có người đơn thuần vì tò mò không biết tranh của một kỳ nhân sẽ như thế nào.

Khách tham quan chiêm ngưỡng và bàn luận về một tác phẩm tranh sơn mài

Có thể, người ta bắt gặp tranh của Ngô Xuân Bính riêng lẻ trong một vài triển lãm hay trên phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng “Du và dội” là một cơ hội hiếm hoi để chiêm ngưỡng gia tài hội họa đồ sộ của kỳ nhân này.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính bộc bạch: “Hơn 200 tác phẩm triển lãm lần này dường như “phơi bày” cuộc sống “hỉ, nộ, ái, ố” của tôi bởi “tranh là đời, đời là tranh”. Những bức như: “Hớp hồn”; “Tiềm thức”; “Hoang dại”; “Bí ẩn” hay như tác phẩm “Lên đồng”; “Vân tranh” tôi lấy ý niệm về chuyện cổ tích và huyền thoại trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam...”

Ngô Xuân Bính theo đuổi sơn mài và đã tạo bước đột phá trên chất liệu truyền thống này. Không chỉ kế thừa lối vẽ “Âm”, ông mạnh dạn kết hợp lối vẽ của phương Tây, diễn tả trực tiếp cảm xúc, màu sắc, đường nét bằng cách vẽ đắp vào, bôi vào... tạo thành lối vẽ “Dương”. Sự kết hợp này vừa khiến lối vẽ “Âm” thêm lung linh, bí ẩn những lớp màu với chiều sâu ẩn hiện vừa giúp cho cách vẽ “Dương” thêm mạnh mẽ, tươi sáng, màu sắc như được dồn nén, tạo sự hài hòa.

Một bạn trẻ thích thú chụp lại hình ảnh bức tranh sơn mài trưng bày tại triển lãm

Trong triển lãm này, Ngô Xuân Bính “bắt tay” với họa sĩ nổi danh với dòng sơn mài trắng Lê Văn Thìn. Những bức họa ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người đầy ắp trong những sáng tác gần đây đã được họa sĩ Lý Trực Sơn nhận xét: “Lê Văn Thìn hiện nay có một lối vẽ riêng, độc đáo và độc đạo. Nhưng theo dõi quá trình lao động nghệ thuật của Thìn, người ta thấy phong cách của anh không thể cố tạo ra được. Bây giờ anh đang có loạt tranh sơn mài dùng vỏ trứng vỏ sò làm chất liệu chính. Tôi đã đặt tên cho loạt tranh vỏ trứng vỏ sò của Thìn là “Sơn mài trắng”. Tôi không muốn diễn tả chúng nhiều vì tin rằng giữa tranh của anh và người xem sẽ có một cuộc đối thoại thú vị”.

Cận cảnh một số bức tranh được trưng bày tại triển lãm:

Họa sĩ Ngô Xuân Bính (sinh năm 1957) vốn nổi tiếng là võ sư sáng lập môn phái võ Nhất Nam, đồng thời ông còn là thầy thuốc giỏi ứng dụng y học dân tộc để chữa bệnh, với nhiều công trình khoa học nổi tiếng thế giới.

Những năm gần đây, Ngô Xuân Bính bắt đầu ghi dấu ấn của mình trong lĩnh vực hội họa với 2 lần triển lãm tranh ở Minxcơ và 3 triển lãm cá nhân ở Matxcơva. Năm 2006, ông đạt giải ARTIADA - Giải xuất sắc của Triển lãm Nghệ thuật tại Liên hoan Nghệ thuật tổng hợp quốc tế lần thứ 7 tại Matxcơva.

Năm 2008, ông đạt giải xuất sắc và được bình chọn là một trong 10 hiện tượng Hội họa trong tháng tại Triển lãm quốc tế lần thứ 2 ở Matxcơva. Đặc biệt, năm 2010, Ngô Xuân Bính là 1 trong 2 người nước ngoài duy nhất được Viện Hàn lâm nghệ thuật tạo hình Liên bang Nga trao tặng danh hiệu "Viện sĩ danh dự"…

 Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến