Dòng sự kiện:
Trung Quốc lần đầu tiên có luật chống khủng bố
28/12/2015 17:03:10
ANTT.VN – Đạo luật mới có thể bắt buộc các hãng công nghệ nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc phải cung cấp thông tin cho Chính phủ, đồng thời dấy lên những quan ngại đối với cộng đồng dân tộc thiểu số ở nước này.

Tin liên quan

Toàn cảnh cuộc họp hôm qua (27/12) của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (NPC). Ảnh: THX

Theo Tân Hoa Xã, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (NPC) chiều muộn hôm qua (27/12) đã nhất trí thông qua Luật Chống khủng bố đầu tiên của nước này, nhằm đối phó với nguy cơ bất ổn ngày càng gia tăng cả trong lẫn ngoài nước.

“Các vụ tấn công khủng bố đã và đang gây ra những thiệt hại to lớn về người và của, đe dọa an ninh, ổn định, phát triển kinh tế cũng như đoàn kết dân tộc”, THX dẫn lời một quan chức NPC.

Đạo luật mới sẽ có hiệu lực ngay đầu năm 2016, giúp tạo ra một khung pháp lý cho các hành động chống khủng bố trong nước, cũng như hợp tác với các quốc gia khác trong lĩnh vực này, theo THX.

Tuy nhiên giới quan sát quốc tế cho rằng đạo luật mới của Bắc Kinh có nhiều điểm “lập lờ”, chưa rõ ràng.

Một mũi tên trúng hai đích?

Luật mới có đoạn: “Hành động khủng bố là bất cứ hành vi nào sử dụng bạo lực, gây hoang mang, bất ổn trong xã hội, phá hoại an ninh công cộng, xâm phạm quyền cá nhân hoặc tập thể, phá hoại bộ máy nhà nước hay các tổ chức quốc tế, kích động khác biệt chính trị”.

Tuy nhiên nhiều ý kiến nhận định bên cạnh mục đích chống khủng bố thật sự, Bắc Kinh đang muốn sử dụng luật mới nhằm siết chặt hơn nữa “bàn tay” đối với các tộc người thiểu số, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương.

Duy Ngô Nhĩ là một tộc người thiểu số có nguồn gốc với người Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn theo dòng Hồi giáo Sunni. Căng thẳng trong xã hội Tân Cương ngày một lên cao trong bối cảnh nhiều nguồn tin cho thấy Bắc Kinh đang có “dã tâm” đồng hóa dân tộc này, bằng cách di cư hàng trăm nghìn người Hán lên vùng khu tự trị này.

Tháng 3 năm ngoái, 8 thành phần cực đoan Duy Ngô Nhĩ đã thực hiện một vụ thảm sát bằng dao ở nhà ga thành phố Côn Minh. Tháng trước, chính quyền Tân Cương thông báo đã tiêu diệt 28 “tên khủng bố” Duy Ngô Nhĩ với cáo buộc giết chết 16 người tại một mỏ than trước đó. Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ xung đột mang tính chất sắc tộc tại Tân Cương trong một thập kỉ qua.

Cảnh sát được triển khai tại một khu vực mua sắm ở Bắc Kinh hôm Chủ nhật (27/12). Ảnh: Getty Images

Chính quyền trung ương cáo buộc căng thẳng xảy ra do một bộ phần người Duy Ngô Nhĩ bị “tuyên truyền, nhồi sọ tư tưởng xấu” từ các thế lực cực đoan thù địch bên ngoài.

Ở chiều ngược lại, các ý kiến đối lập khẳng định mâu thuẫn tới ngay trong nội bộ xã hội Trung Quốc, khi người Duy Ngô Nhĩ ngày càng bị chèn ép, phân biệt đối xử so với người Hán.

Theo The New York Times, đạo luật mới này đang làm dấy lên những lo ngại rằng không chỉ riêng người Duy Ngô Nhĩ, mà nhiều tộc người thiểu số khác ở Trung Quốc sẽ dần bị cô lập, đồng hóa và mất đi tiếng nói trong xã hội.

Tiếp cận bí mật thương mại & Siết chặt quản lý thông tin?

Một điểm đáng chú ý nữa trong đạo luật chống khủng bố đầu tiên của Trung Quốc là việc các công ty công nghệ hoạt động trên lãnh thổ nước này sẽ bị buộc phải cung cấp bất cứ thông tin nào nếu được yêu cầu:

“Các công ty dịch vụ viễn thông và Internet sẽ phải cung cấp thông tin kĩ thuật, thông tin mã hóa và tuân thủ mọi yêu cầu của nhà chức trách nhằm ngăn chặn các hành vi khủng bố”.

Trong lúc này, một số ý kiến lo ngại rằng Bắc Kinh có thể lợi dụng đạo luật mới như một công cụ thu thập dữ liệu thương mại hay bí mật công nghệ, ngoài ra còn giúp Chính phủ nước này tiếp tục siết chặt mọi ngả đường tiếp cận thông tin của người dân.

Một cửa hàng Apple Store tại Thượng Hải. Ảnh: Reuters

“Đạo luật trên sẽ giúp Bắc Kinh có thêm nhiều công cụ hơn để đẩy mạnh kiểm soát những thông tin trái chiều trong xã hội”, William Nee, một nhà nghiên cứu tại Tổ chức Ân xá Quốc tế, nhận định.

Các công ty đa quốc gia có hoạt động rộng rãi tại Trung Quốc như Cisco, IBM hay Apple cũng đã bày tỏ lo ngại về đạo luật trên.

“Những tập đoàn công nghệ quốc tế ở Trung Quốc đã phải đối mặt với nguy cơ lộ bí mật kinh doanh khi Dự thảo Luật Chống khủng bố được đưa ra từ 2-3 năm nay, khi mà Bắc Kinh sẽ có nhiều quyền hạn hơn để tiếp cận những thông tin tối mật của các công ty trên”, Scott D. Livingston, luật sư tại hãng tư vấn Simone IP Services, đồng thời là người theo sát tiến trình thông qua đạo luật, cho biết.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Obama đã chỉ trích mạnh mẽ dự thảo trên, đồng thời cảnh báo các tập đoàn Mỹ sẽ phản ứng gay gắt nếu Bắc Kinh thông qua đạo luật.

Về phần mình, Hồng Lỗi - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết những chỉ trích của TT. Obama là “vô lý và không có căn cứ”.

Trong khi đó, Li Shouwei, cố vấn cao cấp của NPC trong cuộc họp hôm qua khẳng định các công ty đa quốc gia không có bất kì lý do nào để lo ngại về đạo luật trên:

“Những điều luật này sẽ không ảnh hưởng tới các hoạt động kinh doanh cơ bản của bất cứ một công ty hoạt động hợp pháp nào”.

Nghi Điền

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến