Dòng sự kiện:
Trường hợp xấu nhất, lợi nhuận Yeah1 sẽ mất 83% nếu không đàm phán được
10/03/2019 18:02:57
Trong kịch bản xấu nhất là đàm phán thất bại thì Yeah1 Network, ScaleLab và SpringMe sẽ không còn là đối tác đa kênh của Youtube. Dự báo mới nhất của Cty chứng khoán HSC cho rằng lợi nhuận của Yeah1 có thể mất 83%.

Hiện Chủ tịch Yeah1 Group, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đang làm việc với phía YouTube, để tìm một giải pháp tích cực, giúp duy trì thỏa thuận sau ngày 31/3 tới. Tuy nhiên, kết quả của cuộc làm việc chưa được công bố.

Theo Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) phân tích, doanh nghiệp này có nguồn thu từ 3 kênh chính. Thứ nhất, từ các kênh do Yeah1 Group sở hữu. Người quảng cáo sẽ trả tiền cho YouTube, để người xem YouTube xem quảng cáo của mình. YouTube chia 55% doanh thu từ đây cho người sở hữu kênh video trên YouTube, tức Yeah1 Group.

Nguồn thu thứ hai từ hoạt động đa kênh. Tức với vai trò là một nhà mạng đa kênh, Yeah1 Group tạo ra doanh thu từ tuyển chọn và quản lí từ các kênh YouTube của bên thứ ba.

Yeah1 Group sẽ cung cấp các dịch vụ như kiếm tiền trên mạng, quản trị bản quyền số, khuyến mãi chéo, hợp tác tài trợ thương hiệu cho người sở hữu kênh và người sáng tạo nội dung... Trong trường hợp này, nguồn thu sẽ đến từ người quảng cáo trả cho YouTube.  YouTube sẽ trả 55% tiền thu được này cho các nhà mạng đa kênh. Các nhà mạng đa kênh giữ 5%-30% số tiền nhận được từ YouTube cho dịch vụ cung cấp đến người sở hữu kênh.

Nguồn thu thứ ba của Yeah1 Group đến từ cho thuê quảng cáo trực tiếp. Các nhà quảng cáo sẽ làm việc trực tiếp với công ty, để quảng cáo sản phẩm trên các kênh của Yeah1 Group.

Trong các nguồn thu đó, nguồn từ mạng lưới đa kênh đóng góp chính vào doanh thu của Yeah1 Network. Năm 2018, nguồn này đóng góp 67% tổng doanh thu năm 2018. Cụ thể là 19,28 triệu USD, tương đương 461,7 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 3,94 triệu USD (91,8 tỉ đồng), tăng gần 100%.

Theo Yeah1, dù chiếm tới 67% tổng doanh thu của Yeah1 Network, nhưng doanh thu từ quản lí kênh của bên thứ ba chỉ đem lại lợi nhuận sau thuế 1 triệu USD, tương đương 25% lợi nhuận sau thuế của Yeah1 Network và 13% lợi nhuận sau thuế của Yeah1 Group. 

Nguyên nhân do Yeah1 Group tính phí dịch vụ đối với người sở hữu kênh chỉ bằng 5-30% số tiền YouTube trả cho người sở hữu kênh. Trong khi đó, các kênh do Yeah1 Group sở hữu đem lại 0,7 triệu USD lợi nhuận sau thuế, tương đương 17,7% lợi nhuận sau thuế của Yeah1 Network trong năm 2018.

Theo phân tích này, có thể thấy Yeah1 duy trì 2 hoạt động gồm quản lí các kênh tự sở hữu và quản lí kênh của bên thứ 3. Song mô hình hoạt động của 2 loại khá tương đồng, cùng nhận được 55% doanh thu quảng cáo từ YouTube.

Điều này có thể thấy, nếu không đàm phán được và buộc phải thực hiện như thông báo của Youtube sau 31/3, thì lợi nhuận của Yeah1 sẽ mất 83%.

HSC cho rằng, trong kịch bản xấu nhất là đàm phán thất bại thì Yeah1 Network, ScaleLab và SpringMe sẽ không còn là đối tác đa kênh của Youtube.

Điều này đồng nghĩa với việc không còn doanh thu từ quản lý kênh của bên thứ ba; không còn doanh thu từ ScaleLab do hầu hết doanh thu của ScaleLab đến từ quản lý kênh của bên thứ ba. Ngoài ra, Yeah1 Group sẽ phải trích lập và xóa hết khoản đầu tư vào ScaleLab, đồng thời hạch toán lỗ 12 triệu USD từ khoản đầu tư này. Số tiền này được Yeah1 thanh toán mua 100% cổ phần ScaleLab.

Với kịch bản này, HSC dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ sẽ bị điều chỉnh giảm 83,8% từ dự báo trước đây là 256,7 tỷ đồng (tăng trưởng 64,8%) xuống còn26 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu YEG đang trải qua phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp khiến thị giá rơi từ 245.000 đồng về 170.600 đồng. Vốn hóa thị trường đã bị "thổi bay" hơn 2.300 tỷ đồng. Phiên giao dịch hôm qua của YEG ghi nhận thanh khoản đột biến với gần 600.000 cổ phiếu được sang tay. Trong đó, khoảng 120.000 cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận tại giá sàn.

Đại diện truyền thông của Yeah1 cho biết tạm thời chưa ước tính được thiệt hại từ sự cố vận hành YouTube. Ban lãnh đạo doanh nghiệp này đang tập trung đàm phán với Youtube và bước đầu có những tín hiệu tích cực. Kết quả làm việc chính thức dự kiến cập nhật trước ngày 11/3.

Yeah1 bắt đầu cung cấp dịch vụ giải trí kết hợp quảng cáo thông qua việc trở thành đối tác đa kênh (Multi Channel Network – MCN) của YouTube từ năm 2015. Vai trò của công ty, có thể hiểu đơn giản, là trung gian kết nối người sáng tạo nội dung video và YouTube.

Thực tế chủ sở hữu các kênh có thể làm việc trực tiếp với YouTube để kiếm tiền, nhưng xu hướng hiện nay là hợp tác với các MCN để hưởng nhiều quyền lợi hơn như được bảo vệ bản quyền, hỗ trợ đóng thuế thu nhập cá nhân, tận dụng nội dung có bản quyền để phát triển sản phẩm mới, tối ưu hoá không gian quảng cáo...

Các nhãn hàng sẽ trực tiếp trả tiền cho YouTube để phân phối quảng cáo đến người xem. Tỷ lệ ăn chia của YouTube và Yeah1 Network là 45-55. Công ty giữ từ 5% đến 30% phần doanh thu nhận được, còn lại thanh toán cho chủ sở hữu các kênh.

MCN là gì?

Với vai trò là một nhà mạng đa kênh, Yeah1 Group tạo ra doanh thu từ tuyển chọn và quản lý từ các kênh YouTube của bên thứ ba. Là một nhà mạng MCN (mạng lưới đa kênh trên YouTube), Yeah1 Group cung cấp các dịch vụ như kiếm tiền trên mạng, quản trị bản quyền số, khuyến mãi chéo, phát triển người xem mục tiêu, phát triển sản phẩm, hợp tác tài trợ thương hiệu cho người sở hữu kênh và người sáng tạo nội dung.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến