Dòng sự kiện:
Truyền 18 lọ huyết thanh cứu bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn
23/09/2020 10:47:00
Ra vườn hái rau, người đàn ông bất ngờ thấy đau nhói ở ngón tay, 2 vết răng sắc lẹm. Sau 10 phút truy tìm, người nhà phát hiện con rắn lục đuôi đỏ nên lập tức đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Tai nạn trên vừa xảy đến với anh N.P.T. (43 tuổi). Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện quận Thủ Đức, TP HCM trong tình trạng bị sưng, phù nề ngón tay giữa của bàn bên trái, lan rộng đến cẳng tay. 

Trước đó anh P.T. ra vườn hái rau, trong lúc đưa tay với những ngọn rau thì anh có cảm giác đau nhói ở ngón tay, nên giật lại theo phản xạ. Nhìn kỹ vị trí bị tổn thương, anh phát hiện có 2 lỗ nhỏ, chảy máu nghi bị loài vật có nọc độc tấn công nên anh cùng người nhà đã truy tìm.

Sau khoảng 10 phút vây quanh vườn tìm kiếm, mọi người tá hỏa phát hiện con rắn màu xanh lục đuôi có màu đỏ đang núp mình trong vườn rau. Ngay sau đó, nạn nhân được garo cánh tay đưa đưa đến bệnh viện cấp cứu.   

Sau khi xác định loại và họ rắn, bác sĩ thăm khám và xác định bệnh nhân có tổn thương tại chỗ nặng, vết cắn vùng ngón tay sưng, phù nề lan đến giữa cẳng tay. Các bác sĩ đã sử dụng kháng sinh và rửa vết cắn ngừa nhiễm trùng, ngừa uốn ván, truyền 5 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục trong vòng 1 tiếng. 

Sau 1 tiếng, tình trạng nhiễm độc của bệnh nhân không thuyên giảm, triệu chứng tổn thương tại chỗ nặng hơn lan lên khuỷu tay. Các bác sĩ quyết định truyền lặp lại 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn trong 1 giờ tiếp theo. Sau khi truyền tổng cộng 15 lọ huyết thanh, tình trạng tổn thương tại chỗ ngưng diễn tiến.

Bệnh nhân tiếp tục được truyền 3 liều huyết thanh kháng nọc rắn duy trì trong 18 giờ tiếp theo, các biểu hiện tổn thương, tình trạng nhiễm độc được đẩy lùi. Ngày 23/9 sức khỏe bệnh nhân đã bình phục tốt. 

Bác sĩ Vũ Ngọc Chức, Trưởng khoa Cấp Cứu cho biết mỗi năm, Bệnh viện quận Thủ Đức tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị rắn độc cắn. Ở nước ta, các trường hợp bị rắn độc cắn thường gặp 2 họ rắn chính đó là họ rắn hổ và họ rắn lục. Nếu không xác định được loại rắn độc nào cắn thì bác sĩ sẽ dựa trên biểu hiện nhóm triệu chứng rắn cắn để nhận diện họ rắn từ đó có hướng điều trị thích hợp. 

2 vết răng trên ngón tay giữa của người bệnh bị rắn cắn khi đang hái rau

Đối với họ rắn hổ, 2 nhóm biểu hiệu thường gặp là tổn thương mô tại chỗ (đau, phù nề diễn tiến, hoại tử...) và biểu hiện thần kinh (yếu cơ, liệt cơ, liệt dây thần kinh...). Nguyên nhân tử vong trước nhập viện thường gặp là yếu liệt cơ hô hấp do nọc rắn gây nên. 

Đối với họ rắn lục, 2 nhóm biểu hiệu thường gặp là tổn thương mô tại chỗ và biểu hiện bất thường về huyết học (chảy máu, rối loạn đông máu). Nguyên nhân tử vong thường do chảy máu, mất máu diễn tiến rất nhanh và nặng. 

Bác sĩ khuyến cáo, nếu không may bị rắn cắn hoặc phát hiện người bị rắn cắn cần đưa nạn nhân rời khỏi hiện trường an toàn. Người bị rắn cắn phải hạn chế vận động, rửa- băng ép và nẹp cố định vùng chi bị rắn cắn nhằm hạn chế việc hấp thu nọc độc qua đường bạch huyết. Gọi cấp cứu 115 để vận chuyển người bệnh đến bệnh viện xử trí cấp cứu, truyền huyết thanh kháng nọc độc rắn nếu có chỉ định. 

Các sai lầm thường gặp trong sơ cứu rắn cắn là rạch, hút nọc độc, buộc garo quá chặt khiến máu không thể lưu thông dẫn tới hoại tử chi, đắp lá cây, bôi các chất lạ vào vùng bị cắn… Việc sơ cứu không đúng sẽ gây nguy hiểm thêm cho người bị rắn cắn như: nhiễm trùng, đoạn chi và thậm chí tử vong. 

Tác giả: Vân Sơn

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến