Tin liên quan
Năm 2015 đánh dấu bước ngoặt đối với CTCP Thủy sản Minh Phú khi tự nguyện xin hủy niêm yết trên HoSE do muốn bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, “trở thành tập đoàn thủy sản có quy mô toàn cầu” nhưng cũng là năm báo lỗ kinh doanh thay vì lãi nghìn tỷ như dự kiến, gánh nặng tài chính tiếp tục đè nặng trên vai với tổng số nợ phải trả xấp xỉ 7.000 tỷ đồng.
Vua tôm ôm mộng “vươn ra biển lớn”
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC) tiền thân là Doanh nghiệp Tư nhân Minh Phú, được thành lập ngày 14/12/1992. Với định hướng ngành nghề sản xuất chính là sản xuất tôm giống sạch bệnh, mở rộng diện tích nuôi tôm thương phẩm, sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ cho nuôi trồng thủy sản và sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu.
Trải qua hơn 20 năm, Minh Phú đã trở thành một Tập đoàn Thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước , được mệnh danh là “vua tôm” trên thị trường thủy sản Việt Nam.
Đầu năm 2015, một sự kiện đánh dấu bước ngoặt trên con đường phát triển của “vua tôm” khi Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định về việc hủy niêm yết cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.
Minh Phú dự kiến gia nhập CLB tỷ USD sau năm 2015
Nguyên nhân được ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú đưa ra là công ty đang tìm đối tác ngoại để bán một nửa cổ phần nhằm thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Minh Phú nuôi tham vọng trở thành tập đoàn thủy sản có quy mô toàn cầu. Theo ông, việc niêm yết trên sàn chứng khoán gây cản trở khả năng tăng vốn của công ty khi MPC muốn bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, nhưng lại bị giới hạn room ngoại ở mức 49%.
Đang ở vào thời kỳ hoàng kim của mình, có quyết định khá bất ngờ và táo bạo khi chủ động hủy niêm yết trên sàn giao dịch, công ty dự kiến lợi nhuận năm 2015 sẽ tăng 55%, đạt 1.416 tỷ đồng - tương đương 66 triệu USD. Niềm hi vọng của Minh Phú là hoàn toàn có cơ sở, khi công ty đã có một thời gian dài kinh doanh khởi sắc, tăng trưởng từng ngày.
Minh Phú luôn là hãng tôm chiếm thị phần lớn nhất ngành Thủy sản Việt Nam và là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm đứng đầu thế giới, Năm 2014 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của Minh Phú với doanh thu xuất khẩu đạt 15.224 tỷ đồng, vượt xa năm 2013 với 11.206 tỷ đồng.
Sân chơi của Minh Phú là thị trường toàn cầu, sự cạnh tranh của công ty này ảnh hưởng tới các đối thủ là không hề nhỏ. Minh Phú kỳ vọng doanh số năm 2015 sẽ cán mốc 1 tỷ USD, chủ yếu đến từ xuất khẩu.
Kinh doanh bết bát, ôm nợ gần 7.000 tỷ đồng
Những tưởng với quyết định táo bạo trên, khi nuôi ước vọng “bỏ ao làng” để “vươn ra biển lớn”, năm 2015 sẽ trở thành năm thịnh vượng của Minh Phú – là bước đệm để thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên tiến trình “trở thành tập đoàn thủy sản có quy mô toàn cầu” – trích lời chủ tịch Lê Văn Quang.
Thế nhưng, ít ai ngờ, mọi sự lại diễn biến theo chiều ngược lại. Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý IV/ 2015 của MPC, Minh Phú đã cho thấy kết quả kinh doanh thảm hại nhất từ trước đến nay.
Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt khoảng 12,472 nghìn tỷ đồng, sụt giảm tới 2,752 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ 2014 (đạt khoảng 15,224 nghìn tỷ đồng).
Tuy nhiên, tỷ lệ giá vốn/doanh thu của Minh Phú cũng tăng vọt khiến cho lợi nhuận gộp của công ty giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu quý 4 và doanh thu năm đạt lần lượt là 3.917 tỷ đồng và 12.287 tỷ đồng, giảm lần lượt 9% và 19% so với cùng kỳ.
Con số gây bất ngờ nhất đối với cổ đông và hầu hết những nhà đầu tư chứng khoán là khoản lỗ gần 7 tỷ đồng – lần báo lỗ đầu tiên kể từ năm 2008 đến nay.
Chưa kể, tính đến ngày 31/12/2015, Minh Phú còn đang ôm đống nợ tới xấp xỉ 7.000 tỷ đồng, trong đó chiếm chủ yếu là 3.970 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn, tăng đột biến trong năm qua sau đợt phát hành trái phiếu ngày 20/5/2015 và ngày 3/7/2015 được đảm bảo bằng khoản đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con và không chuyển đổi.
Ngoài ra, Minh Phú cũng vay ngắn hạn 2.385 tỷ đồng từ các ngân hàng như BIDV, Vietinbank, VIB và Vietcombank tại Cà Mau nhằm bổ sung vốn lưu động, được đảm bảo bằng hàng tồn kho hình thành từ vốn vay. Bên cạnh đó, Minh Phú cũng phải thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, một số máy móc thiết bị để có được khoản tín dụng trên từ các nhà băng.
Vậy nguyên nhân nào đã quật ngã gã khổng lồ đang nuôi hy vọng trở thành “tập đoàn thủy sản quy mô toàn cầu”, gia nhập câu lạc bộ tỷ USD? ANTT sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.
Hoa Liên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy