Dòng sự kiện:
Túi tang vật của con Lệ Quyên được Cục Hàng không xử lý thế nào?
01/08/2015 12:11:51
ANTT.VN – Xung quanh câu chuyện Lê Quyên bị xử phạt hành chính 8 triệu VND về việc cho con đi vệ sinh vào túi nôn, luật sư Cao Thị Hoà, công ty luật TNHH Vietthink cho rằng việc xử phạt như vậy là hoàn toàn không hợp lý.

Tin liên quan

Thưa luật sư, việc nữ ca sĩ Lệ Quyên bị phạt vì hành vi cho đứa trẻ vệ sinh vào túi nôn như vậy liệu có hợp lý hay không? Căn cứ vào đâu để đưa ra quyết định xử phạt hành chính như vậy? 

Tôi cho rằng việc xử phạt vợ chồng ca sĩ Lệ Quyên như vậy là không hợp lý.

Phía  Thanh tra Cục Hàng không cho rằng hành vi của vợ chồng ca sĩ Lệ Quyên là “vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay”, vi phạm điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định 147/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Tuy nhiên, thực tế, toàn bộ nội dung Nghị định 147 nói trên, Luật Hàng không dân dụng 2006 và  các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đều không có quy định nào chỉ ra được hành vi nào được gọi là vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay. Tất nhiên, mỗi hãng hàng không đều có những nội quy, quy tắc bắt buộc hành khách phải áp dụng khi tham gia chuyến bay. Nhưng chắc hẳn, trong các nội quy, quy tắc ấy cũng không thể chỉ rõ hành vi “cho trẻ em tè vào túi nôn là vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay”. Bản thân tôi cũng từng đi máy bay, không có tiếp viên nào nhắc nhở hành khách về các trường hợp được xem là vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay cũng như các hình thức xử phạt khi vi phạm.

Với quy định còn chưa chặt chẽ đó, tôi cho rằng việc đưa ra ý chí chủ quan để đánh giá và xử phạt trong trường hợp này của Thanh tra Cục Hàng không là không phù hợp và công tâm.

Thưa luật sư, tang chứng trong vụ việc này được thu thập và xử lý thế nào?

Theo quy định tại Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, tang vật vi phạm hành chính phải bị tịch thu và xử lý theo quy định, cụ thể như sau:

 “1. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được xử lý như sau:

a) Đối với tang vật vi phạm hành chính là tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý thì phải nộp vào ngân sách nhà nước;

b) Đối với giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan tới tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì chuyển cho cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản theo quy định tại điểm d khoản này;

c) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hoá, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành và tài sản khác thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật;

d) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng thì cơ quan đã ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính tổ chức chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng;

đ) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này thì tiến hành thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xảy ra hành vi vi phạm để thực hiện việc bán đấu giá; trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá

Việc bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá;

e) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu nhưng không còn giá trị sử dụng hoặc không bán đấu giá được thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phải lập hội đồng xử lý gồm đại diện các cơ quan nhà nước hữu quan. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu phải được lập thành biên bản có chữ ký của các thành viên hội đồng xử lý. Phương thức, trình tự, thủ tục xử lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

2. Thủ tục xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:

a) Đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này thì cơ quan quyết định tịch thu lập biên bản nộp, chuyển giao tang vật, phương tiện. Việc bàn giao và tiếp nhận các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này phải được tiến hành theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

b) Đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này, giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá khi làm thủ tục chuyển giao được xác định theo Điều 60 của Luật này. Trường hợp giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã được xác định có sự thay đổi tại thời điểm chuyển giao thì cơ quan ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quyết định thành lập hội đồng để định giá tài sản trước khi làm thủ tục chuyển giao. Thành phần Hội đồng định giá theo quy định tại khoản 3 Điều 60 của Luật này.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền phải xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này. Quá thời hạn này mà không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

4. Chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, phí bán đấu giá và chi phí khác phù hợp với quy định của pháp luật được trừ vào tiền bán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.

Tiền thu được từ bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, sau khi trừ các chi phí theo quy định tại khoản này và phù hợp với quy định của pháp luật, phải được nộp vào ngân sách nhà nước.”

Rõ ràng, trong tình huống này, nếu như Thanh tra Cục Hàng không cho rằng đây là hành vi vi phạm hành chính, thì tang vật chính là túi nước tiểu của em bé. Với một tang vật như vậy thì không thể và không cần thiết phải áp dụng quy trình xử lý như quy định nêu trên. Tôi cũng không rõ, các cơ quan chức năng thực tế đã xử lý tang vật như thế nào

Một cháu bé 4 tuổi không kiềm chế được hành vi của mình có được tính là trường hợp bất khả kháng hay không, thưa luật sư?

Trong tình huống em bé đòi đi tiểu khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, yêu cầu hành khách hạn chế đi lại, sử dụng nhà vệ sinh. Tôi cho rằng trường hợp này có thể được xem là một sự kiện bất khả kháng: “ Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép” (Khoản 14 Điêu 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012); hoặc cũng có thể được xem là một sự kiện bất ngờ: “Sự kiện bất ngờ là sự kiện mà cá nhân, tổ chức không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi nguy hại cho xã hội do mình gây ra.”

Theo quy định tại Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, không xử phạt vi phạm hành chính đối với cả trường hợp thực hiện hành vi do sự kiện bất khả kháng và do sự kiện bất ngờ

Nhìn chung, đánh giá lại toàn bộ sự việc, cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ cách xử lý của vợ chồng ca sỹ Lệ Quyên trong tình huống cấp bách như vậy.

Xin cảm ơn luật sư!

Nguyễn Minh (thực hiện)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến