Dòng sự kiện:
Tương lai 'béo bở' của 15 lô đất đứng tên nhiều cán bộ ở Thừa Thiên-Huế
18/11/2018 18:02:34
Một tương lai rộng mở phía trước với tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng phức hợp casino đang đón chờ 15 lô đất cấp cho nhiều cán bộ ở Thừa Thiên-Huế.

Nằm gần như ở giữa 2 thành phố du lịch nổi tiếng Huế và Đà Nẵng, bãi biển Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) nổi bật với vẻ đẹp nguyên sơ, đầy tiềm năng phát triển du lịch. Cảm nhận đầu tiên khi về với bãi biển này là sự thoáng rộng của những dải cát dài mịn, sự trong lành của hàng phi lao luôn rì rào tiếng gió thổi và nét trong xanh của những cơn sóng nhỏ vỗ nhẹ, yên ả.

Vẻ đẹp nguyên sơ của bãi biển Cảnh Dương (Ảnh internet).

Với chiều dài khoảng 8km, rộng 200km, có hình vòng cung nằm ở giữa mũi Chân Mây Tây và Chân Mây Đông thuộc huyện Phú Lộc, biển Cảnh Dương như chốn thiên đường thích hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, đặc biệt là những hoạt động dã ngoại cùng các loại hình thể thao, sinh hoạt như: cắm trại, đốt lửa trại, vui chơi ca hát, tấu nhạc về đêm...

Không chỉ vậy, vùng biển này còn có nhiều hải sản thơm ngon như ghẹ, tôm, cua, mực... tạo nguồn sống cho những ngư dân thân thiện nơi đây và thỏa mãn sở thích ẩm thực của du khách tìm về.

Với tiềm năng và lợi thế như vậy, năm 2013, tương lai lại rộng mở với bãi biển này khi cụm biển Lăng Cô - Cảnh Dương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch phê duyệt đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”. Trong đó, xác định Lăng Cô - Cảnh Dương là 01 trong 6 điểm đến du lịch biển tầm cỡ quốc tế có sức cạnh tranh cao trong khu vực đến năm 2020. Ngay trong quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh cũng khẳng định tập trung xây dựng khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương là khu du lịch tổng hợp trọng điểm quốc gia.

Chưa dừng lại, mới đây, một nhà đầu tư Singapore nhận được giấy phép đầu tư và kinh doanh casino cho dự án Laguna Lăng Cô (nằm ngay cạnh bãi biển Cảnh Dương) từ UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Laguna Lăng Cô Resort.

Trong xu thế mô hình khu nghỉ dưỡng tích hợp casino đang dần phổ biến và trở thành một trong những xu hướng của bất động sản toàn cầu thì sự phát triển ở Laguna Lăng Cô sẽ không thể không kéo theo sự "nóng" lên ở khu du lịch đầy tiềm năng sát cạnh đó - biển Cảnh Dương. Và giữa dòng chảy đầy mê hoặc ấy thì việc các nhà đầu tư bất động sản nhắm đến việc sở hữu diện tích đất quanh khu vực này là lẽ đương nhiên.

Trở lại với phản ánh của ANTT trước đó về trường hợp của ông Huỳnh Đăng Truyền (SN 1957), trú ở thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh khi ông này tỏ ra bất ngờ về việc thửa đất mình từng gắn bó, "khai hoang", canh tác hàng chục năm nay đã cấp sổ đỏ cho người khác.

Sổ đỏ của thửa đất này cùng nằm trên bản đồ giải thửa và được cấp cùng với diện tích của 13 lô đất khác nằm dọc bãi biển Cảnh Dương, điểm đến đầy những hứa hẹn như đã nêu trên.

Điều đáng nói, diện tích đất mà ông Truyền từng "khai hoang", gắn bó và mong mỏi được cấp GCNQSD đất hiện đang đứng tên 2 người nguyên là cán bộ huyện Phú Lộc, trong đó có ông Phạm Viết Phong, nguyên là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc; ông Nguyễn Kim Trường, nguyên là Phó Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc.

Danh sách chủ 13 lô đất liền kề còn lại gồm các cá nhân sau: Nguyễn Mãi, Phạm Xuân Thư, Hồ Trọng Cầu, Lê Thị Kim, Nguyễn Kha, Lê Thị Xuân Mai, Nguyễn Văn Tiến, Trần Trai, Nguyễn Thị Xô, Trần Tuyết Lan, Dương Quang Kháng, Nguyễn Thị Nghị, Nguyễn Xê. Được biết, đây đều là những cán bộ, cựu cán bộ và người nhà cán bộ huyện này.

Ông Huỳnh Đăng Truyền cùng ao cá và hàng tre mình trồng chắn gió trên mảnh đất mình canh tác nhiều năm.

Thông tin với PV, phía phòng TN&MT huyện Phú Lộc cho biết, 15 lô đất này, UBND huyện đã có quyết định giao đất cho 15 cá nhân kể trên quản lý, bảo vệ sử dụng vào mục đích lâm nghiệp với diện tích đất 24.000m2 từ năm 1995. Đến năm 2010, những chủ đất này được cấp GCNQSD đất.

Liên quan đến vấn đề này, qua trao đổi, một cán bộ trước đây phụ trách việc làm hồ sơ cấp GCNQSD đất cho những thửa đất nói trên cho biết, 15 lô đất này được cấp GCNQSD đất là dựa vào quyết định giao đất từ năm 1995 theo Nghị định số 02-CP năm 1994 về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và Thông tư số 06-LN/KL về giao đất lâm nghiệp.

Nói thêm, trong GCNQSD đất thì loại đất cấp cho 15 chủ đất trên là đất rừng sản xuất. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, 15 lô đất này vốn là đất rừng phòng hộ với vị trí dọc bãi biển Cảnh Dương cùng dải rừng phi lao nhằm chắn gió, chắn cát bay nhưng không hiểu vì sao, nay lại là đất rừng sản xuất. Bởi đối chiếu theo Điều 7, Khoản 1 Nghị định số 02-CP thì khu vực đất này nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ gồm: Phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; phòng hộ chắn sóng, lấn biển và phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.

Và nếu đã là đất rừng sản xuất, Nghị định số 02-CP cũng quy định rõ, đối với rừng sản xuất thì được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, các lâm sản khác, đặc sản rừng, động vật rừng và kết hợp phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái. Thế nhưng, qua tìm hiểu với các hộ dân xung quanh khu vực 15 lô đất này thì từ năm 1993 ngoài ông Huỳnh Đăng Truyền canh tác với việc đào ao thả cá, chăn nuôi vịt và trồng tre chắn gió thì không thấy người nào tìm về phục vụ đúng mục đích của việc giao rừng sản xuất.

Bởi vậy, việc ông Truyền và dư luận hoài nghi về bất thường trong việc giao 15 lô đất này liệu có đúng đối tượng nhằm phục vụ đúng mục đích giao đất hay không là hoàn toàn có cơ sở.

>>>Xem thêm:

Bất thường việc cấp đất rừng cho nhiều cán bộ ở Thừa Thiên - Huế

Lê Kông


 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến