Tương lai u ám của công nghiệp dầu đá phiến Mỹ
14/10/2015 12:23:05
ANTT.VN – Trong cuộc chiến khốc liệt với OPEC, ngành công nghiệp dầu đá phiến ở Mỹ đang cho thấy những dấu hiệu hụt hơi rõ rệt..

Tin liên quan

Công nghiệp dầu đá phiến Mỹ đang chịu tổn thất nặng nề trước giá dầu thấp kéo dài. Mặc dù được dự báo vẫn có thể trụ lại trong năm sau, tương lai của ngành công nghiệp này trong những năm sau đó sẽ trở nên u ám hơn bao giờ hết.

Kể từ thời điểm Ảrập Xêút dẫn đầu tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ OPEC khơi mào cuộc chiến giá dầu một năm về trước, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn tuy nhiên các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ vẫn trụ lại được trên thị trường bằng cách kết hợp một loạt biện pháp, bao gồm cắt giảm chi phí, tăng cường vay mượn. Tuy nhiên, dường như một số nhà sản xuất đã kiệt sức trước cuộc đua khắc nghiệt này.

Theo hãng tư vấn Wood Mackenzie, khoảng 1/3 sản lượng dầu của Mỹ trừ khu vực Alaska và Hawaii tới từ những công ty thế chấp chính lượng dự trữ dầu của mình nhằm tìm kiếm các khoản vay. Các ngân hàng sẽ đánh giá lại khoản thế chấp này hai lần mỗi năm, vào mùa xuân và mùa thu.

Tháng trước, hãng luật Haynes & Boone dự báo rằng khả năng vay mượn của các tập đoàn dầu mỏ Mỹ sẽ giảm 39% trong năm sau.

“Các công ty dầu đá phiến giờ còn rất ít lựa chọn, hoặc tái cấu trúc hoặc tuyên bố phá sản”, Haynes & Boone viết trong một báo cáo.

Ảnh: Minh họa.

Ngay cả những tập đoàn lớn nhất như Continental hay ConocoPhillips cũng đang vấp phải thái độ thờ ơ từ các ngân hàng cũng như giới đầu tư đối với ngành công nghiệp dầu đá phiến, khiến họ khó khăn hơn trong vay mượn nhằm bù đắp lượng lưu chuyển tiền tệ - cash flow ở mức âm. Con số này đối với toàn bộ ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ trong nửa đầu năm 2015 là 32 tỷ USD, bằng cả năm 2014.

Trong quý II năm nay, 83% cash flow của các công ty dầu đá phiến Mỹ được sử dụng để trả nợ, gấp đôi con số cùng kì năm 2012, theo Cục Năng lượng Mỹ EIA.

Đây không phải là phương thức kinh doanh bền vững. Các công ty dầu đá phiến chỉ có thể tăng vay mượn nếu giới đầu tư tin rằng giá dầu sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên tin xấu đối với họ là thị trường lại không nghĩ như vậy. Dầu Bren giao tháng 12 đang được giao dịch ở mức 56 USD/ thùng, chỉ cao hơn 6 USD/ thùng so với thời điểm hiện tại.

Ở chiều ngược lại, có một số người tin rằng sản lượng giảm ở Mỹ sẽ đẩy giá tăng mạnh vào năm sau.

Leonid Fedun, phó chủ tịch của Lukoil - tập đoàn dầu khí lớn nhất Nga dự báo giá dầu có thể lên tới 80, thậm chí 100 USD/ thùng trong năm tới. Phát biểu tại một cuộc họp báo gần đây, ông ta gọi công nghiệp dầu đá phiến là “một bong bóng điển hình kiểu Mỹ”, cho rằng một khi sự đổ vỡ xảy ra, cả ngành công nghiệp này ở nước Mỹ sẽ khó có thể vực dậy được, qua đó đẩy giá dầu lên mức cao.

Tuy nhiên sẽ rất khó để chứng kiến kịch bản này vào năm sau. Mặc dù chắc chắn là nhiều công ty sẽ lâm vào cảnh phá sản, những công ty còn lại vẫn có thể trụ lại được bằng cách bán bớt tài sản, hay tái cấu trúc cơ cấu, Haynes & Boone cho biết.

OPEC ước tính rằng sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ giảm 100 nghìn thùng/ ngày vào năm sau. Đây chưa phải là mức lớn so với năng suất 8,7 triệu thùng/ ngày vào năm ngoái. Tuy nhiên nguy cơ nằm ở chỗ nhu cầu dầu thô thế giới được dự báo tăng lên 1,25 triệu thùng/ ngày vào năm sau nhờ hiệu ứng kích cầu từ giá nhiên liệu thấp. Do đó thị phần của các công ty dầu đá phiến Mỹ sẽ dần mất vào tay các đối thủ sản xuất dầu thô truyền thống như Ảrập Xêút, Nga, hay thậm chí Iran, khi mà nước này hồi tháng trước tuyên bố sẽ ‘mở van hết cỡ’ nhằm kiếm lại thị phần ngay khi lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây được dỡ bỏ vào năm tới. Tất cả những yếu tố này cho thấy không có bất cứ lý do gì để tin rằng giá dầu sẽ tăng đột biến bởi sản lượng giảm ở Mỹ.

Nghi Điền (Theo Bloomberg)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến