Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Manchester, Anh. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hàng nghìn doanh nghiệp Anh đang bên bờ vực phá sản do chi phí đi vay và thuế cao hơn gia tăng sức ép lên nền kinh tế.
Số liệu mới nhất từ một chương trình thực tế hàng đầu về tình trạng mất khả năng thanh toán, gần 50.000 doanh nghiệp của Anh đang trên bờ vực phá sản khi phải vật lộn với cú sốc kép là lãi suất cao và niềm tin người tiêu dùng ảm đạm.
Việc tăng thuế doanh nghiệp và việc phải đáp ứng nhu cầu lương theo chương trình Lương sinh hoạt tối thiểu quốc gia cũng làm tăng thêm chi phí cho các doanh nghiệp, vốn đang “ôm” gánh nặng nợ nần.
Công ty chuyên về tái cấu trúc doanh nghiệp Begbies Traynor có trụ sở tại Anh cảnh báo rằng 47.477 công ty đang gặp khó khăn tài chính “nghiêm trọng” tính đến cuối năm 2023, tăng 10.000 công ty kể từ tháng 9/2023.
Nhiều doanh nghiệp trong số trên dự kiến sẽ phá sản, khiến người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Một đối tác của Begbies Traynor, bà Julie Palmer, cho biết niềm tin của người tiêu dùng rất thấp và họ đang phải trả nhiều tiền hơn cho các khoản nợ của mình.
Bà Palmer cho biết, các công ty đã vay mượn để duy trì hoạt động trong thời kỳ COVID-19 cũng phải hoàn trả các khoản vay, khiến tình trạng khó khăn tài chính thêm trầm trọng.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã duy trì lãi suất ở mức 5,25%, làm tăng chi phí thanh toán các khoản nợ khi chi phí đi vay ở mức thấp lịch sử. BoE đã bắt đầu tăng lãi suất trong năm 2021 từ mức thấp lịch sử 0,1% và lãi suất đã đạt mức cao nhất trong 16 năm.
Theo bà, với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp lớn thường sẽ có thêm một vài lựa chọn để vượt qua khó khăn, nhưng tình hình của các doanh nghiệp nhỏ không mấy khả quan. Việc lãi suất được duy trì ở mức khá cao trong một thời gian, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vay mượn để thoát khỏi khó khăn, họ có thể cần phải tái cơ cấu cả hoạt động cũng như tài chính.
Tất cả 22 lĩnh vực được Begbies theo dõi đều nhận thấy tình trạng khó khăn tài chính ngày càng gia tăng, trong đó lĩnh vực xây dựng và bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thị trường tiền tệ dự đoán có khoảng 60% khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 5/2024, với lần cắt giảm đầu tiên muộn nhất là vào tháng 6/2024. Thị trường dự kiến sẽ có ít nhất bốn lần cắt giảm 0,25 điểm phần trăm trong năm nay vì các nhà kinh tế dự đoán lạm phát có thể giảm xuống dưới mục tiêu 2% của BoE trong tháng 4/2024.
Bà Palmer cho biết một số áp lực lãi suất có thể giảm bớt nhưng môi trường có thể vẫn tồn tại. Theo bà, lãi suất khó có thể tăng thêm nữa và có thể sẽ giảm nếu có điều gì đó xảy ra.
Mặc dù không có số liệu rõ ràng về số nợ mà các doanh nghiệp Anh đã vay, song BoE đã cảnh báo về thị trường tín dụng trị giá 1.800 tỷ bảng Anh trong môi trường lãi suất thấp.
Các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với gánh nặng chi phí cao hơn từ chính sách của chính phủ. Thủ tướng Jeremy Hunt tiết lộ kế hoạch tăng mức lương tối thiểu thêm 1 bảng một giờ lên 11,44 bảng từ tháng 4/2024 trong khi thuế doanh nghiệp cũng đã tăng từ 19% lên 25%.
Các công ty như nhà bán lẻ đồ điện và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc hậu mãi của Anh Currys đổ lỗi cho những chính sách như vậy đã đẩy chi phí lên các nhà bán lẻ tới mức “quá tải”./.
Tác giả: Minh Hằng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy