Dòng sự kiện:
“Vay ngân hàng tối đa 6 tỷ”: NHNN mâu thuẫn với chính mình?
27/07/2015 16:37:33
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng việc hạn chế mức vay tối đa dành cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ được 6 tỷ đồng, có nghĩa NHNN đang đi ngược với chủ trương khuyến khích các ngân hàng phát triển bán lẻ của chính mình.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 của Vietinbank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã nói rằng chỉ có phát triển bán lẻ thì ngân hàng mới có thể ăn sâu bám rễ vào nền kinh tế. Thống đốc khuyến khích Vietinbank đẩy mạnh bán lẻ, nâng tổng dư nợ cho vay bán lẻ.

Vậy nhưng Dự thảo Thông tư hướng dẫn về tỷ lệ an toàn vốn đối với NHTM, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài theo chuẩn mực vốn Basel II đang được NHNN lấy ý kiến cho thấy hạn chế các ngân hàng phát triển bán lẻ.

Lệch pha giữa Dự thảo và lời giải thích

Theo Dự thảo Thông tư, khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp siêu nhỏ thì tổng dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 0,2% tổng dư nợ cấp tín dụng bán lẻ; Tổng dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 6 tỷ đồng.

Bắt đầu tư tháng 2/2016, 10 ngân hàng thương mại là VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB có thể sẽ chỉ được cấp tín dụng bán lẻ tối đa 6 tỷ đồng đối với một khách hàng cá nhân. Quy định này dự kiến sẽ được áp dụng đối với tất cả các NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác từ ngày 1/2/2019.

Lãnh đạo một NHTM nằm trong nhóm 10 ngân hàng sẽ bị áp theo tiêu chuẩn này từ tháng 2/2016 đưa ra ví dụ: một khách hàng vay mua biệt giá 15 tỷ đồng và khách hàng có tài sản đảm bảo khác để có thể vay mức 10 tỷ đồng. Trong trường hợp này, nếu khách hàng chỉ được vay tối đa 6 tỷ thì 4 tỷ còn lại họ phải vay ở đâu?

“Trong trường hợp này, khách hàng có thể sẽ lách luật bằng cách hoặc sẽ đi vay nhiều ngân hàng, hoặc sẽ nhờ người thân đứng ra vay hộ. Đối với người kinh doanh, với một khách hàng đủ điều kiện vay để vay 10 tỷ đồng thì ngân hàng rất khó từ chối, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng khó khăn như hiện nay”, vị này bình luận.

Chị Mai Anh, chủ tiệm vàng Quảng Ninh, cho biết với quy mô hiện tại của cửa hàng, gia đình chị phải vay ngân hàng khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm mới đáp ứng được nhu cầu kinh doanh. Nếu hạn chế mức vay chỉ còn 6 tỷ đồng thì chị chỉ còn cách nhờ anh chị em đứng ra vay hộ.
Chị Mai Anh cho rằng trường hợp khác cũng sẽ làm như chị và hiện tượng này sẽ trở nên phổ biến. Vì nếu không làm như vậy thì họ biết lấy đâu ra vốn để kinh doanh.

Giải thích về con số này, tại cuộc họp báo ngày 21/7 mới đây, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra cơ quan thanh tra giám sát NHNN, khẳng định quy định như vậy áp dụng cho các khách hàng tài chính vi mô như các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ. Còn các cá nhân bình thường vẫn có thể vay tới hàng trăm tỷ đồng nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Tuy nhiên, tại Khoản 10 điều 2 Dự thảo thông tư đã không có từ nào nhắc đến “khách hàng tài chính vi mô”, “tổ chức tài chính vi mô”. Hơn nữa, Dự thảo này áp dụng với đối tượng là NHTM, ngân hàng liên doanh và 100% vốn nước ngoài, chứ không phải cho tổ chức tài chính vi mô hay khách hàng của tổ chức này. Vậy lời giải thích này có hợp lý không?

Đừng vơ đũa cả nắm

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB, cho rằng quy định cấp tín dụng bán lẻ đối với một khách hàng không vượt quá 6 tỷ đồng có lẽ chỉ dành cho vay tín chấp. Trước đây, NHNN không quy định hạn mức và có thể hạn mức 6 tỷ đồng là con số rủi ro có thể chấp nhận được.

“Đây chỉ là con số giới hạn thôi. Thực tế, nếu có mở ra cũng rất ít cá nhân vay tín chấp có thể vay được hạn mức này vì điều kiện rất khắt khe và lãi suất cho vay sẽ cao. Còn với trường hợp có tài sản thế chấp thì vay bao nhiêu chẳng được nếu như tài sản của khách hàng đủ điều kiện”, ông Toại bình luận.

Ông Hiếu cho rằng NHNN không nên khống chế tỷ lệ, khuyến khích các ngân hàng xây dựng hệ thống quản trị rủi ro, nhất là rủi ro bán lẻ, còn cơ quan này chỉ cần xây dựng chính sách chung để quản lý rủi ro.

Ví như với ngân hàng có thế mạnh bán lẻ thì phải xây dựng được hệ thống quản trị rủi ro như thế nào và ngân hàng đó phải xác định được khẩu vị cho mỗi khách hàng, ngành nghề. Còn với những ngân hàng không thể định được tỷ lệ thì NHNN cần phải can thiệp trực tiếp bằng việc quy định tỷ lệ rủi ro cụ thể đối với lĩnh vực bán lẻ, khách hàng.

Theo ông Hiếu, việc nguồn thu từ dịch vụ của ngân hàng thấp là do các ngân hàng chưa đẩy mạnh được bán lẻ, dịch vụ bán lẻ.

“Nhìn vào báo cáo tài chính của các ngân hàng dễ thấy hầu hết các ngân hàng đang phụ thuộc vào nguồn thu từ tín dụng. Ngân hàng nào tốt thì nguồn thu từ dịch vụ chiếm khoảng 20%, còn đa phần thì dưới 10%, thậm chí có ngân hàng hầu như chả thu được % từ dịch vụ”, ông Hiếu bình luận.

Do vậy, nếu Dự thảo Thông tư này khống chế tỷ lệ cho vay bán lẻ thì các ngân hàng rất khó thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn thu từ tín dụng. Thực tế, ngân hàng nào chỉ cho vay doanh nghiệp thì ngân hàng đó không phát triển quân bình được và rủi ro rất lớn.

“Quy định của Dự thảo Thông tư này mâu thuẫn với chủ trương đẩy mạnh bán lẻ của chính NHNN. Hơn nữa, với tổng cầu yếu như hiện nay và lạm phát đang ở mức thấp thì NHNN nên cho phép các ngân hàng đẩy mạnh bán lẻ để đóng góp vào nền kinh tế”, ông Hiếu bình luận.

Nhiều câu hỏi được các chuyên gia đặt ra sau khi nghiên cứu Dự thảo Thông tư này. Phải chăng, khi xây dựng Dự thảo Thông tư, NHNN đã chưa tính toán đến nhu cầu vốn của một cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ gia đình?

Cần phải nói rằng tín dụng đen, cho vay nặng lãi đã gây ra những hậu quả nặng nền cho xã hội, đặc biệt với những người nghèo. Tệ nạn này chỉ có thể được loại trừ bằng cách mở rông hoạt động bán lẻ của các NHTM. Tất nhiên, đây mới chỉ là dự thảo đang lấy ý kiến. Hy vọng Thông tư được ban hành sẽ tính toán đầy đủ hơn những nhu cầu vốn của các thành phần kinh tế, đặc biệt là với những cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến