Anh Lê Văn Linh (Hà Nội) cho biết, anh mua 3 căn hộ condotel tại Cam Ranh, Nha Trang vào năm 2019 với giá gần 2 tỷ đồng/căn, đã thanh toán gần 700 triệu đồng/căn. Đầu năm 2022, anh vay ngân hàng hơn 3 tỷ đồng để trả tiền, nhận nhà. Nhiều năm nay, anh đứng ngồi không yên vì gánh nặng trả lãi ngân hàng quá lớn trong khi việc cho thuê lại ế ẩm, rao bán thì cũng không có khách hỏi mua.
Nhà đầu tư này kể, anh lựa chọn mua căn hộ condotel vì vị trí dự án gần sân bay, nhìn bản vẽ thiết kế đẹp, chỉ cần thanh toán trước 30% giá trị hợp đồng, đến khi nhận nhà và đưa vào khai thác cho thuê khách mới phải tất toán 70% số còn lại. Ngoài ra, người mua còn được chủ đầu tư hỗ trợ thủ tục vay ngân hàng. Nhìn về tương lai khai thác du lịch của khu vực Cam Ranh tốt, luôn đông khách, tài sản có triển vọng tăng giá nên anh Linh quyết định mua.
Tuy nhiên, dự án triển khai chậm nên đến tận năm 2022 mới bàn giao nhà, lại thêm nỗi khổ vì đại dịch COVID-19 khiến mỗi căn condotel trị giá gần 2 tỷ đồng của anh chỉ được chủ đầu tư thuê lại mỗi tháng 3 triệu đồng, trong khi khoản vay hơn một tỷ đồng phải trả cả gốc và lãi lên đến 13 - 14 triệu đồng/ tháng.
"Cả 3 căn của tôi chỉ được chủ đầu tư thuê lại với giá 9 triệu đồng/tháng, trong khi tiền lãi và gốc phải trả ngân hàng lên đến hơn 40 triệu đồng/tháng", anh Linh nhẩm tính.
Nhiều nhà đầu tư mua condotel khốn khổ vì trả lãi ngân hàng. (Ảnh minh họa).
Vì gánh nặng tài chính quá lớn, anh Linh đã rao bán căn condotel từ cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 năm nhưng anh mới chỉ bán được 1 căn với giá lỗ 300 triệu đồng so với giá mua. 2 căn còn lại hiện vẫn chưa có người mua.
Chị Nguyễn Trần Ngọc Hân (TP.HCM) cũng cho hay, năm 2019, chị đầu tư 2 căn condotel tại Nha Trang và Đà Nẵng. Mỗi căn hộ 60m2, có giá 1,6 tỷ đồng, cộng thêm các chi phí sửa nhà, mua sắm đồ đạc, tổng số tiền đầu tư ngót nghét 2 tỷ đồng/căn. Sau khi nhận bàn giao, sửa sang căn hộ, chị cũng đã cho thuê được 5 tháng.
Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán 2020, đại dịch COVID-19 ập tới, các căn hộ của chị nằm bất động. Đến nay, khi hết đại dịch, lượng khách thuê cũng rất thất thường, liên tục vắng vẻ. Chị Hân buồn rầu chia sẻ, hiện chị vẫn vay ngân hàng gần 2 tỷ đồng, hàng tháng tiền gốc và lãi cũng khoảng 25 triệu. Gia đình chị giờ đã cạn vốn, không thể gồng nổi để trả. Do đó, chị quyết định bán cắt lỗ cả hai căn để trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, pháp lý condotel hiện vẫn mù mờ, vì vậy, dù đã rao bán 3 năm nay nhưng vẫn chưa có khách mua.
Theo báo cáo thị trường mới đây của DKRA Group (một đơn vị dịch vụ địa ốc với 13 năm kinh nghiệm), bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là condotel, chưa thoát khỏi khó khăn về thanh khoản. Ba tháng đầu năm, cả nước có hơn 4.800 căn mở bán, tập trung ở khu vực miền Trung. Tuy nhiên, chỉ có 64 căn được tiêu thụ, tương đương 1%. Hầu hết các dự án đều chung cảnh bán chậm. “90% dự án condotel không ghi nhận phát sinh giao dịch”, DKRA cho biết.
Nguồn cung sơ cấp phần lớn đến từ tồn kho của các dự án cũ, còn lượng hàng mới rất ít. 5 địa phương chiếm tỷ trọng nguồn cung sơ cấp cao nhất là Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu đều sụt giảm căn mở bán từ 8 - 21% so với cùng kỳ.
Báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng thông tin, thị trường có gần 10.000 sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng mở bán trong quý I, chủ yếu là condotel. Hơn 97% là hàng tồn kho của các dự án mở bán trước đó. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ chỉ đạt 1,6%, với 160 giao dịch.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ khi dự án Cocobay Đà Nẵng "đứt gánh", các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có thanh khoản rất thấp. Sau sự kiện này, một số dự án condotel khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, các nhà đầu tư dự án không trả được lợi nhuận như đã cam kết...
Ông Võ cho rằng, việc thiếu khung pháp lý về đất đai, về quản lý và vận hành các bất động sản du lịch đa công năng, cộng thêm các tác động của đại dịch đã khiến phân khúc bất động sản du lịch mất đi sức hút với nhà đầu tư.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tình trạng thị trường condotel gặp khó xuất phát từ một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng, khiến hầu hết cơ sở du lịch đều hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa. Chính sách của chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng nói chung liên quan đến loại hình căn hộ du lịch chưa có thay đổi đáng kể.
Đặc biệt là vấn đề về pháp lý khiến nhiều dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các địa phương đang gặp vướng mắc nên chưa thể khởi động đầu tư xây dựng. "Chính những hạn chế như trên đã khiến bất động sản du lịch nói chung và condotel nói riêng chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào bất động sản du lịch", ông Đính nói.
Tác giả: Châu Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy