Dòng sự kiện:
Vẻ đẹp bình dị qua những nếp nhà sàn của bản làng người Thái ở miền Tây xứ Thanh
30/04/2018 08:10:44
Nhà sàn là kiến trúc đặc trưng và là nét độc đáo trong văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi phía Tây Thanh Hóa. Tại nhiều bản làng vùng cao ở huyện Mường Lát, những nếp nhà sàn truyền thống vẫn còn nguyên vẹn.

Lưu giữ văn hóa truyền thống

Kiến trúc nhà sàn là nét đẹp truyền thống lâu đời của đồng bào người dân tộc Thái, Mường sinh sống chủ yếu ở các huyện miền núi phía tây tỉnh Thanh Hóa.

Ngày nay, lối sống hiện đại đã nhanh chóng ảnh hưởng sâu rộng vào văn hóa của các dân tộc, khiến những tập quán truyền thống dần bị mai một hoặc phai nhạt. Chính vì thế, nhà sàn cũng chỉ còn xuất hiện lác đác ở cộng đồng người Thái, Mường tại các huyện miền núi thấp như Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc…

Bản Lách của người Khơ Mú với những nếp nhà sàn hiện lên hết sức yên bình

Riêng đối với huyện vùng biên viễn Mường Lát, nhà sàn vẫn là nét văn hóa đặc trưng ở các bản của người Thái, Khơ Mú.

Có dịp đến với 2 bản của xã Mường Chanh là bản Lách (người Khơ Mú) và bản Chai (người Thái), bà con hoàn toàn chỉ ở nhà sàn, dù nhà to hay nhà nhỏ.

Nằm trong số những bản nghèo nhất của huyện Mường Lát, bản Lách và bản Chai vẫn chưa được hưởng điện lưới quốc gia, cuộc sống của người dân vẫn còn thiếu thốn trăm bề. Thế nhưng, đa số người dân có tính cách chăm chỉ, chịu khó. Dù các hộ dân vẫn thuộc hộ nghèo nhưng phần lớn đều làm được những ngôi nhà sàn kiên cố để ở.

Người Thái ở trong những ngôi nhà sàn mộc mạc, đơn sơ

Anh Lương Văn Hà (bản Chai) cho hay, để dựng được một căn nhà sàn, anh phải lên rừng kéo từng khúc gỗ từ thuở còn là cậu thanh niên 15 – 16 tuổi. Trước đây gỗ rừng còn nhiều, nhưng hiện giờ không còn nữa, việc làm nhà sàn cũng khó khăn hơn.

Ông Trịnh Văn Xôm, Trưởng bản Lách cho biết: “Từ thời ông cha chúng tôi đã sống trong nhà sàn, ngày ấy ở nhà sàn là để tránh các loài thú dữ. Ngày nay, thú dữ không còn nhưng chúng tôi đã quen với việc ở trên nhà sàn. Hơn nữa nó cũng đã trở thành một nét truyền thống văn hóa cần được giữ gìn. Vì thế, con cháu cứ ra ở riêng thì cũng chỉ làm nhà sàn để ở”.

Những ngôi nhà sàn nằm xe kẽ lẫn nhau, nép mình bên những sườn núi tạo nên vẻ đẹp bình dị, yên bình và lãng mạn hiếm thấy.

Kiến trúc độc đáo

Trong việc xây dựng nhà sàn, theo quan niệm của người Thái, số lẻ tượng trưng cho sự vận động phát triển đi lên và may mắn còn số chẵn tượng trưng cho sự tĩnh tại.

Ngôi nhà có kiến trúc độc đáo ở bản Chai, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát

Vì vậy, mọi thứ trong nhà đều phải là số lẻ như: Số bậc trên chiếc cầu thang nhà sàn thường là 5 bậc, 7 bậc, 9 bậc; cửa sổ và cửa đi lại bao giờ cũng là 5 hoặc 7, số gian trong nhà cũng luôn là số lẻ.

Riêng về cầu thang thì lại có 2 cái, cầu thang phía trước thường dành cho khách, những người đàn ông đi lên nhà, còn cầu thang phía sau dành cho phụ nữ trong gia đình.

Ngôi nhà được sơn phết lộng lẫy chứng tỏ gia chủ có kinh tế khá giả

Người Thái rất khéo léo và giỏi nghề mộc, những ngôi nhà của họ thường do chính tay gia chủ thiết kế và dàn dựng, ít khi phải thuê thợ từ nơi khác đến. Những ngôi nhà dù trông có vẻ giản dị và thô sơ nhưng lại rất chắc chắn và vững chãi. Dù trải qua biết bao mưa gió bão bùng cũng vẫn trụ được từ đời này qua đời khác, có những ngôi nhà tuổi thọ tới vài chục năm.

Ngày nay, người Thái đã biết cải tiến ngôi nhà sàn truyền thống với những nguyên liệu xây dựng hiện đại và bền đẹp hơn như thay vì lợp mái bằng tranh thì họ lợp mái tôn, mái ngói, các cây cột được sơn phết màu bóng loáng và lộng lẫy…

Có thể thấy rõ cầu thang được thiết kế có 9 bậc đúng theo quan niệm ưa chuộng số lẻ của người Thái

Không giống nhà xây có các phòng riêng biệt, nhà sàn chỉ có các gian và nơi ở của các thành viên được sắp xếp theo thức tự. Đầu tiên là gian dành cho con trai chưa vợ, tiếp đến là vợ chồng gia chủ rồi đến gian vợ chồng con trai, con dâu …

Nếu trong nhà chưa có con dâu thì gian của chủ nhà đầu tiên, đến gian ngủ của con cái theo thứ tự từ lớn đến bé, từ nam đến nữ; vợ chồng con gái và con rể ở gian cuối cùng. Mỗi gian ngủ như vậy thường được ngăn khoảng cách bằng những chiếc màn bằng vải chàm màu đen.

Gầm sàn thường là nơi để phương tiện, nông cụ sản xuất của gia đình người Thái

Khu vực gầm sàn là một khoảng không gian khá rộng, trước đây người dân thường dùng nhốt gia súc, gia cầm nhưng hiện nay nhận thấy điều này gây mất vệ sinh nên gầm sàn được dùng cất giữ phương tiện đi lại, nông cụ sản xuất hay để khung cửi dệt vải cho phụ nữ, cũng có gia đình biến gầm sàn thành nơi ở của gia đình giống như tầng trệt của nhà xây vậy.

Lương Diễn 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến