Vì sao Chứng khoán Liên Việt thua lỗ kỷ lục?
23/09/2016 16:15:59
ANTT.VN – 6 tháng đầu năm, LVS chứng kiến mức thua lỗ kỷ lục kể từ thời điểm thành lập năm 2009. Tuy nhiên chưa hẳn các cổ đông đã cảm thấy buồn lòng...

Tin liên quan

Ông Dương Công Minh - Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienViet Postbank), đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Him Lam và CTCP Chứng khoán Liên Việt

Công ty CP Chứng khoán Liên Việt (LVS) vừa công bố BCTC bán niên 2016 soát xét.

Theo đó, nhờ có khoản góp vốn tăng thêm 98,75 tỷ đồng của cổ đông lớn nhất Công ty CP Him Lam, tổng nguồn vốn của LVS tăng mạnh từ 113 tỷ thời điểm đầu năm lên 190 tỷ đồng ngày 30/6/2016.

Bên kia bảng cân đối kế toán, ở phần tài sản, phần tăng vốn trên được dồn vào tiền và các khoản tương đương tiền, với số dư khoản mục này tăng hơn 10 lần từ 11 tỷ lên 133,7 tỷ, trong đó phần lớn là tiền gửi tại NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LPB).

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động từ các nghiệp vụ chứng khoán đạt 7,8 tỷ đồng, vượt xa cùng kỳ năm ngoái (3,2 tỷ đồng), trong khi chi phí hoạt động từ các nghiệp vụ chứng khoán lại giảm từ 2 tỷ đồng còn 1,2 tỷ đồng.

Nhẽ ra đây đã có thể là 6 tháng kinh doanh thành công của LVS, nếu chi phí dự phòng các khoản phải thu (nợ xấu) không tăng đột biết từ 21,2 tỷ đồng lên 43,2 tỷ đồng, khiến LVS gánh chịu khoản lỗ 20,2 tỷ, mức cao nhất trong 7 năm hoạt động của công ty. Lỗ lũy kế tính tới cuối quý II/2016 ở mức 38 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế của LVS lên tới 38 tỷ đồng tính đến hết quý II/2016. Nguồn: BCTC LVS soát xét bán niên 2016

Điều tréo ngoe là phần lớn khoản nợ xấu trên tới từ những cá nhân/ công ty có liên hệ tới LVS hoặc liên quan tới Him Lam – cổ đông lớn nhất của LVS, và đều phải trích lập 100% trong 6 tháng đầu năm.

Trong đó, khoản nợ đối với Công ty CP Him Lam Thủ Đô, có nguồn gốc từ năm 2012, đã được LVS trích lập dự phòng toàn bộ trong 6 tháng đầu năm 2016 với giá trị 10,5 tỷ đồng. Him Lam Thủ Đô đang là chủ đầu tư dự án khu nhà ở tại 96-96B Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Ngoài ra, LVS còn trích lập toàn bộ 12,5 tỷ đồng khoản nợ đối với ông Dương Minh Hùng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư & Phát triển Sài Gòn (SDI), một đơn vị thuộc Tập đoàn Him Lam, chủ yếu được biết đến với dự án tổ hợp sân golf – khách sạn – nhà ở ‘chết yểu’ Saigon Golf, Country Club and Residences (SGCCR) tại phường An Phú, Quận 2, TP. HCM có tổng đầu tư trên 5.000 tỷ đồng.

Được biết, dự án sân golf tai tiếng có tổng diện tích gần 120 ha này năm ngoái đã được chuyển đổi mục đích đầu tư thành dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An.

Phần lớn các khoản nợ xấu của LVS đều liên quan tới Tập đoàn Him Lam của Chủ tịch Dương Công Minh. Nguồn: BCTC LVS soát xét bán niên 2016

Như đã đưa tin, ông Huỳnh Ngọc Huy, cựu Chủ tịch LVS (giai đoạn 2010-2013) cũng nằm trong danh sách trên, khi LVS phải trích lập toàn bộ khoản tạm ứng gần 2 tỷ đồng ‘nằm chết’ trên bảng cân đối kế toán nhiều năm nay.

BCTC còn cho thấy LVS đang ghi nhận khoản nợ khó đòi 9,1 tỷ đồng với Công ty CP Him Lam Hải Phòng – chủ đầu tư dự án Khu đô thị Him Lam Hùng Vương với tổng diện tích 15 ha tại phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng; 137 triệu đồng đối với Công ty TNHH Khải Hưng – nơi Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB) Nguyễn Đức Cử đang làm giám đốc.

Tất cả các công ty, nhà băng trên đều có liên quan tới Tập đoàn Him Lam của vị Chủ tịch danh tiếng Dương Công Minh. Việc những doanh nghiệp này đồng thời có nợ xấu đối với LVS quả thật không bình thường.

Hoặc những chủ đầu tư dự án 96 Nguyễn Huy Tưởng, Khu đô thị Sài Gòn Bình An, Khu đô thị Him Lam Hùng Vương… có vấn đề về năng lực tài chính; hoặc vì một lý do nào đó, LVS dễ dàng để những pháp/ cá nhân liên quan ‘bùng nợ’.

2 cổ đông góp vốn lớn nhất vào LVS tính tới 30/6/2016 là LPB (11%) và Công ty CP Him Lam (79%). Đầu tư vào LVS thua lỗ thì những doanh nghiệp này sẽ phải trích lập dự phòng, đồng nghĩa với lợi nhuận chịu thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống.

Trong khi đó số tiền hàng chục tỉ đồng lại chảy vào các công ty/ cá nhân thuộc hệ thống của Him Lam nên bản chất là các cổ đông không mất tiền, nhưng vẫn giảm được thuế thu nhập doanh nghiệp, quả là một mũi tên trúng 2 đích.

Ở một diễn biến khác đáng chú ý, từ 30/6 -  7/7/2016, Him Lam đã góp thêm tổng cộng 125 tỷ đồng vào LVS, nâng phần vốn góp của mình tại công ty chứng khoán này lên 223,75 tỷ đồng, tương đương tỉ lệ kiểm soát 89,5%. 2 cổ đông còn lại là LPB và ông Phan Hữu Tuấn từ chối góp thêm vốn, giảm tỉ lệ sở hữu xuống lần lượt còn 5,5% và 5%.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến